Biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ thông thường là giảm trí nhớ tức là bị quên những điều đã biết trước đây. Bệnh nhân gặp khó khăn khi tiêu tiền, mất kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại... Thay đổi nhân cách như vẻ mặt ngơ ngác, thái độ thờ ơ với mọi người, hay than phiền là bị quên hết cả. Bệnh nhân bị loạn trí nhớ về không gian, khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi khác mà mình đã biết trước đây, họ luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ đang ở thật sự dù có những đồ vật quen thuộc.
Có những bệnh nhân lại gặp chứng quên toàn bộ thoáng qua. Đó là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương biểu hiện bằng sự mất trí nhớ đột ngột. Họ thường hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc lại đoạn cuối của câu.
Nếu bị quên do cao tuổi thì bệnh nhân mất dần tính hài hước trong giao tiếp, suy nghĩ chậm dần, nhân cách ít biến đổi, thường quên sự việc mới xảy ra nhưng lại nhớ rất kỹ các sự việc đã xảy ra rất lâu.
Trường hợp bị quên do các nguyên nhân tâm thần, bệnh nhân thường bị rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, chất lượng công việc giảm sút, ăn mất ngon, hay lo lắng sợ hãi. Nếu bị quên do các bệnh thần kinh thường có các biểu hiện khiếm khuyết thần kinh.
Đa số bệnh nhân sa sút trí tuệ bề ngoài vẫn có vẻ bình thường, nên không phát hiện sớm được bệnh. Do giảm trí nhớ và nhận thức nên bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy bệnh nhân ngày càng bị động và dần dần lẩn tránh mọi giao tiếp xã hội.
Những bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu còn có thêm các biểu hiện thần kinh khu trú như: yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ.
Các nhà chuyên môn còn định ra tiêu chuẩn để xác định sa sút trí tuệ giai đoạn sớm gồm: bệnh nhân có than phiền về việc giảm sút trí nhớ; trí nhớ của bệnh nhân có giảm so với tuổi; mọi hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày vẫn bình thường; chức năng nhận thức chung bình thường; bệnh nhân chưa bị sa sút trí tuệ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh