Điều trị mất ngủ là một quá trình lâu dài và không giống nhau ở mỗi người bệnh. Có người chỉ cần thực hiện những biện pháp đơn giản tại nhà nhưng cũng có những người cần đến các phương pháp điều trị chuyên sâu. Để quá trình này đạt hiệu quả cao thì người bệnh cần chú ý những điều quan trọng. Cùng tìm hiểu các lưu ý này trong bài viết dưới đây.
Mất ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, gây nhiều phiền toái và mệt mỏi cho người bệnh. Mất ngủ biểu hiện bằng những bất thường trong giấc ngủ như: không buồn ngủ khi đến giờ ngủ, nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được, giấc ngủ chập chờn không sâu, hay tỉnh giấc, tỉnh rồi không ngủ lại được, thường thức dậy sớm và không có cảm giác được nghỉ ngơi.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị để cải thiện tình trạng mất ngủ gồm:
– Điều trị bằng thuốc
– Điều trị bằng cách thay đổi các thói quen ngủ
– Điều trị bằng liệu pháp tâm lý
– Điều trị mất ngủ bằng vật lý trị liệu
Tùy từng trường hợp mà sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.
Khi bị mất ngủ, nhiều người thường tìm đến các loại thuốc ngủ và an thần với mong muốn có giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên các loại thuốc này thường chỉ có tác dụng nhất thời, nếu sử dụng lâu dài sẽ dễ gây “nhờn thuốc”. Bên cạnh đó, các loại thuốc còn có thể có các tác dụng phụ như gây mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý điều trị.
Tình trạng mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
– Các nguyên nhân khách quan như tuổi tác, môi trường, thay đổi lịch làm việc, múi giờ, thay đổi nội tiết, các bệnh lý…
– Các nguyên nhân chủ quan như thói quen thiếu lành mạnh (ăn uống quá nhiều trước khi ngủ, để phòng ngủ bừa bộn, không sạch sẽ, lười vận động, ngủ trưa quá nhiều…; căng thẳng, stress…
Xác định được nguyên nhân gây mất ngủ sẽ giúp đưa ra những định hướng điều trị đúng đắn, giúp tình trạng mất ngủ sớm được cải thiện. Ngược lại, nếu điều trị không đúng phương pháp hoặc để lọt bệnh lý thì có thể dẫn tới những mối nguy lớn cho sức khỏe.
Khi thấy các biểu hiện mất ngủ, người bệnh nên đi khám sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh để được các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu được chỉ định điều trị bằng thuốc, người bệnh cần nghiêm chỉnh uống thuốc theo đơn, không tự ý thay đổi loại thuốc hoặc liều dùng mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trường hợp muốn sử dụng kết hợp các loại thảo dược, thuốc Đông y, người bệnh cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn những bài thuốc phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe cụ thể.
Ngoài phương pháp dùng thuốc, những thay đổi về lối sống, dinh dưỡng và chế độ chăm sóc, tập luyện có tác dụng rất lớn trong cải thiện tình trạng mất ngủ của bệnh nhân.
Một số lưu ý trong sinh hoạt và dinh dưỡng dành cho những người bị mất ngủ:
– Nên lập và duy trì thời gian biểu cho giấc ngủ, đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc. Giấc ngủ bình thường là 7 – 8 giờ/đêm, dao động từ 4 – 11 giờ.
– Trước khi ngủ không nên hoạt động quá mạnh, ăn quá no hay sử dụng chất kích thích vì như vậy có thể làm tăng áp lực cho hệ thần kinh, tiêu hóa… và khiến giấc ngủ không được trọn vẹn.
– Nếu cảm thấy khó ngủ, hãy thực hiện một số hoạt động thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, tập các bài tập nhẹ nhàng.
– Bổ sung các thực phẩm tốt cho giấc ngủ như thực phẩm giàu kali, magie, sắt; hạn chế các đồ chiên rán, các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafe…
Không gian phòng ngủ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Các chuyên gia khuyến cáo nên đặt phòng ngủ ở nơi ít tiếng ồn, không có ánh sáng quá mạnh, không có các tác động bên ngoài để giấc ngủ được ngon và sâu hơn. Đồng thời chọn loại ga, nệm phù hợp, chú ý vệ sinh, đảm bảo chăn ga của bạn luôn sạch sẽ cũng là biện pháp giúp giấc ngủ được duy trì.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp người bệnh nắm được những lưu ý trong quá trình điều trị mất ngủ. Nhớ rằng càng phát hiện, điều trị sớm và tuân thủ phác đồ điều trị thì càng có lợi cho quá trình cải thiện bệnh và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh, hãy đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám và chẩn trị sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh