Các nhà khoa học từ trước đến nay đều thừa nhận rằng: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sức khỏe của con người. Một giấc ngủ ngon có thể giúp ổn định chức năng tim mạch. Giấc ngủ có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi những bệnh lí về chuyển hóa, chẳng hạn bệnh đái tháo đường.
Con người dành xấp xỉ 1/3 cuộc đời để ngủ. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat-Gan (Isarel), đã tìm ra một yếu tố quan trọng để lý giải: Vì sao giấc ngủ không thể thiếu. Đó chính là tác dụng phục hồi và sửa chữa tổn thương các tế bào não trong khi ngủ.
Một nghiên cứu đã cho thấy mọi người có thể nhớ thông tin tốt hơn sau khi ngủ. Thậm chí, các nhà khoa học nói rằng họ có thể “đọc” thấy não bộ đang nhớ lại điều gì khi đang ngủ.
"Chúng ta khá chắc chắn rằng những kỷ niệm đã được tái hoạt trong não suốt quá trình giấc ngủ diễn ra, nhưng chúng ta không biết các quá trình thần kinh thực sự diễn ra như thế nào”, giáo sư tâm lý học Scott Cairney đến từ Đại học York nói.
Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Freiburg ở Đức tìm hiểu về chức năng của giấc ngủ và mối liên hệ giữa giấc ngủ với các rối loạn sức khỏe cho thấy não và cơ thể khá bận rộn trong khi chúng ta đang ngủ. Theo các nhà nghiên cứu, trong khi ngủ, não bộ hoạt động mạnh hơn để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau. Và có thể bộ não phải "dọn dẹp" những chất có hại ra khỏi cơ thể trong thời gian này. Nghiên cứu sử dụng chuột để thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tiêm chất nhuộm màu vào não chuột, sau đó theo dõi não của chúng. Kết quả, họ thấy bộ não của những con chuột đang ngủ hoạt động rất mạnh.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên cá ngựa vằn vì sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa chúng và con người: Khoảng 70% bộ gen người cũng có trên cá ngựa vằn. Bằng phương pháp hình ảnh “tua nhanh thời gian” 3D, các nhà khoa học đã nghiên cứu và quan sát những tác động của giấc ngủ ở mức độ siêu nhỏ lên từng tế bào thần kinh và tế bào não.
Nhờ công nghệ hình ảnh với độ phân giải cao đã cho phép nhóm nghiên cứu theo dõi những chuyển động của ADN và các protein trong các tế bào não. Và họ đã tìm thấy: Trong quá trình cơ thể ngủ, các tế bào thần kinh có thể thực hiện các hoạt động bảo trì nhân tế bào, là yếu tố trung tâm chứa hầu hết các vật chất di truyền của tế bào.
Khi nhân tế bào bị tổn thương nặng, các vật chất di truyền mà tế bào đó mang cũng sẽ bị tổn thương. Sự tổn thương đó sẽ gây ra lão hóa, bệnh tật, và suy giảm hoạt động của cơ quan hoặc tổ chức. Nhóm nghiên cứu cũng giải thích rằng: Trong khi ngủ, các tế bào thần kinh có cơ hội để phục hồi sau những áp lực tích tụ trong cả một ngày và có thể “sửa chữa” những tổn thương đó.
Các nhà khoa học cho biết: Khi cơ thể đang trong trạng thái tỉnh, các tế bào não không thể thực hiện việc bảo trì các ADN một cách chính xác so với khi ngủ.
Như vậy theo nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm ra một mối liên quan trực tiếp giữa giấc ngủ, động học nhiễm sắc thể, hoạt động của tế bào thần kinh cùng quá trình thương tổn và sửa chữa ADN với quá trình sinh lí của toàn bộ cơ thể sinh vật. Giấc ngủ giúp sửa chữa những tổn thương gây ra cho ADN tích tụ trong quá trình cơ thể thức.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh