Chèn ép dây thần kinh

Tổng quan về chèn ép dây thần kinh

Chèn ép dây thần kinh là tình trạng một dây thần kinh bị chèn ép bởi các tổ chức xung quanh nó. Hiểu cơ bản thì tình trạng này xảy ra khi có quá nhiều áp lực tác động lên một dây thần kinh do nguyên nhân đến từ các mô xung quanh chẳng hạn như xương, sụn, cơ bắp hoặc gân. Sự chèn ép này có thể gây đau, ngứa ran, tê hoặc thậm chí là yếu một khu vực cơ quan do dây thần kinh đó chi phối.

Một dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra ở nhiều khu vực trên khắp cơ thể. Ví dụ: thoát vị đĩa đệm ở cột sống dưới có thể gây áp lực lên rễ thần kinh đoạn cuối (đoạn lưng eo). Điều này có thể gây đau tỏa ra phía sau lưng, đau lan xuống vùng mông và lan xuống chân. Tương tự như vậy, một dây thần kinh bị chèn ép ở cổ tay có thể dẫn đến đau và tê ở bàn tay và ngón tay (hội chứng ống cổ tay).

Bằng cách nghỉ ngơi và áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn khác, tình trạng này hầu như có thể phục hồi từ trạng thái bị chèn ép sau vài ngày hoặc vài tuần. Đôi khi, phẫu thuật là cần thiết để giảm đau và điều trị tận gốc vấn đề.

 

Triệu chứng của chèn ép thần kinh

Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện khi dây thần kinh bị chèn ép bao gồm:

  • Tê hoặc giảm cảm giác ở khu vực mà dây thần kinh đó chi phối
  • Đau nhói, đau nhức hoặc nóng rát, có thể tỏa ra bên ngoài da vùng dây thần kinh chi phối
  • Cảm giác ngứa ran, châm chích (dị cảm)
  • Yếu cơ ở vùng bị ảnh hưởng
  • Thường xuyên có cảm thấy bàn chân hoặc bàn tay rơi vào trạng thái “ngủ quên”

Các vấn đề liên quan đến chèn ép dây thần kinh có thể trở nên tồi tệ hơn khi đang ngủ.

 

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

Một dây thần kinh bị chèn ép là khi có quá nhiều áp lực đè lên dây thần kinh đó bởi các yếu tố xung quanh. Trong một số trường hợp, mô này có thể là xương hoặc sụn, chẳng hạn như trong trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống và đè vào rễ thần kinh. Một số trường hợp khác thì cơ hoặc gân có thể gây ra tình trạng này.

Một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Chấn thương
  • Viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp cổ tay
  • Sự lặp đi lặp lại 1 động tác và gây ra những áp lực vận động cho vùng đó
  • Hoạt động thể thao
  • Béo phì

Nếu một dây thần kinh bị chèn ép chỉ trong một thời gian ngắn, điều này thường không gây ra các ảnh hưởng lâu dài. Một khi áp lực cho dây thần kinh đó được giảm bớt, chức năng thần kinh sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu áp lực tiếp tục kéo dài và trở thành cơn đau mạn tính, tổn thương thần kinh vĩnh viễn có thể xảy ra.

 

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị chèn ép dây thần kinh:

  • Giới tính. Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển hội chứng ống cổ tay, có thể là do có cấu trúc sinh học.
  • Gai xương. Chấn thương hoặc một tình trạng làm dày xương – chẳng hạn như viêm xương khớp có thể gây ra gai xương. Gai xương có thể làm cứng cột sống cũng như thu hẹp không gian nơi dây thần kinh đi qua và kéo theo tình trạng chèn ép.
  • Viêm khớp dạng thấp. Viêm do viêm khớp dạng thấp có thể chèn ép dây thần kinh, đặc biệt là ở khớp.
  • Bệnh tuyến giáp. Những người mắc bệnh tuyến giáp có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn người bình thường.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Đái tháo đường. Những người bị đái tháo đường có nguy cơ bị chèn ép thần kinh cao hơn người bình thường.
  • Đặc thù vận động. Công việc hoặc sở thích đòi hỏi chuyển động lặp đi lặp lại làm tăng khả năng bị chèn ép dây thần kinh.
  • Béo phì. Trọng lượng dư thừa của cơ thể có thể tạo thêm áp lực cho dây thần kinh.
  • Mang thai. Nước và việc tăng cân liên quan đến mang thai có thể làm sưng phù các đường dẫn của dây thần kinh và gây chèn ép.
  • Nằm trên giường kéo dài. Thời gian dài ở trạng thái nằm có thể làm tăng nguy cơ chèn ép thần kinh.

 

Chẩn đoán tình trạng chèn ép dây thần kinh

Đầu tiên để đánh giá tình trạng chèn ép dây thần kinh, các chuyên gia y tế sẽ đánh giá các triệu chứng và tiến hành kiểm tra thể chất. Nếu dây thần kinh bị chèn ép, một số xét nghiệm cũng có thể được thực hiện. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: đo lượng đường trong máu hoặc tuyến giáp lúc đói.
  • Chọc dò dịch não tủy. Xét nghiệm này đánh giá mẫu dịch não tủy để kiểm tra các dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Chụp X-quang: cho phép định vị và có thể cho biết liệu có bất kỳ sự thu hẹp hoặc tổn thương nào đang ảnh hưởng đến dây thần kinh hay không.
  • Đo dẫn truyền thần kinh: đo các xung thần kinh điện hoạt động trong cơ bắp thông qua các điện cực được đặt trên da để đánh giá khả năng hoạt động ổn định hay không.
  • Điện cơ đồ: đánh giá hoạt động điện của cơ bắp ở trạng thái co và nghỉ, cho biết tổn thương nếu có của dây thần kinh dẫn đến cơ bắp.
  • Chụp cộng hưởng từ: đánh giá chi tiết tình trạng chèn ép rễ thần kinh.
  • Siêu âm: rất hữu ích để chẩn đoán các hội chứng chèn ép thần kinh, chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay.

 

Điều trị tình trạng chèn ép dây thần kinh

Phương pháp điều trị đơn giản nhưng tối ưu nhất được áp dụng khi một dây thần kinh bị chèn ép là nghỉ ngơi – để cho khu vực bị ảnh hưởng được thư giãn. Theo đó, ngừng bất kỳ hoạt động nào gây ra hoặc làm trầm trọng thêm sự chèn ép là cách tốt nhất để tự hồi phục.

Tùy thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị chèn ép, có thể cần đến một số công cụ hỗ trợ như nẹp cố định. Đặc biệt ở hội chứng ống cổ tay, nên đeo nẹp mọi lúc vì cổ tay luôn hoạt động và xoay kể cả khi ngủ.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp tốt để tăng cường sức mạnh và kéo giãn các cơ khu vực bị ảnh hưởng, với mục đích giảm áp lực lên dây thần kinh. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu cũng giúp làm giảm trầm trọng các hoạt động tác động lên dây thần kinh đó.

Sử dụng thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như ibuprofen hay paracetamol có thể giúp giảm đau trong trường hợp này. Một số loại thuốc khác chẳng hạn như gabapentin, nortriptyline hay amitriptyline cũng được sử dụng để điều trị đau liên quan đến thần kinh.

Ngoài ra, corticosteroid đường tiêm hoặc uống cũng có thể phát huy tác dụng, nhưng cần sự hướng dẫn cụ thể của chuyên gia y tế.

Phẫu thuật

Nếu tình trạng chèn ép dây thần kinh không cải thiện sau vài tuần đến vài tháng dù đã áp dụng các phương pháp điều trị, phẫu thuật để giảm áp lực lên dây thần kinh sẽ trở thành cần thiết. Loại phẫu thuật khác nhau sẽ tùy thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị chèn ép.

Đôi khi, phẫu thuật có thể đòi hỏi phải loại bỏ gai xương hoặc một phần của đĩa đệm thoát vị ở cột sống (ví dụ: cắt đứt dây chằng cổ tay để có nhiều không gian hơn cho dây thần kinh đi qua cổ tay).

 

Các biện pháp dự phòng

Các biện pháp dự phòng dưới đây có thể giúp ngăn ngừa tình trạng chèn ép dây thần kinh ở một số vị trí nhất định như:

  • Duy trì tư thế tốt, đảm bảo. Việc duy trì tư thế ngồi, tư thế làm việc hay hoạt động đảm bảo sẽ không làm ảnh hưởng đến các cơ quan bao gồm cả dây thần kinh, tránh tạo áp lực và gây chèn ép
  • Tập thể dục đều đặn, kết hợp với các bài tập sức mạnh và các bài tập linh hoạt
  • Hạn chế các hoạt động lặp đi lặp lại, và nghỉ ngơi thường xuyên khi tham gia vào các hoạt động này
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top