1. Bệnh mất ngủ là gì?
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khiến người bệnh không thể ngủ sâu giấc hoặc tỉnh dậy quá sớm và không thể ngủ lại được. Người bệnh mắc chứng mất ngủ thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đặc biệt là khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc trong cả ngày hôm sau.
Mất ngủ được chia thành 2 dạng chính đó là cấp tính và mạn tính. Mất ngủ cấp tính thường kéo dài trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó mất ngủ mạn tính kéo dài đến 1 tháng hoặc lâu hơn.
2. Các phương pháp chữa bệnh mất ngủ hiệu quả
Hiện nay, một số phương pháp được áp dụng giúp điều trị bệnh mất ngủ hiệu quả bao gồm:
2.1 Vệ sinh giấc ngủ rất quan trọng trong việc chữa bệnh mất ngủ
Phương pháp này liên quan tới những hành vi và thực hành từ môi trường được khuyến khích thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ. Vệ sinh giấc ngủ là phương pháp không thể thiếu giúp bệnh nhân có thể cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ hiệu quả.
Các phương pháp vệ sinh giấc ngủ người bệnh nên tham khảo đó là:
– Đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định.
– Giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi vào giấc ngủ.
– Không sử dụng các chất kích thích như: cà phê, rượu bia, thuốc lá… có thể tác động tới hệ thần kinh trung ương.
– Tạo thói quen nghe nhạc, đọc sách, massage hoặc ngâm chân nước ấm trước khi ngủ.
– Điều chỉnh ăn uống khoa học, hợp lý. Nên ăn vào một giờ nhất định trong ngày và không ăn quá nhiều trước khi ngủ.
– Tập luyện các bài tập thư giãn đầu óc và cơ thể vào mỗi buổi tối.
– Giữ điều kiện và môi trường ngủ thoải mái.
2.2 Vật lý trị liệu
Ứng dụng các phương pháp vật lý trị liệu là một trong những biện pháp cải thiện bệnh mất ngủ được áp dụng phổ biến hiện nay. Một số phương pháp thường được áp dụng đó là:
– Điện phân dẫn thuốc an thần vào vùng trán – gáy
– Điện trường cao áp
– Từ trường xuyên sọ
– Ion tĩnh điện
2.3 Thư giãn đơn giản
Một số bài tập giúp thư giãn đơn giản cho hệ thần kinh như: ngồi thiền, tập yoga, luyện khí công, tập dưỡng sinh… đều có hiệu quả trong chữa trị chứng mất ngủ.
2.4 Bổ sung các loại thức ăn bổ dưỡng
Có rất nhiều thực phẩm có lợi cho giấc ngủ như: trà hoa cúc, các loại sinh tố hoa quả, bột yến mạch. thịt gà, mật ong ấm… giúp cải thiện và khắc phục bệnh mất ngủ mạn tính.
2.5 Chữa bệnh mất ngủ bằng thuốc Tây y
Sử dụng các loại thuốc an thần giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ là phương pháp được nhiều người bệnh sử dụng. Tuy nhiên, việc điều trị này cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, thuốc Tây y có thể đem lại những tác dụng phụ không mong muốn nên cần phải được giám sát trực tiếp bởi các bác sĩ và chuyên gia.
2.6 Thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh giúp cải thiện chứng mất ngủ hiệu quả
Việc thăm khám và điều trị bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh là rất quan trọng và có ý nghĩa đối với người mắc bệnh mất ngủ. Thông qua các triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh. Chính vì vậy, khi thấy tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan và thực hiện thăm khám chuyên bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.
3. Bệnh mất ngủ xảy ra do những nguyên nhân nào?
Nhiều nghiên cứu về tình trạng mất ngủ cho thấy, cuộc sống hiện đại đã khiến chất lượng giấc ngủ của con người ngày càng giảm đi. Bên cạnh đó, những áp lực về tâm lý, mệt mỏi, căng thẳng đã làm sản sinh ra vô số gốc tự do. Các gốc tự do này tấn công mạnh mẽ vào thành động mạch não gây hẹp động mạch, làm cản trở quá trình lưu thông máu. Hậu quả là việc vận chuyển oxy lên não diễn ra khó khăn. Quá trình này diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc hệ thần kinh. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh mất ngủ.
Không những thế, các gốc tự do còn tác động trực tiếp đến các tế bào não. Các tế bào đồng thời bị gốc tự do tấn công và không được cung cấp oxy dẫn đến rối loạn chức năng não. Lúc này, các vùng não chi phối giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng khiến các dây thần kinh không phối hợp được nhịp nhàng, làm giấc ngủ bị gián đoạn.
Ngoài ra, bệnh mất ngủ còn xuất phát từ một số lý do khác liên quan tới các thói quen sinh hoạt hàng ngày như: ngủ không đúng giờ, vận động mạnh trước khi ngủ, xem TV, điện thoại quá muộn, ăn quá nhiều vào buổi tối, sử dụng chất kích thích, sử dụng thuốc hay các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
4. Những ai dễ có nguy cơ mắc bệnh mất ngủ?
Bệnh mất ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, mất ngủ thường ảnh hưởng và tác động nhiều hơn đến các đối tượng sau:
– Phụ nữ: Các thống kê đều cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị mất ngủ cao hơn so với nam giới. Ở phụ nữ, sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn mãn kinh đều là những yếu tố gây ra tình trạng mất ngủ. Đặc biệt trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ rất dễ đổ mồ hôi và bốc hỏa vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ. Mất ngủ cũng thường phổ biến ở những người đang mang thai.
– Người lớn tuổi: Sự thay đổi về sức khỏe và nhịp thức ngủ của người lớn tuổi sẽ khiến nguy cơ mắc chứng mất ngủ ở đối tượng này gia tăng. Trong đó, tình trạng mất ngủ thường xuất hiện nhất ở người trên 60 tuổi.
– Người gặp các vấn đề tâm lý: Rối loạn về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress, rối loạn lưỡng cực đều có nguy cơ mắc bệnh mất ngủ cao hơn người bình thường.
Trên đây là những thông tin tham khảo về bệnh mất ngủ và phương pháp giúp chữa bệnh mất ngủ hiệu quả. Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết và hỗ trợ người bệnh trong quá trình cải thiện và điều trị bệnh mất ngủ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh