Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm giác như mình sắp chết hay cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, phát điên hoặc mất kiểm soát. Cơn hoảng sợ thường ngắn, đột ngột và gây ra các phản ứng dữ dội của cơ thể.
Trước đại dịch COVID-19, cũng đã có bệnh nhân đến tìm đến bác sĩ với các cơn hoảng sợ kịch phát. Tuy nhiên, trong đại dịch, căn bệnh này có chiều hướng gia tăng.
Đặc điểm lâm sàng của cơn hoảng sợ kịch phát
Cơn hoảng sợ kịch phát khởi phát đột ngột và nhanh chóng đến cường độ tối đa (thường sau 10 phút hoặc ngắn hơn). Phối hợp với cảm giác nguy hiểm hoặc đe dọa bị chết và mong muốn được thoát khỏi tình trạng này, điển hình là các dấu hiệu:
- Mạch nhanh, hồi hộp, trống ngực dữ dội (cảm thấy vỡ tung lồng ngực).
- Ra nhiều mồ hôi như tắm, mặc dù thời tiết không nóng.
- Run tay, run chân (bệnh nhân thường gục ngay xuống đất)
- Cảm giác nghẹt thở như bị ai bóp cổ gây khó thở, thiếu không khí.
- Cảm giác thở nông, thở hổn hển nên thông khí kém.
- Đau hoặc khó chịu ở ngực trái khiến bệnh nhân nhầm với cơn nhồi máu cơ tim.
- Buồn nôn hoặc đau bụng nên dễ nhầm với viêm dạ dày.
- Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, vì vậy bệnh nhân dễ ngã.
- Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách nghĩa là bệnh nhân không còn cảm nhận đúng về thế giới xung quanh và bản thân trong khi lên cơn hoảng sợ.
- Sợ mất kiểm soát và phát điên, bệnh nhân cho rằng mình không còn kiểm soát được các ý nghĩ và hành vi của mình nữa.
- Sợ chết, bệnh nhân cho rằng mình chết đến nơi rồi.
- Cảm giác chết lặng, không cử động được.
- Lạnh cóng hoặc nóng bừng cơ thể.
Để được chẩn đoán một cơn hoảng sợ kịch phát, người bệnh phải có ít nhất 4 trong các triệu chứng trên.
Giữa các cơn, bệnh nhân có thể lo lắng về việc tái phát một cơn hoảng sợ khác. Mối quan tâm của bệnh nhân về các triệu chứng cơ thể thường là vấn đề tim mạch hoặc hô hấp. Người bệnh tin rằng đánh trống ngực và đau ngực là thể hiện rằng họ bị bệnh tim mạch. Nếu như khám tim mạch không tìm được nguyên nhân thì họ sẽ vô cùng lo lắng và nghĩ rằng mình sẽ... chết vì căn bệnh "lạ" này.
Thông tin cho bệnh nhân và gia đình
Rối loạn hoảng sợ do COVID-19 là rất phổ biến và có thể điều trị được.
Lo âu mạnh mẽ gây ra các rối loạn cơ thể như: đau ngực, chóng mặt, thở nhanh. Đó không phải là triệu chứng của một bệnh cơ thể và chúng sẽ hết khi lo âu được chế ngự.
Lo âu còn gây ra những ý nghĩ: sợ chết, sắp bị điên hoặc mất tự chủ. Các ý nghĩ này cũng sẽ qua khi lo âu được kiểm soát.
Các biểu hiện lo âu về cơ thể và tâm thần có tác động qua lại lẫn nhau. Nếu bệnh nhân quá bận tâm vào các triệu chứng đau ngực, khó thở… sẽ làm lo sợ tăng.
Một bệnh nhân cách ly hay né tránh các hoàn cảnh mà cơn hoảng sợ đó xuất hiện chỉ làm tăng thêm nỗi lo âu sợ hãi cho mình.
Làm thế nào để vượt qua được cơn hoảng sợ?
Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ qua đi, không cần quan tâm đến các triệu chứng về cơ thể.
Tiến hành thở chậm, thư giãn, đừng cố gắng thở quá sâu hay quá nhanh (hít sâu thở đều là được). Việc kiểm soát nhịp thở làm giảm các triệu chứng cơ thể này. Tự nhủ rằng đó là một cơn hoảng sợ, sẽ mau chóng qua đi.
Cảm giác của bạn có thể là lâu, nhưng thực ra chỉ vài phút. Xác định những nỗi lo đó bị khuếch đại trong cơn hoảng sợ (ví dụ bạn cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim nhưng thực ra không phải).
Tìm cách đương đầu với nỗi lo sợ đó (tự nhủ tôi không bị nhồi máu cơ tim, đó chỉ là một cơn hoảng sợ và sẽ qua đi trong vài phút).
Hãy vào các nhóm có biểu hiện như mình tự giúp đỡ lẫn nhau có thể giúp bệnh nhân chế ngự được cơn hoảng sợ.
Hãy tìm đến tư bác sĩ để bạn có được những tư vấn sức khỏe hữu ích và có hướng điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh