Các vấn đề về thị lực do u tuyến yên

Những triệu chứng thị lực nào do u tuyến yên gây nên?

Tùy vào kích thước của u tuyến yên, mức độ chèn ép đến điểm giao thoa thị giác và thần kinh thị giác mà các triệu chứng về thị giác có thể bao gồm:

  • Nhìn mờ (ở một hoặc hai mắt)
  • Mất thị lực ngoại biên
  • Song thị
  • Mất thị lực 1 hoặc cả 2 bên mắt

Nếu u tuyến yên tiến triển dần dần, các triệu chứng trên thị giác thường sẽ khó có thể nhận biết. Những bệnh nhân có khối u tuyến yên nhỏ (microadenomas) thông thường không có những triệu chứng thị giác điển hình. Tuy nhiên, nếu u tuyến yên lớn hơn - gọi là macroadenomas (thường trên 1 cm), bệnh nhân có thể có triêu chúng rõ rệt, bao gồm từ nhìn mờ cho đến mất thị giác ở một hoặc thậm chí cả hai mắt. 

Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào phần nào trong hệ thị giác bị ảnh hưởng bởi khối u mà sẽ có giảm tầm nhìn ngoại biên ở hai bên mắt, thể hiện bằng giảm thị trường khi tiến hành đo thị trường chu biên. 

Một triệu chứng quan trọng khác có thể xảy ra với u tuyến yên là đôi khi một người nhìn vật thấy hai hình ảnh thay bằng một. Điều này xảy ra do u tuyến yên có thể chèn ép gây ảnh hưởng đến dây thần kinh giúp vận động mắt. Khi hai mắt không nhìn vào đúng đường thẳng, ta sẽ thấy hình ảnh đôi.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể phát hiện khối u tuyến yên và cho thấy khối u có chèn vào dây thần kinh thị giác hoặc vào điểm giao thoa thần kinh thị giác hay không.

 

Cơ chế ảnh hưởng

U tuyến yên có thể gây ra triệu chứng thị giác vì bản thân tuyến yên nằm gần những cấu trúc quan trọng của não thuộc về thị giác, bao gồm:

  • Dây thần kinh thị giác và điểm giao thoa thần kinh thị giác
  • Thần kinh giúp mắt chuyển động đúng.

Tuyến yên là một tuyến nhỏ, hình hạt đậu, và có kích thước cũng chỉ tương đương với 1 hạt đậu, nằm ở nền não, khoảng phía sau mũi và giữa 2 tai. Tuyến yên nằm ở trong hố yên, có kích thước chỉ vài cm sau hai mắt. 

Tuyến yên bình thường nằm dưới điểm giao thoa thần kinh thị giác - có chức năng đưa thông tin nhìn được về não. Tuyến yên cũng nằm giữa các dây thần kinh quan trọng giúp mắt chuyển động. Để nhìn bình thường, chúng ta dựa vào mắt để gửi thông tin qua dây thần kinh thị giác về não. Khối u tuyến yên lớn có thể chèn dây thần kinh này, ảnh hưởng đến khả năng gửi thông tin từ mắt về não.

Đôi khi, một khối u tuyến yên khi phát triển to hơn 1cm (macroadenomas) có thể chèn ép gây ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác ở một bên và làm mất thị lực bên mắt đó. Trường hợp khác, khi u tuyến yên phát triển ảnh hưởng đến điểm giao thoa dây thần kinh thị giác sẽ gây mất thị giác ở cả hai bên.

 

Những thăm khám nào giúp xác định vấn đề về thị lực?

Bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra để xem u tuyến yên có ảnh hưởng đến thị lực không. Thăm khám sẽ bao gồm đánh giá sự nhạy bén thị lực, thị lực màu sắc, thị lực ngoại biên, chuyển động mắt, hình thể võng mạc và dây thần kinh thị giác (bằng việc soi đáy mắt). Để kiểm tra thị lực ngoại biên, bệnh nhân sẽ được kiểm nghiệm tự động bằng máy đo thị trường tự động. Trong quá trình đo, các điểm sáng sẽ được máy tự động phát nhấp nháy, bệnh nhân sẽ nhấn nút khi nào đèn nháy lên.

Kiểm tra thị trường tự động là cách hữu ích để đánh giá thị lực ngoại biên. Ở người bình thường, một điểm mù nhỏ sẽ xuất hiện ở từng mắt. Nếu thị trường bị mất, sẽ xuất hiện các điểm mù ở các vị trí khác.

 

Điều trị mất thị giác do u tuyến yên như thế nào?

Trong phần lớn các trường hợp khi đã có tổn thương thị lực do khối u tuyến yên, phẫu thuật là cần thiết để bóc tách loại trừ khối u nhiều nhất có thể. Chỉ định phẫu thuật là bắt buộc khi khối u tuyến yên chèn vào các phần của hệ thị giác (dây thần kinh và điểm giao thoa thị giác).

Một số loại u tuyến yên gây tăng tiết hormon có thể được điều trị bằng thuốc giúp thu nhỏ khối u nên phẫu thuật có thể không cần thiết. Một số trường hợp khác thì cần xạ trị để chữa bệnh. Bác sỹ sẽ cân nhắc tất cả các triệu chúng và xét nghiệm của bạn để có những phương pháp điều trị tốt nhất.

 

Đeo kính có thể chữa mất thị lực do u tuyến yên không?

Kính mắt không thể chữa mất thị giác do u tuyến yên gây ảnh hưởng đến dây thần kinh và điểm giao thoa thị giác và cần giải quyết nguyên nhân tại tuyến yên mới có thể phục hồi được phần nào thị lực của bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu một bệnh nhân có vấn đề riêng về nhìn vùng bên hoặc nhìn xa, mắt kính có thể là sự lựa chọn tạm thời trong khi tiếp tục điều trị nguyên nhân.

 

Song thị có thể được chữa trị như thế nào?

Song thị xảy ra khi chuyển động mắt bất thường, có thể được chữa bằng nhiều cách. Một phương pháp là khiến một mắt không nhìn được, vì vậy người bệnh sẽ không thấy hai hình ảnh một lúc nữa. Có thể dùng tấm che mắt hoặc che mắt kính. Trong một số trường hợp, nếu độ lệch hai mắt rất nhỏ, lăng kính có thể đặt trong mắt kính để thay đổi hình ảnh và giảm song thị.

Cuối cùng, nếu song thị trở thành vấn đề lâu dài (không cải thiện khoảng 12 tháng trở đi), phẫu thuật có thể thực hiện để điều chỉnh vị trí cơ mắt. Mục tiêu của phẫu thuật này là giảm song thị khi nhìn thẳng và nhìn xuống, nhưng vẫn có thể thấy hình ảnh đôi khi nhìn sang 2 bên.  

 

Thị giác có thể được cải thiện sau khi chữa u tuyến yên không?

Trong nhiều trường hợp, mất thị lực có thể được phục hồi đáng kể sau khi phẫu thuật hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, mức độ hồi phục tùy thuộc vào thời gian mất thị lực và mức độ nặng. Không may là một vài trường hợp mất thị lực vĩnh viễn mặc dù đã điều trị u tuyến yên.

 

Bao lâu nên khám mắt hoặc làm xét nghiệm một lần?

Tần suất khám mắt đối với bệnh nhân u tuyến yên sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u, còn phụ thuộc vào các triệu chứng thị lực có xảy ra hay không, và điều trị thuốc hay phẫu thuật có cần thiết hay không. Dựa vào đó, một số bệnh nhân sẽ cần khám mắt định kì, thường 6 đến 12 tháng một lần.

Một số bệnh nhân cũng cần chụp cộng hưởng từ MRI 6 tháng đến 1 năm 1 lần để kiểm tra sự phát triển khối u và tác động đến thị giác.

 

Nên làm gì nếu nhận ra có sự thay đổi thị lực?

Nếu bạn nhận ra sự thay đổi về thị lực, nên đến khám sớm. Bạn có thể cần một bài kiểm tra mắt toàn diện để phát hiện mức độ của bất kì sự thay đổi thị lực nào có thể liên quan đến khối u và phương pháp điều trị nào là cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top