Những điều cần biết về bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh của não và làm các chuyển động của cơ thể trở nên khó khăn hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Parkinson Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu người tại Mỹ. Rối loạn này là mãn tính và tiến triển, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh sản xuất ra dopamine. Khi những tế bào này bị tổn thương hoặc bị chết, việc mất đi lượng lớn dopamine sẽ dẫn đến việc co giật các dây thần kinh một cách bất thường và ảnh hưởng đến chuyển động, bao gồm run chân tay, mất thăng bằng và các vấn đề khác, theo giải thích của Viện Rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ.

Chưa có cách nào chữa khỏi tình trạng này, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng có một mối liên quan chặt chẽ giữa yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường trong bệnh Parkinson. Điều này có nghĩa là, những người bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson có thể sẽ cần thực hiện rất nhiều việc để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như hưởng thụ được những giây phút nghỉ ngơi bên gia đình.

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình gần đây được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, dưới đây là 10 sự thật bạn nên biết về căn bệnh này.

Parkinson không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Mặc dù rối loạn này thường được chẩn đoán ở những người khoảng 60 tuổi, nhưng những người trẻ hơn cũng có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng này được gọi là bệnh Parkinson khởi phát trẻ. Có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc Parkinson khi mới chỉ ở độ tuổi 29, nhưng những trường hợp như vậy rất hiếm. Phổ biến hơn, bệnh Parkinson có thể được chẩn đoán trong khoảng từ 50 đến 60 tuổi.

Nguyên nhân của bệnh Parkinson đến nay vẫn chưa rõ

Sự phối hợp giữa các yếu tố về gen và các yếu tố về môi trường được cho là có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc Parkinson. Một số bất thường về gen được chứng minh là có liên quan đến bệnh Parkinson, và lối sống cũng đóng một vai trò quan trọng. Những người thường uống đồ uống có chứa caffein, được cho là có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn, mặc dù mối liên hệ nhân quả này chưa được chứng minh.

Chẩn đoán bệnh Parkinson không hề đơn giản

Chưa có một loại xét nghiệm hay test nào có thể chẩn đoán được bệnh Parkinson. Thay vào đó, bác sỹ sẽ kiểm tra 4 đặc tính chủ yếu của tình trạng rối loạn vận động, được viết tắt là TRAP, bao gồm:

  • Run tay chân khi nghỉ ngơi (Tremor at rest), bao gồm run ngón tay cái, run cả bàn tay, cánh tay, cằm, môi và chân.
  • Cứng khớp (Rigidity) được cảm nhận bằng chủ quan của bác sỹ khi xoay cổ tay hoặc khuỷu tay của bệnh nhân
  • Chuyển động chậm (Akinesia) hoặc hạn chế chuyển động khi đi bộ hoặc đung đưa một cách tay
  • Tư thế không cân bằng (Postural instability), do vậy, người bệnh cần phải bám vào một vật gì đó để duy trì sự thăng bằng khi đi bộ hoặc đi đang ngồi và cần đứng lên từ ghế.

Bác sỹ có thể sẽ tìm ra các tình trạng bệnh khác, ví dụ như các loại thuốc cũng gây ra các triệu chứng tương tự, bệnh viêm khớp hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Theo dõi các triệu chứng, cùng với việc ghi lại tiền sử bệnh tật và hỏi bệnh là cách các bác sỹ sẽ đưa ra chẩn đoán về bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson không chỉ đặc trưng bởi sự run cơ hoặc các triệu chứng bên ngoài khác

Mặc dù các triệu chứng bên ngoài thường được dùng như những thông tin cơ bản để đưa ra chẩn đoán, nhưng bệnh Parkinson còn bao bồm nhiều thứ hơn như vậy, hay còn gọi là “các triệu chứng tàng hình”, bao gồm: các vấn đề về giấc ngủ, táo bón, nói ú ớ không rõ, và các vấn đề về cảm xúc (như trầm cảm). Triệu chứng bệnh sẽ rất khác nhau  giữa các bệnh nhân.

Tự tìm hiểu về bệnh Parkinson sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống

Có được chất lượng cuộc sống tốt là hoàn toàn có thể khi bị bệnh Parkinson, nếu bạn được điều trị tốt và có một kế hoạch tốt. Bạn nên biết rằng, bệnh Parkinson, cũng giống như bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao và các bệnh mãn tính khác, cần được kiểm soát hàng ngày. Người bệnh càng biết nhiều thông tin về bệnh, họ càng có thể chủ động hơn trong cuộc sống của chính mình.

Điều trị nên được biến đổi để phù hợp với triệu chứng và hoàn cảnh của bạn

Mặc dù chưa có cách nào chữa khỏi bệnh Parkinson, nhưng điều trị có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phương pháp điều trị chính cho tình trạng run cơ và cứng khớp là phối hợp sử dụng thuốc carbidopa và levodopa (ví dụ như Sinemet và Rytary). Sự kết hợp này được cho là có thể bổ sung lượng dopamin đã bị mất.

Nhưng, triệu chứng của bệnh Parkinson không chỉ khác nhau giữa các bệnh nhân, mà với mỗi bệnh nhân, mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng khác nhau cũng sẽ khác nhau. Với một số người, triệu chứng làm phiền cho họ nhất là táo bón, nhưng với một số người khác triệu chứng làm phiền họ lại là tình trạng run cơ. Do vậy, kế hoạch điều trị nên được thay đổi để phù hợp với từng người bệnh cụ thể, và có thể giải quyết được sự phiền hà lớn nhất mà bệnh Parkinson mang lại cho mỗi bệnh nhân.

Các thử nghiệm lâm sàng rất đáng để cân nhắc

Các nghiên cứu ngày càng phát triển, do vậy, khi đi khám bệnh Parkinson, bạn có thể hỏi xem liệu có một thử nghiệm lâm sàng của một nghiên cứu nào đó đang được tiến hành thích hợp với bạn và bạn có thể tham gia vào hay không. Rất nhiều bệnh nhân tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng có tiến triển tốt, một phần là vì họ sẽ được theo dõi thường xuyên hơn. Mọi thử nghiệm lâm sàng đều có những lợi ích và nguy cơ nhất định. Sẽ có tỷ lệ nhất định bị chấn thương, nhưng các nhà nghiên cứu đã đảm bảo rằng, những nguy cơ đó đã được giảm đến mức tối thiểu, so sánh với những lợi ích mà thử nghiệm mang lại. Tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng có thể sẽ giúp bạn tiếp cận với một phương pháp điều trị mới chưa được áp dụng rộng rãi. Trước khi tham gia, bạn có quyền được biết về tất cả các nguy cơ và lợi ích của thử nghiệm đó.

Căng thẳng có thể làm bệnh xấu đi, chia sẻ với mọi người về bệnh của bạn có thể làm giảm căng thẳng

Stress có thể làm gia tăng các triệu chứng. Với một số người, nguyên nhân căng thẳng có thể bắt nguồn từ đồng nghiệp, gia đình và bạn bè. Bạn nên chia sẻ về tình trạng bệnh của mình cho những người thân yêu, những người mà bạn tin tưởng. Việc này sẽ làm bạn giảm được đáng kể sự căng thẳng của mình.

Nhập viện có thể rất nguy hiểm

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân Parkinson có nguy cơ bị điều trị sai thuốc, sai thời điểm và nguy cơ bị nhiễm trùng nếu họ phải nhập viện. Và như vậy, sức khỏe chung của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi, việc nhập viện có thể sẽ cần thiết, nhưng một số bác sỹ khuyến khích bệnh nhân nên tránh ở lại trong viện, bằng cách tuân thủ kế hoạch điều trị và dùng thuốc đúng chỉ định. Nếu được, hãy điều trị ngoại trú hoặc đến các phòng khám bất cứ khi nào có thể.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hơn một nửa số bệnh nhân, và lo âu có thể ảnh hưởng đến khoảng 40% số bệnh nhân

Cả lo âu và trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người bệnh Parkinson, thậm chí mức độ ảnh hưởng còn nhiều hơn các triệu chứng liên quan đến việc run cơ, theo Hiệp hội Parkinson Quốc gia Hoa Kỳ. Trầm cảm và lo âu có thể sẽ xảy ra cùng một lúc, nhưng việc điều trị sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn. Điều trị có thể từ việc luyện tập, cho đến việc sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý hoặc tư vấn, có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top