Những người sống sót sau đột quỵ có khả năng cao gặp phải một cơn đột quỵ khác trong tương lai. Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, bạn cần đảm bảo người bệnh tuân thủ điều trị và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ tái phát (1). Nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc, bạn cần trao đổi ngay với bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng dùng thuốc (2). Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo bệnh nhân đi tái khám định kỳ đầy đủ theo đúng lịch hẹn (1).
Để người bị đột quỵ phục hồi tốt và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, việc dùng thuốc và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
Phục hồi chức năng cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Người bị đột quỵ sẽ cần đến liệu pháp phục hồi chức năng nếu chức năng thể chất bị suy giảm, chẳng hạn như gặp khó khăn trong vận động, mất thăng bằng dẫn đến té ngã, chóng mặt, không thể tự chăm sóc bản thân hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày (1). Người chăm sóc hãy khuyến khích bệnh nhân tập phục hồi chức năng thường xuyên.
Ngoài ra, bạn cần chủ động cho người bệnh vận động càng sớm càng tốt. Đồng thời, hãy giúp bệnh nhân duy trì tay chân ở tư thế thoải mái nhất khi nằm trên giường và thường xuyên xoa bóp tay chân cũng như toàn thân cho họ. Việc xoa bóp sẽ giúp tăng cường lưu thông khí huyết, tránh lở loét và giảm nguy cơ thiếu máu tứ chi khi phải nằm quá lâu (3).
Đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động đến cả tinh thần của người bệnh (4). Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, cáu kỉnh, tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc nghiêm trọng hơn là trầm cảm (5).
Vì vậy, người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ nên quan tâm, theo dõi và chú ý đến những thay đổi trong thái độ, hành vi và tâm lý của người bệnh. Nếu nhận thấy người bị đột quỵ có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lên kế hoạch can thiệp kịp thời (1).
Hầu hết người bị đột quỵ đều gặp vấn đề trong việc nhai nuốt. Bệnh nhân có thể bị mắc nghẹn khi ăn thức ăn quá đặc hay bị sặc khi ăn thức ăn quá lỏng (3).
Vì vậy, người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần cho người bệnh ăn uống đúng cách. Với bệnh nhân chưa thể nhai nuốt một cách an toàn, bạn nên cho họ ăn các loại thức ăn mềm hoặc đã xay nhuyễn. Bạn không được để thức ăn quá nóng và nên kiểm tra kỹ trước khi cho bệnh nhân ăn. Ngoài ra, thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể cho người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày (6). Với bệnh nhân đặt ống thông dạ dày, phải cho ăn uống đúng cách dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn (3).
Nếu người bệnh không thể tự vệ sinh cá nhân thì người chăm sóc cần hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày, đặc biệt là vùng sinh dục và hậu môn (3). Bạn cũng đừng quên việc chăm sóc răng miệng, cạo râu và cắt móng tay, móng chân cho người bệnh thường xuyên (7).
Trong trường hợp bệnh nhân phải đặt ống nuôi ăn hoặc các ống dẫn lưu khác thì bạn cũng nên vệ sinh kỹ lưỡng những khu vực này để tránh tình trạng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, sau mỗi lần bệnh nhân đi đại tiện hoặc tiểu tiện cũng nên vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa viêm nhiễm (3).
Trước khi bệnh nhân xuất viện, người nhà cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát. Ngoài ra, những vật dụng không cần thiết cần được loại bỏ. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn mà còn dễ di chuyển.
Cách chăm sóc người bị đột quỵ khi bị liệt chi là lựa chọn giường và đệm bằng phẳng. Đồng thời, giường cần được thiết kế thêm thanh chắn để tránh tình trạng té ngã của bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân nên được trang bị cho những chiếc giường có thể điều chỉnh cao thấp ở phần đầu để dễ dàng chăm sóc. Nơi bố trí giường cần thoáng mát. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có lợi cho tinh thần của bệnh nhân.
Đối với những người sau đột quỵ, việc té ngã sẽ mang lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì nguy cơ bại liệt khá cao nếu không may bệnh nhân bị ngã mà không có ai xung quanh. Tuy nhiên, nếu trường hợp xấu này xảy ra, người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu.
Tham khảo:
1. 15 Things Caregivers Should Know After a Loved One Has Had a Stroke. https://www.stroke.org/en/help-and-support/for-family-caregivers/15-things-caregivers-should-know-after-a-loved-one-has-had-a-stroke. Ngày truy cập: 04/11/2021
2. Medication after stroke https://strokefoundation.org.au/What-we-do/For%20survivors%20and%20carers/stroke-resources-and-fact-sheets/Medication-after-TIA-and-stroke-fact-sheet
3. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ. http://bvquany7a.vn/ky-thuat/cham-soc-benh-nhan-dot-quy.
4. Tough Emotions After Your Stroke: 5 Tips. https://health.clevelandclinic.org/tough-emotions-after-your-stroke-5-tips/.
5. Emotional & Behavioral Effects of Stroke https://www.stroke.org/en/about-stroke/effects-of-stroke/emotional-effects-of-stroke
6. Swallowing problems. https://www.stroke.org.uk/effects-of-stroke/physical-effects-of-stroke/swallowing-problems.
7. Personal Care for Stroke Survivors. https://www.stroke.org/en/life-after-stroke/recovery/daily-living/personal-care-for-stroke-survivors.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh