✴️ Nguyên nhân mất ngủ về đêm: Những điều cần nhớ!

Nội dung

1. Tuổi già 

Các nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi, đặc biệt người trên 60 tuổi là đối tượng thường xuyên bị mất ngủ. Vì sao người già khó ngủ ngon giấc vào ban đêm? Các nguyên nhân chủ yếu được lý giải gồm:

1.1 Sự suy giảm nội tiết – Nguyên nhân mất ngủ về đêm chủ yếu ở người già

Tuổi càng cao, khả năng sản xuất hormone tham gia vào sự điều tiết giấc ngủ càng giảm. Điển hình là:

– Hormone tăng trưởng HGH

– Hormone giúp thiết lập giấc ngủ tự nhiên (thường tiết ra nhiều nhất vào giai đoạn ngủ sâu, sau 10 giờ tối).

– Hormone melatonin kiểm soát chu kỳ giấc ngủ về đêm do tuyến tùng sản xuất.

Điều này làm cho giấc ngủ ban đêm của người già bị giảm chất lượng, gây nên tình trạng mất ngủ kéo dài.

Bên cạnh đó, tình trạng thay đổi nội tiết tố nữ cũng khiến phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh thường xuyên căng thẳng, lo âu, bốc hỏa, do đó dễ bị mất ngủ về đêm. Ngoài ra phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai, sau sinh cũng dễ bị mất ngủ. 

Người già là một trong những đối tượng thường xuyên bị mất ngủ về đêm.

1.2 Sự tổn thương và suy yếu của các cơ quan – Nguyên nhân mất ngủ về đêm ở người cao tuổi

Sự tăng lên của tuổi tác thường tỉ lệ thuận với sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và não bộ. Do đó, khả năng hoạt động và điều khiển giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự suy yếu và tổn thương của các cơ quan theo thời gian cũng có thể dẫn tới nhiều bệnh lý, gây đau đớn, khó chịu, khiến giấc ngủ về đêm không được trọn vẹn. Các bệnh lý thường gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người già phải kể đến là viêm khớp, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa,…

Các bệnh lý này có thể xảy ra ở cả người trẻ tuổi nên chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan để tránh dẫn đến mất ngủ và những biến chứng nặng nề hơn.

 

2. Thói quen không lành mạnh – Nguyên nhân mất ngủ về đêm có thể thay đổi

Các thói quen nhỏ trong cuộc sống đôi khi có thể tác động lớn đến giấc ngủ. Thói quen không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng, làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ bình thường. Từ đó dẫn đến mất ngủ thường xuyên.

Các thói quen xấu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ gồm:

– Thường xuyên thức khuya làm việc hoặc chơi game, dẫn đến ngủ không đủ giấc

– Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều trong ngày hoặc trước khi ngủ

– Vận động với cường độ cao, đặc biệt là khi sắp đến giờ ngủ

– Sử dụng và lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà đặc trước giờ ngủ 

– Để không gian ngủ quá nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ, quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng chói,…

– Ăn quá no hoặc món khó tiêu trước khi đi ngủ

– Ngủ quá nhiều vào buổi trưa

Đây là các thói quen có thể thay đổi. Khi bị mất ngủ, việc thay đổi các thói quen xấu này là vô cùng cần thiết cho việc điều trị. Đồng thời, giúp phòng tránh nguy cơ mất ngủ ở những người bình thường hoặc nguy cơ tăng nặng và gây ra những biến cố nguy hiểm ở người bị mất ngủ.

Uống rượu bia có thể đưa bạn vào giấc ngủ dễ dàng hơn nhưng lại khiến bạn khó duy trì giấc ngủ sâu.

 

3. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý 

Theo các nghiên cứu thực nghiệm, các chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng như vitamin B12, A, D, E, sắt, kali, magie… có thể tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh hoặc hóa chất truyền tín hiệu thần kinh của não, bao gồm melatonin và serotonin. Việc thiếu hụt các vi chất như đều có thể gây ra tình trạng mất ngủ. 

Ngoài ra, uống quá nhiều chất kích thích cũng có thể khiến hệ thần kinh trở nên căng thẳng và gây mất ngủ. 

 

4. Áp lực, căng thẳng kéo dài

Áp lực học tập, công việc, gia đình cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ về đêm. Bởi tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm cho não bộ phải hoạt động liên tục, khi đó hệ thần kinh trung ương luôn cảm thấy hưng phấn nên việc đi vào giấc ngủ sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Bên cạnh đó, khi cơ thể ở trạng thái stress quá mức, hệ thần kinh sẽ được kích thích để phóng thích ra các nội tiết tố như cortisol, adrenalin,… Nếu tình trạng này diễn ra với cường độ cao và kéo dài sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ. 

 

5. Các nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trê, bạn còn có thể bị mất ngủ tức thời do thay đổi múi giờ khi đi du lịch, công tác; do biến cố lớn và bất ngờ như mất người thân, đổ vỡ trong hôn nhân hay chuyện tình cảm. 

Đi công tác, du lịch đột xuất, chưa quen với múi giờ cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ về đêm.

Trước sự đa dạng của các nguyên nhân mất ngủ về đêm, bạn cần xác định rõ để có phương pháp điều trị phù hợp. Khi đó, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top