Theo International Business Times, năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) phân loại bức xạ điện thoại di động như một chất có thể gây ung thư cho con người, thuộc nhóm 2B. Việc phân loại này chủ yếu dựa trên các nghiên cứu về dân số học.
Năm 2010, L. Hardell, nhà dịch tễ người Thụy Điển, kết hợp với tổ chức nghiên cứu môi trường và phóng xạ Interphone tiến hành một nghiên cứu do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ về khả năng gây ung thư của điện thoại di động. Kết quả cho thấy, những người sử dụng điện thoại di động 30 phút mỗi ngày trong 10 năm làm nguy cơ phát triển u thần kinh đệm, một bệnh ung thư não ác tính, tăng lên khoảng 40-170%.
Năm 2013, trung tâm Cerenat, Pháp, xác nhận các quan sát của Interphone và Hardell hoàn toàn đúng. Năm 2015, nghiên cứu của Đại học Jacobs Bremen, Đức, tiến hành trên động vật chỉ ra rằng, bức xạ điện thoại di động làm tăng tác động gây ung thư của các hóa chất.
Nhưng theo kết quả nghiên cứu của IARC năm 2012, số bệnh nhân mắc ung thư não không thay đổi hoặc chỉ tăng nhẹ trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2008, bất chấp sự gia tăng đáng kể số người dùng điện thoại di động trong hơn 20 năm qua.
Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa các bằng chứng cho thấy mức độ gia tăng nguy cơ mắc ung thư não khi dùng điện thoại di động và tỷ lệ mắc ung thư não trong dân cư hầu như không thay đổi.
Nhiều học giả cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận từ các nghiên cứu về mối liên hệ giữa ung thư não và bức xạ điện từ. Nguyên nhân là do bệnh ung thư có thể tồn tại ở trạng thái tiềm ẩn trong hàng chục năm, và con người chỉ mới bắt đầu sử dụng điện thoại di động phổ biến trong thời gian gần đây.
Theo nghiên cứu của IARC tiến hành trên động vật năm 2011, bản thân bức xạ điện thoại di động không gây ung thư, nhưng nó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ở những con vật tiếp xúc với liều lượng thấp các chất hóa học gây ung thư.
Do đó, không phải tất cả người dùng điện thoại di động đều mắc ung thư não. Bức xạ điện thoại chỉ làm tăng tốc sự phát triển của bệnh khi tiếp xúc với hóa chất gây ung thư hay đột biến gene tự phát.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh