Sa sút trí tuệ là hội chứng gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ thường gặp nhất là bệnh Alzheimer thường gặp ở người ngoài 60 tuổi.
Hiện nay, giới khoa học chưa thể xác định nguyên nhân gây Alzheimer, cũng như cách điều trị dứt điểm.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, Alzheimer và sa sút trí tuệ không phải một phần của quá trình lão hóa thông thường. Thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức, đặc biệt trong những trường hợp tổn thương mạch máu não.
Triệu chứng điển hình ở người bị sa sút trí tuệ và Alzheimer là suy giảm trí nhớ. Hiện tượng này bắt đầu từ những dấu hiệu nhẹ, dễ bị bỏ qua, coi là lú lẫn do tuổi già. Khi đó, những hoạt động kích thích thần kinh có thể giúp củng cố khả năng ghi nhớ, giữ não bộ minh mẫn.
Một vài hoạt động bạn có thể bổ sung vào thói quen sinh hoạt hàng ngày gồm: Giải đố ô chữ, Sudoku, đánh răng bằng tay không thuận, đọc sách báo, học ngôn ngữ mới, học các kỹ năng mới (như thêu, vẽ tranh), chơi nhạc cụ.
Nghiên cứu cho thấy, các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer. Kiểm soát tốt các bệnh lý này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, mà còn giúp bảo vệ não bộ trong tương lai.
Thói quen ăn uống lành mạnh góp phần bảo vệ sức khỏe thần kinh, có thể giúp phòng ngừa Alzheimer và sa sút trí tuệ. Các chuyên gia khuyến nghị thực hiện chế độ ăn MIND (sự kết hợp giữa chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn kiêng cho người tăng huyết áp DASH).
Khi thực hiện chế độ ăn MIND, bạn nên ăn thực phẩm tốt cho não bộ như rau củ (đặc biệt là rau lá xanh), các loại hạt, quả mọng, hạt đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gà, dầu olive và bổ sung chất chống oxy hóa resveratrol.
Theo Quỹ Nghiên cứu và Phòng ngừa Alzheimer, tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý này tới 50%. Kết hợp với một chế độ ăn lành mạnh, thói quen vận động giúp kiểm soát cân nặng, góp phần giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Theo lý giải của BS. Verna Porter – Chủ nhiệm Chương trình Sa sút trí tuệ, Alzheimer và Rối loạn Thần kinh nhận thức, Viện Khoa học Thần kinh Pacific (Mỹ), tập thể dục giúp giảm tốc độ thoái hóa thần kinh, ổn định các synap sẵn có trong não cũng như tạo ra các kết nối thần kinh mới.
BS. Porter khuyến nghị, người trưởng thành nên dành 30-45 phút/ngày, 4-5 ngày/tuần để tập luyện. Hình thức tập aerobic (đạp xe, đi bộ, bơi), yoga hay thái cực quyền đều hỗ trợ phòng ngừa sa sút trí tuệ và Alzheimer.
Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, bạn nên thiết lập thói quen duy trì kết nối với người thân và bạn bè. Thường xuyên có những tương tác xã hội trực tiếp cũng đem lại lợi ích với sức khỏe thần kinh. Một vài gợi ý gồm: Tham gia các tổ chức tình nguyện, câu lạc bộ; Các lớp học hoặc tập thể dục theo nhóm; Dành thời gian tới các địa điểm công cộng như bảo tàng, thư viện, rạp phim, công viên.
Nghiên cứu chỉ ra, giấc ngủ kém làm tăng nguy cơ tích tụ một loại protein beta-amyloid trong não – một dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Trái lại, một giấc ngủ ngon lại giúp loại bỏ beta-amyloid khỏi não. Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ kéo dài cũng làm chậm quá trình tư duy và hình thành ký ức.
Để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, bạn nên xây dựng thói quen lành mạnh để giải tỏa stress. Theo BS. Porter, stress kéo dài có thể làm suy giảm tế bào thần kinh, gây teo não, đặc biệt là tại những vùng não lưu trữ ký ức.
Một vài kỹ thuật giúp kiểm soát stress, giảm tác động của căng thẳng lên não bộ gồm: Các bài tập hít thở sâu, thiền định, yoga…
Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, hoặc hạn chế sử dụng đến mức tối thiểu giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già. Theo CDC Mỹ, bỏ thuốc lá giúp giữ não bộ khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh tim mạch kéo theo nguy cơ Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh