Những hiểu lầm về bệnh tiền đình

Chóng mặt do… mắt

Thông thường, cứ chóng mặt là người bệnh nghĩ đến viêm xoang hoặc rối loạn tiền đình, rồi cứ thế mà “khăn gói” đến tai mũi họng nạo xoang hoặc cứ mang “thần dược” trị rối loạn tiền đình uống ngày này qua tháng nọ. Ít ai biết, đặc biệt là dân văn phòng, chóng mặt có thể đến từ mắt do rối loạn điều tiết và tăng nhãn áp. Khi mắt có vấn đề, hình ảnh mắt “nhìn vậy nhưng không phải vậy”, thông tin lên não bị sai lệch so với không gian thực tế nên triệu chứng chóng mặt xuất hiện. Vậy nên, đừng quên bác sĩ chuyên khoa mắt nếu chứng chóng mặt lâu ngày không khỏi, dù đã tốn khá khá tiền mua thuốc tiền đình và cất công đi nạo xoang, vì khi đã chẩn đoán sai thì thuốc tiên cũng không hết bệnh.

 

Huyết áp

Ai cũng biết rằng huyết áp cơ thể thay đổi liên tục trong ngày. Tuy nhiên, ít ai biết huyết áp thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt hàng đầu với người bệnh. Công nghệ ngày càng phát triển nên các loại máy đo huyết áp điện tử giờ đây dễ dàng sử dụng hơn chứ không phải co co, bóp bóp khó sử dụng như bộ đo huyết áp cơ học của bác sĩ. Vậy nên, khi bị chóng mặt, người bệnh nên nghĩ thêm đến việc kiểm tra huyết áp trước khi đi mua các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não để trị thiếu máu não.

 

Thoái hóa đốt sống cổ

Để xác định thiếu máu não, bác sĩ còn cần đến nhiều công cụ hỗ trợ khác như các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu… để tìm nguyên nhân. Không phải cứ thiếu máu não là… tăng tuần hoàn máu bằng thuốc. Với dân văn phòng hay công nhân làm việc tại các dây chuyền sản xuất suốt ngày rướn đầu, cúi cổ, nguyên nhân chóng mặt có thể đến từ thoái hóa đốt sống cổ làm chèn ép dây thần kinh và động mạch khiến máu khó lên não. Khi đó, người bệnh chóng mặt phải cầu cứu bác sĩ cột sống mới đúng thầy đúng bệnh được.

 

Chóng mặt nên đi khám tai

Nhiều người tròn mắt ngạc nhiên khi được bác sĩ khuyên nên đi khám tai để chữa chóng mặt. Viêm tai giữa, sỏi tai, viêm dây thần kinh thính giác… đều là những bệnh liên quan đến tai nhưng lại khiến đầu quay vòng vòng. Điều này bắt nguồn từ việc cơ chế giữa thăng bằng của cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào tai trong nên khi tai có vấn đề thì cơ thể không khỏi chao đảo. Bệnh lý về tai cũng rất đa dạng, bệnh nhân không nên tự đoán bệnh mà nên đến các bệnh viên chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn đầy đủ và điều trị đúng cách, không tự ý mua thuốc nhỏ chữa viêm tai.

 

Tác dụng phụ của thuốc

Với những bệnh nhân đang dùng thuốc để điều trị căn bệnh nào đó mà bỗng dưng chóng mặt thì cũng có thể nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc. Ngoài việc hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ về các tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh nhân còn có thể tự đọc thêm tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo mỗi hộp thuốc, đồng thời tuân thủ liều lượng, giờ giấc uống thuốc để có tác dụng tốt nhất.

Tóm lại, hãy là bệnh nhân có hiểu biết, hiểu tận gốc chứng chóng mặt để có sự phối hợp với bác sĩ tốt nhất, nếu không thành ra lại nuôi bệnh vì dùng thuốc sai ngày này qua tháng khác mà bệnh vẫn không thuyên giảm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top