Đối mặt với hoàn cảnh khi gia đình có người bệnh Alzheimer

Khi người thân trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer thì dường như cuộc sống trong gia đình bị đảo lộn. Trên thực tế những người mắc Alzheimer thường rất khó chiều vì cảm xúc của họ rất khó hiểu, lúc vui buồn giận dữ, lúc sợ hãi lo âu. Đó là lý do tại sao không khí trong gia đình luôn căng thẳng.

Hãy giải quyết các khó khăn cùng nhau là cách để hạn chế các xung đột trong gia đình.

Sẻ chia trách nhiệm

Khi một người trong gia đình bị mắc Alzheimer thì việc chăm sóc người đó không phải của riêng ai, mọi người trong gia đình nên cùnng nhau san sẻ các gánh nặng chăm sóc người thân. Nếu có điều kiện, người mắc bệnh Alzheimer nên được chăm sóc trong các cơ sở y tế dành riêng cho họ. Nếu bạn chăm sóc tại nhà riêng, bạn sẽ phải thay đổi một số điều trong ngôi nhà hoặc cách sống của gia đình để phù hợp hơn với người bệnh Alzheimer.

Thay nhau phân công công việc chăm sóc sẽ giúp cho mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy dễ chịu hơn khi vừa có thời gian chăm sóc người thân mà vẫn có thời gian để nghỉ ngơi hoặc làm việc nhà. Gia đình bạn cũng nên chọn ra một người chuyên xử lý các vấn đề tài chính và pháp lý cho người mắc Alzheimer.

 

Giao lưu thường xuyên

Bạn hãy luôn nhớ lên kế hoạch để người mắc Alzheimer luôn được gặp gỡ mọi người. Có thể là những người trong nhóm chăm sóc, các thành viên trong gia đình hoặc những người bạn thân nhất. Bạn cũng nên cập nhật email thường xuyên về tình trạng của người mắc Alzheimer thường xuyên với các thành viên khác trong gia đình hoặc thông qua các mạng xã hội.

Trong các cuộc họp gia đình bạn nên thảo luận về việc mỗi người trong gia đình nên có trách nhiệm và những khó khăn trong việc chăm sóc cần phải được cùng giải quyết. Khi quyết định một việc nào đó liên quan đến người mắc Alzheimer, bạn không nên dựa vào ý kiến cá nhân của mình mà phải cùng thảo luận, thỏa hiệp với các thành viên khác để đạt được thỏa thuận hợp lý nhất. Những cuộc học gia đình rất hay biến thành cuộc tranh luận, do đó bạn nên tham khảo các lời khuyên từ những chuyên gia hoặc các nhân viên xã hội, hội hòa giải có kinh nghiệm trong vấn đề này.

 

Hãy thành thật

Để giúp giảm bớt sự căng thẳng hãy nói lên những cảm xúc của bạn một cách cởi mở và có tinh thần luôn sẵn sàng thay đổi. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi hoặc quá tải thì hãy cùng nhau sắp xếp lại công việc, chăm sóc một cách hiệu quả để san sẻ gánh nặng chăm sóc người ốm. Lưu ý việc xin tư vấn từ các chuyên gia sẽ không bao giờ thừa cho bạn.

Tuy nhiên bạn nên lưu ý việc không nên để cảm xúc của bạn đi quá đà với việc đổ lỗi cho ai đó. Nên phát biểu ý kiến cá nhân một cách thẳng thắn “tôi đang rất mệt mỏi với việc vừa chăm sóc cha vừa phải đi làm”. Nên giữ một thái độ cởi mở, lắng nghe ý kiến các thành viên viên khác trong gia đình, chia sẻ các cảm xúc và suy nghĩ với nhau.

 

Không chỉ trích

Có quá nhiều cách đúng để chăm sóc người Alzheimer. Hãy tôn trọng cách làm việc, phong cách và giá trị của mỗi người chăm sóc đặc biệt là người chăm sóc ấy là các thành viên trong gia đình- những người chăm sóc người ốm hằng ngày.

 

Xem xét đến việc tư vấn

Nếu bạn lo ngại rằng bệnh Alzheimer sẽ khiên gia đình bạn bất hòa hãy tìm đến những sự giúp đỡ. Bạn có thể tham gia một nhóm hỗ trợ cho người chăm sóc Alzheimer, tìm kiếm các lời khuyên ngay chính trong gia đình bạn hoặc từ các thành viên trong đội ngũ chăm sóc.

Nhớ rằng giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình cùng nhau sẽ giúp bạn tập trung vào những giá trị quan trọng nhất của gia đình đó là chăm sóc người thân và tận hưởng những giờ phút bên nhau nhiều nhất khi còn có thể. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top