Một số bệnh ở người lớn mà trẻ em có thể mắc phải

Béo phì

Cứ 3 trẻ em ở Mỹ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân hoặc béo phì, dựa theo chỉ số khối cơ thể (BMI). Ngoài các yếu tố do gen thì hành vi cũng là yếu tố quyết định đến kích thước cơ thể. Nạp vào quá nhiều thực phẩm không tốt và không luyện tập thể thao có thể đóng vai trò rất lớn trong việc gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ. Thừa cân béo phì có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khoẻ, do vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa để đảm bảo rằng trẻ đang ở mức cân nặng khoẻ mạnh.

 

Tăng huyết áp

Cũng giống như ở người lớn, tình trạng thừa cân béo phì có thể gây ra bệnh tăng huyết áp ở trẻ em. Tăng huyết áp cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về thận hoặc tim mạch. Tăng huyết áp không gây ra bất cứ triệu chứng gì, do vậy, đo huyết áp định kỳ là biện pháp duy nhất.. Nếu tăng huyết áp không được điều trị, trẻ có thể lớn lên với nhiều vấn đề về sức khoẻ như các vấn đề về tim mạch hoặc đột quỵ. Trong đa số các trường hợp, bạn có thể kiểm soát tình trạng tăng huyết áp bằng việc giảm cân cho trẻ, luyện tập thể tao và cắt giảm muối trong chế độ ăn.

 

Tăng cholesterol

Tất cả mọi người đều cần cholesterol để có các tế bào và hệ thần kinh khoẻ mạnh. Nhưng quá nhiều cholesterol sẽ dẫn đến việc tích tụ cholesterol và bắt đầu làm tắc nghẽn các động mạch. Những tổn thương có thể bắt đầu từ thời niên thiếu và sẽ nặng dần theo thời gian. Tăng cholesterol thường do các thói quen ăn uống không tốt. Tăng cholesterol sẽ dễ xảy ra hơn nếu trẻ bị tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình bị tăng cholesterol máu. Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em nên kiểm tra lượng cholesterol trong khoảng từ 9-11 tuổi.

 

Tiểu đường typ 2

Bệnh tiểu đường typ 2 thường được coi là căn bệnh của người lớn nhưng bệnh hiện nay đang ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Thừa cân béo phì ở trẻ một lần nữa là nguy cơ gây nên tình trạng này. Thừa cân béo phì ảnh hưởng đến cách chuyển hoá thức ăn thành năng lượng của cơ thể. Theo thời gian, mức đường huyết của bạn có thể sẽ tăng lên quá cao, gây tổn thương các cơ quan, tế bào và toàn bộ cơ thể. Trẻ nhỏ có thể kiểm soát mức đường huýet bằng cách có thói quen ăn uống lành mạnh và thường xuyên luyện tập thể thao.

 

Gan nhiễm mỡ

Thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở trẻ nhỏ. Cũng giống như tiểu đường typ 2, tình trạng này liên quan đến cách cơ thể kiểm soát đường huyết. Nếu có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, có thể dẫn đến sẹo và cổ trướng. Duy trì cân nặng khoẻ mạnh thông qua chế độ ăn uống và luyện tập thể thao có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của trẻ

 

Sỏi mật

Ở trẻ nhỏ, sỏi mật thường là do phản ứng phụ của một số rối loạn về máu, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm. Tuy nhiên, thừa cân béo phì cũng có thể khiến trẻ dễ mắc sỏi mật hơn. Sỏi mật có thể gây đau bụng, đau tăng lên sau khi ăn. Sỏi mật sẽ gây nguy hiểm nếu sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật. Hãy gọi cho bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng đau này đi kèm với buồn nôn, sốt, vàng da, vàng mắt.

 

Ngưng thở khi ngủ

Thừa cân béo phì có thể khiến trẻ ngủ ngáy hoặc thậm chí ngừng thở trong suốt cả đêm, nhưng nguyên nhân chủ yếu gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ là do amidan bị sưng to. Trong trường hợp này, phẫu thuật cắt bỏ amidan sẽ giúp kiểm soát được tình trạng ngưng thở và ngủ ngáy ở trẻ. Nếu trẻ không bị sưng amidan mà ngủ ngáy, thì có thể là trẻ sẽ cần phải giảm cân hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ thở.

 

Sỏi thận

Khi trẻ bị sỏi thận, thường là do trẻ mắc một tình trạng bệnh lý khác hoặc gặp vấn đề với hệ tiết niệu. Sỏi có thể hình thành nếu trẻ không uống đủ nước và hàm lượng khoáng chất tập trung trong nước tiểu quá cao. Sỏi thận có thể sẽ gây đau và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu làm tắc nghẽn dòng nước tiểu. Sỏi thận kích thước nhỏ thường sẽ tự đào thải ra ngoài, nhưng sỏi thận kích thước lớn hơn thường sẽ cần phải tán hoặc mổ gắp ra.

 

Zona thần kinh

Nếu trẻ đã tiêm vaccine thuỷ đậu hoặc đã từng bị thuỷ đậu, trẻ vẫn có khả năng bị zona thần kinh. Virus gây ra cả zona thần kinh và thuỷ đậu sống ẩn nấp trong hệ thần kinh và sẽ tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch suy yếu. Zona thần kinh sẽ có triệu chứng là các mụn nước gây đau và ngứa. Mẩn ngứa thường nổi lên ở dọc một bên của cơ thể và sẽ hình thành sẹo trong khoảng 1 tuần. Zona thần kinh ở trẻ nhỏ thường nhẹ.

 

Các vấn đề sức khoẻ tinh thần

Một số rối loạn tâm thần có thể được chẩn đoán từ thời thơ ấu, bao gồm chứng tăng động giảm chú ý, tự kỷ. Nhưng còn rất nhiều tình trạng bệnh lý tâm thần mà trẻ có thể mắc phải, ví dụ như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống. Bác sĩ nhi khoa có thể sẽ giúp kiểm tra xem liệu trẻ có cần phải đến gặp chuyên gia tâm lý hay không.

 

Đột quỵ

Tình trạng này xảy ra khi lượng máu đến nuôi dưỡng não bị gián đoạn. Mặc dù đột quỵ phổ biến hơn ở người cao tuổi nhưng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Khi xảy ra với trẻ em, nguyên nhân có thể là do một căn bệnh tiềm ẩn khác, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm có thể làm tắc nghẽn các động mạch ở não và khiến các động mạch này dễ bị tắc bởi các cục máu đông hơn. Một tình trạng bệnh khác, bao gồm rối loạn đông máu và các vấn đề ở tim hoặc mạch máu, cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường sẽ phục hồi sau cơn đột quỵ dễ dàng hơn người trưởng thành.

 

Viêm khớp

Cứng, đau khớp thường đi kèm với tuổi già, nhưng trẻ em cũng có thể mắc phải tình trạng này. Viêm khớp thường do một bệnh tự miễn gây ra, nghĩa là bản thân cơ thể tấn công các mô khoẻ mạnh và gây viêm. Nhưng béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp và các vấn đề về khớp ở trẻ. Mang thêm quá nhiều cân nặng thừa sẽ làm tăng áp lực lên các khớp và có thể gây tổn thương các đĩa đệm đang phát triển, gây ảnh hưởng đến chiều cao và hình dáng xương.

 

Loãng xương

Tình trạng mất xương thường rất phổ biến ở nữ giới cao tuổi đôi khi cũng xuất hiện ở trẻ nhỏ. Loãng xương ở trẻ nhỏ thường là do tác dụng phụ của các loại thuốc như steroid hoặc các thuốc điều trị ung thư. Loãng xương cũng có thể xảy ra nếu trẻ không được bổ sung đủ canxi hoặc vitamin D hoặc nếu trẻ không tập luyện thể thao. Trong trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng, thì khi lớn lên có thể trẻ không còn mắc phải tình trạng đó nữa. Trẻ bị loãng xương có thể bị đau khi đi bộ  hoặc trẻ sẽ dễ bị gãy xương hơn.

 

Tăng nhãn áp

Một số trẻ sinh ra gặp phải vấn đề ở mắt, khiến cho các dịch ở mắt không thể thoát ra ngoài được. Việc này sẽ làm tăng áp lực trong mắt đến mức nguy hiểm. Bạn có thể nhận thấy rằng em bé rất nhạy cảm với ánh sáng hoặc có một lượng nước mắt bất thường. Mắt bé có thể trông to hơn hoặc trông hơi mờ. Tăng nhãn áp ở trẻ em thường được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để các dây thần kinh thị giác không bị tổn tương và giúp bảo vệ thị lực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top