✴️ Polyp đại trực tràng khi nào cần cắt bỏ?

Nội dung

Khi phát hiện Polyp đại trực tràng hoặc Polyp đại tràng người bệnh thường băn khoăn đặt ra câu hỏi: Polyp đại trực tràng có nguy hiểm không? Có gây ung thư không? Khi nào cần cắt bỏ? Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nguyên nhân và cách điều trị bệnh và khi nào thì cần cắt bỏ Polyp.

Polyp đại trực tràng là gì?

Polyp đại trực tràng là gì?

Polyp đại trực tràng là polyp xuất hiện ở đại tràng hoặc trực tràng, chúng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng

 

Polyp đại trực tràng là polyp xuất hiện ở đại tràng hoặc trực tràng. Loại polyp này có thể có cuống (gắn vào thành ruột bằng một cuống) hoặc không cuống (phát triển trực tiếp từ thành ruột). Không phải tất cả các polyp đều trở thành ung thư. Polyp có thể được loại bỏ hoàn toàn và an toàn nếu như chúng lành tính và được người bệnh phát hiện sớm cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.

Ngoài ra người bệnh cũng cần biết số lượng, loại, kích thước và vị trí của polyp. Những bệnh nhân đã được cắt bỏ polyp tuyến sẽ được yêu cầu kiểm tra theo dõi vì polyp mới có thể phát triển theo thời gian cũng cần phải được loại bỏ.

 

Nguyên nhân gây Polyp đại trực tràng

nguyên nhân gây polyp-dai-truc-trang

Có nhiều nguyên nhân gây Polyp đại trực tràng chủ yếu là do chế độ ăn uống, độ tuổi và tiền sử gia đình, di truyền

 

Polyp rất phổ biến ở nam và nữ thuộc mọi chủng tộc, các yếu tố như chế độ ăn uống và môi trường đóng vai trò nhất định trong việc hình thành polyp như:

– Chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì,…

– Độ tuổi: Ung thư đại trực tràng và polyp không phổ biến trước tuổi 40. Có đến 90% các trường hợp xảy ra sau 50 tuổi, với nam giới thường hay gặp hơn phụ nữ. Thông thường sẽ phải mất khoảng 10 năm để một polyp nhỏ phát triển thành ung thư.

– Tiền sử gia đình và di truyền học: Polyp và ung thư đại trực tràng có xu hướng gặp nhiều người trong gia đình, cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển polyp. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc polyp thì người bệnh cũng có khả năng mắc polyp cao hơn so với những người khác.

 

Các loại Polyp đại trực tràng và khi nào nên cắt bỏ

Polyp tăng sản

Polyp tăng sản thường nhỏ, nằm ở phần cuối của đại tràng (trực tràng và đại tràng sigma), không có khả năng trở thành ác tính và không đáng lo ngại. Phân biệt polyp tăng sản thường phải dựa vào kết quả mô bệnh học sau khi cắt bỏ polyp.

Polyp tuyến

Hai phần ba polyp đại tràng là polyp tuyến. Hầu hết các polyp này không phát triển thành ung thư nhưng chúng có khả năng trở thành ung thư. kích thước của polyp tuyến càng lớn thì khả năng trở thành ung thư càng cao. Do đó, các polyp lớn (lớn hơn 5 mm ) nên được loại bỏ hoàn toàn để ngăn ngừa phát triển thành ung thư và nên được kiểm tra dưới kính hiển vi xác định chắc chắn.

Polyp ác tính

Polyp chứa tế bào ung thư được gọi là polyp ác tính. Việc điều trị tối ưu cho polyp ác tính phụ thuộc vào mức độ ung thư (khi được kiểm tra bằng kính hiển vi) và các yếu tố cá nhân khác.

 

Chẩn đoán và cắt bỏ Polyp đại trực tràng

Chẩn đoán

Polyp thường không gây ra triệu chứng nhưng có thể được phát hiện khi kiểm tra sàng lọc ung thư (chẳng hạn như nội soi đại tràng ống mềm) hoặc sau khi xét nghiệm sàng lọc tìm máu trong phân

Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để đánh giá đại tràng vì nó cho phép bác sĩ nhìn thấy toàn bộ niêm mạc đại tràng và loại bỏ hầu hết các polyp được tìm thấy. Ngoài ra Nội soi ảo sử dụng công nghệ chụp cắt lớp điện toán cũng là một cách để phát hiện polyp những chúng không được áp dụng rộng rãi và phổ biến như nội soi đại tràng bằng ống mềm.

Cắt bỏ polyp

Polyp thường được loại bỏ khi chúng được tìm thấy trên nội soi, giúp loại bỏ cơ hội cho polyp đó trở thành ung thư. Cắt bỏ polyp không gây đau đớn vì niêm mạc đại tràng không có khả năng cảm thấy đau.

Biến chứng cắt polyp là an toàn mặc dù nó có một vài rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Các biến chứng phổ biến nhất là chảy máu và thủng (tạo ra một lỗ trên đại tràng). Tuy nhiên điều này ít xảy ra (1/1000 bệnh nhân được nội soi). Chảy máu có thể được kiểm soát nếu xảy ra trong khi nội soi bằng cách áp nhiệt (đốt điện) vào vị trí chảy máu nên không đáng lo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top