Lựa chọn thuốc trị đau đầu

Nội dung

Vậy chúng ta cần ứng phó với các cơn đau này như thế nào? Các thuốc nào được sử dụng?

Đau đầu chia làm hai loại: nguyên phát và thứ phát. Đau đầu nguyên phát thường hay gặp nhất đó là đau do co cứng đầu (tension headache), đau đầu Migraine... Đau đầu thứ phát thường là đau đầu tìm được nguyên nhân và thường có thể do chấn thương hoặc một bệnh lý khác gây ra đau đầu và chúng ta phải điều trị nguyên nhân. Trong bài này đề cập đến hai loại đau đầu nguyên phát thường gặp.

Đau do co cứng đầu

Đây là loại đau đầu hay gặp nhất, nguyên nhân là do co cứng cơ bao bọc sọ não thường xảy ra khi gặp căng thẳng, stress thể chất hoặc tinh thần với những biểu hiện như: Đau xuất phát từ phía sau của đầu và phía cổ trên thường được mô tả như một dải băng bó chặt đầu hoặc tạo một áp lực lên đầu, cơn đau có thể lan ra toàn bộ đầu. Vị trí cảm thấy đau nhiều nhất thường ở vùng thái dương hoặc ở vùng trên lông mày. Cường độ của cơn đau có thể thay đổi nhưng người bệnh vẫn có thể làm việc hàng ngày được, cơn đau ảnh hưởng đều cả hai bên đầu. Cơn đau không liên quan tới các cơn báo trước hoặc các biểu hiện buồn nôn, nôn hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động. Cơn đau xảy ra không liên tục và không theo một khuân mẫu nhưng có thể xảy ra một cách đều đặn hàng ngày ở một số người nhất định. Hầu hết mọi người vẫn có thể đi làm việc được bình thường với những cơn đau co cứng đầu này.

Mặc dầu chứng đau đầu này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh gặp khó khăn trong hoàn thành công việc hàng ngày và chứng đau đầu này được kiểm soát tốt bằng những thuốc bán không cần phải kê đơn ở hiệu thuốc như: aspirin, ibuprofen, acetaminophen (paracetamol), naproxen.

Một điều bạn cần nhớ là những thuốc bán không cần kê đơn (OTC) trên có thể an toàn nhưng nó là thuốc và có thể có tác dụng phụ, có thể tương tác với những thuốc kê đơn mà người bệnh đang sử dụng, đặc biệt là với những thuốc OTC giảm đau vì chúng được sử dụng rất phổ biến. Vì vậy, khi dùng thuốc cần phải đọc kỹ những thành phần của thuốc giảm đau này.

Thuốc giảm đau bán trên thị trường thường có sự kết hợp nhiều thành phần. Những thành phần thứ hai, thứ ba thêm vào thường là yếu tố gây ra tương tác thuốc hoặc là thành phần chống chỉ định tùy thuộc vào bệnh nhân có dùng loại thuốc nào khác nữa không. Một vài thuốc giảm đau có chứa caffeine sẽ gây nhịp tim nhanh ở một số người. Diphenhydramine có thể thêm vào trong thành phần của thuốc gây buồn ngủ, vì vậy phải cẩn thận khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Cần lưu ý, với các thuốc giảm đau OTC trên thì aspirin không nên sử dụng ở trẻ em và thiếu niên bởi nguy cơ gây ra hội chứng Reye, một biến chứng đe dọa tính mạng có thể xảy ra khi có nhiễm virut mà được sử dụng aspirin. Aspirin, ibuprofen và naproxen có thể kích thích niêm mạc dạ dày và gây ra chảy máu đường tiêu hóa. Cần phải sử dụng cẩn thận ở người có tiền sử loét dạ dày hoặc người dùng thuốc chống đông máu. Việc sử dụng quá liều aspirin, ibuprofen và naproxen có thể gây suy thận. Acetaminophen sử dụng nhiều có thể gây suy gan và cần hết sức thận trọng với bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc người có tiền sử bệnh lý về gan.

 

Đau đầu Migraine

Chứng đau đầu này còn được gọi là đau nửa đầu, là loại đau đầu phổ biến thứ hai sau đau do căng cứng đầu và nó được cho là do sự tương tác phức tạp giữa hệ thống thần kinh và hệ thống mạch máu cùng với sự thay đổi về sinh hóa của não.

Ở thể đau đầu này, bệnh nhân thường đau khu trú ở một khu vực của đầu, có cảm giác đau mạnh, kèm theo tiếng mạch đập. Trong khi bị cơn đau đầu Migraine, hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể bị kích thích và đây là hệ thống kiểm soát sự đáp ứng với đau và stress và sự đáp ứng này dẫn đến nhiều triệu chứng liên quan đến cơn đau đầu Migraine như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Đau đầu Migraine thường đi kèm theo các biểu hiện sau: mất ngủ, dễ kích thích, mệt mỏi, trầm cảm hoặc hưng phấn nhẹ, khát nước, tiểu nhiều, buồn ngủ, ngủ rũ và thèm đồ ăn ngọt hoặc những thức ăn mặn.

Để điều trị chứng đau đầu này có thể dùng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

 

Điều trị không dùng thuốc

Không nên hút thuốc lá, tránh một số thức ăn giàu tyramine như format hoặc rượu vang, lạc, thức ăn chứa nhiều đạm như thịt. Cần có một lối sống lành mạnh, với lượng thức ăn phù hợp, ngủ đủ và tập thể dục đều đặn sẽ giúp phòng bệnh.

Cần tránh những yếu tố làm khởi phát chứng đau đầu Migraine như stress (căng thẳng), rối loạn giấc ngủ, ánh sáng mạnh hoặc ánh sáng nhấp nháy, hút thuốc lá, uống rượu, socola, format, caffeine, mùi hương thơm...

 

Điều trị bằng thuốc

Trường hợp đau đầu nhẹ được điều trị bằng những thuốc OTC như đã nói ở trên (phần đau do co cứng đầu). Đối với những cơn đau đầu vừa và nặng người bệnh cần đi khám và được bác sĩ chuyên khoa kê đơn và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top