✴️ Giải đáp: Rối loạn giấc ngủ có chữa được không?

Nội dung

Mất ngủ, trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay giật mình tỉnh giấc là những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ. Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều người bị rối loạn giấc ngủ, điển hình là chứng bệnh mất ngủ. Vậy các biểu hiện rối loạn giấc ngủ là gì? Rối loạn giấc ngủ có chữa được không? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc tham khảo.

 

1. Rối loạn giấc ngủ có chữa được không?

Giấc ngủ là rất quan trọng đối với mỗi người, vì giấc ngủ giúp hồi phục hầu hết tất cả các cơ quan trong cơ thể để các cơ quan này tiếp tục làm việc tốt hơn. Nếu giấc ngủ không đủ hoặc gặp vấn đề sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, não kém hoạt động, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa,…

Nhiều người bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ thường lo lắng không biết rối loạn giấc ngủ có chữa được hay không? Theo các chuyên gia nội thần kinh, điều này tùy thuộc vào biểu hiện, nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và phương pháp điều trị.

1.1 Biểu hiện rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng một người ngủ ít tiếng hơn so với người bình thường (một người bình thường thường ngủ 7- 8 tiếng mỗi ngày) và chất lượng giấc ngủ của người giảm sút. Điều này có thể gây ra các triệu chứng sau khi tỉnh dậy như giảm tập trung, có cảm thấy buồn ngủ trong ngày, mệt mỏi…

Người bị rối loạn giấc ngủ thường khó đi vào giấc ngủ hơn người bình thường, việc duy trì giấc ngủ khó khăn vì thường bị tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, khoảng hơn 30 phút mới có thể tiếp tục ngủ tiếp, dậy sớm hơn.

Tùy từng loại rối loạn giấc ngủ mà triệu chứng biểu hiện khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau. Khi thấy giấc ngủ có sự bất thường, bạn nên đi khám nội thần kinh ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Mất ngủ, trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay giật mình tỉnh giấc là những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ

 

1.2 Các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ như tâm lý, bệnh lý, môi trường.

– Một người hay lo âu, căng thẳng, suy nghĩ nhiều, stress sẽ khó đi vào giấc ngủ

– Những người mắc bệnh lý về tim mạch (suy tim, rối loạn nhịp tim..), hô hấp (ngưng thở khi ngủ, COPD,…), tiêu hóa (viêm dạ dày, trào ngược dạ dày,…), thần kinh (tai biến mạch máu não, u não,…), tâm thầm (trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng,..)

– Tác dụng phụ của thuốc đang sử dụng cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ

– Môi trường ngủ không thoải mái (bẩn, quá nóng hoặc quá lạnh), ồn ào, ánh sáng không phù hợp, … có thể gây hội chứng rối loạn giấc ngủ

Sau khi tìm được nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp. Một số thuốc sẽ được sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, thuốc an thần có thể được sử dụng trong trường hợp cần thiết. Người bệnh nên đi thăm khám với bác sĩ để được khám và chẩn đoán cận lâm sàng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc an thần về điều trị hoặc lạm dụng thuốc vì điều này rất dễ gây nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các biện pháp vệ sinh giấc ngủ, tâm lý trước khi ngủ cũng rất quan trọng. Nếu rối loạn giấc ngủ do nguyên nhân bệnh lý khác thì cần điều trị khỏi các bệnh lý đó.

Ứng dụng chụp cộng hưởng từ MRI sọ não để phát hiện các vấn đề ở não gây chứng rối loạn giấc ngủ

 

2. Chu kỳ giấc ngủ của bạn diễn ra như thế nào?

Ngủ được coi một nhu cầu tự nhiên (nhu cầu sinh lý) cần thiết của con người. Sinh lý giấc ngủ giải thích quy trình giấc ngủ của bạn được diễn ra như thế nào. Thông thường mỗi đêm, giấc ngủ của chúng ta trải qua 4 chu kỳ  (4 NREM) nối tiếp nhau.

2.1 Chu kỳ NREM 1 và NREM 2: giai đoạn giấc ngủ nông

Được chia thành 2 giai đoạn nhỏ: NREM 1 và NREM 2

NREM 1: Giai đoạn đầu tiên tại chu kỳ này tất cả các hoạt động não và hoạt động cơ thể sẽ giảm xuống, trương lực cơ cũng giảm dần. Giai đoạn này chỉ chiếm khoảng 10% giấc ngủ. Cơ thể đang ở trạng thái lơ mơ, thiu thiu.

NREM 2: Giai đoạn tiếp theo trong chu kỳ giấc ngủ nông, chiếm khoảng 50% chu kỳ giấc ngủ. Đây là giai đoạn quan trọng hơn, giấc ngủ sâu hơn và sóng điện não chậm hơn, hoạt động trương lực cơ giảm đi rất nhiều. Cơ thể ngủ nhưng không sâu, dễ giật mình, sự hồi phục cơ thể không nhiều, khi tỉnh dậy không cảm thấy sảng khoái.

Những người bị rối loạn giấc ngủ thường chỉ ngủ đến hết giai đoạn NREM 2, mà chưa thể ngủ tiếp ở giai đoạn NREM 3.

2.2 Chu kỳ NREM 3: giai đoạn giấc ngủ sâu

Đây là giai đoạn quan trọng, các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đều giảm xuống, sóng điện não chậm nhất, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái sau khi ngủ dậy. Ở giai đoạn này cơ thể hầu như “miễn cảm” với các âm thanh, hành động. Bởi vậy mới có những người ngủ mà người khác gọi hay lay người không tỉnh, chính là họ đang ở giai đoạn giấc ngủ sâu này. Đây được coi là giai đoạn bảo trì, thường tập trung ở nửa đầu thời gian ngủ, thường là lúc giữa đêm.

Giấc ngủ của chúng ta trải qua 4 chu kỳ liên tiếp sau đây

 

2.3 Chu kỳ NREM 4: giai đoạn giấc ngủ nông và cử động mắt nhanh (REM)

Ở giai đoạn này các trương lực cơ hầu như không cử động nhiều, nhưng các hoạt động của tim, phổi bắt đầu cử động nhanh hơn và bệnh nhân có thể nhận thức được một phần.

Giấc ngủ của cơ thể hoạt động theo từng nhịp, giai đoạn đầu của giấc ngủ đặc biệt là giấc ngủ sâu là tốt nhất, giúp hồi phục sức khỏe. Càng ở giai đoạn sau cơ thể càng dễ tỉnh và mơ nhiều hơn.

Chu kỳ giấc ngủ của mỗi người tương tự nhau, hầu như đều trải qua 4 chu kỳ giấc ngủ nêu trên. Nhưng khác nhau là mỗi người có khả năng đi vào giấc ngủ nhanh, chậm khác nhau tùy thuộc vào tâm lý trước khi ngủ và bệnh lý (nếu có). Đối với những bệnh nhân gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, thì thường khó đi vào giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu. Chính vì vậy mà khi tỉnh dậy người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và thời gian ngủ ít hơn so với người bình thường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top