Lo âu là một từ dùng để mô tả một cảm giác bình thường mà người ta cảm nhận khi bị ai đe dọa, khi gặp nguy hiểm, hay khi bị căng thẳng tinh thần. Khi lo âu, người ta thường cảm thấy bực mình, bồn chồn, và căng thẳng tinh thần. Cảm giác lo âu cũng có thể là một hệ quả của các trải nghiệm trong cuộc sống, tỉ như mất việc làm, mối quan hệ đổ vỡ, bệnh nặng, tai nạn kinh hoàng, hay người mất đi người thân.
Tuy nhiên, không chỉ những trải nhiệm hay biến cố trong cuộc đời mới là nguyên nhân cho cảm giác lo âu xuất hiện. Thói quen phổ biến cũng có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện loại cảm giác này.
Một đêm không ngủ hay bạn chỉ ngủ được có vài tiếng có thể khiến cho bạn cảm thấy mọi thứ đều mơ hồ và cạn kiệt sức lực vào ngày kế tiếp. Tuy nhiên, đi kèm với sự mệt mỏi ấy thường là một cảm giác vô cùng kỳ lạ, nó có thể được mô tả như một sự rùng mình, khó chịu, thậm chí là căng thẳng như khi xem những cảnh phim hành động hồi hộp đến nghẹt thở. Khi cảm giác kỳ lạ này xuất hiện, bạn sẽ cần một giấc ngủ ngắn, mười lăm phút đến nửa tiếng chợp mắt hoặc thậm chí là một giấc ngủ sâu đối với một số người.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được, giấc ngủ có rất nhiều tác động lên tâm lý của chúng ta và ngược lại. Căng thẳng tâm lý có thể có những hậu quả về thể chất, chẳng hạn như chứng rối loạn hormone hoặc tổn thương ruột, cả hai đều gây rối loạn giấc ngủ. Mặt khác, các vấn đề về thể chất cũng ảnh hưởng đến tâm lý khiến cho việc giải quyết lo âu, căng thẳng trở nên khó khăn hơn.
Vai trò của giấc ngủ càng được khẳng đinh khi mà các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể làm tăng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, tức giận và kích thích, làm suy giảm khả năng suy nghĩ rõ ràng, giảm năng lượng và năng suất lao động, và cũng là nguyên nhân của một loạt các vấn đề sức khoẻ thể chất khác. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp 5 lần và có nguy cơ mắc chứng hoàng loạn gấp 20 lần.
Trong lúc ngủ, não của chúng ta vẫn hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng ta ngủ, não hoạt động sẽ nhẹ nhàng hơn so với khi thức và đây chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi của não.
Trong khoảng thời gian này, dịch não tủy sẽ làm sạch các chất tích tụ trong ngày. Quá trình này là “chìa khóa” quan trọng để giảm bớt căng thẳng và các cảm giác lo âu khác. Những chất tích tụ này, thậm chí bao gồm một số loại độc tố, nếu không được làm sạch sẽ trở thành nguyên nhân thúc đẩy các bệnh tâm thần tiềm ẩn và di truyền phát triển nhanh chóng.
Đặc biệt, nếu não của bạn không được “làm sạch”, “làm mới” hàng ngày, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ thực sự bị ảnh hưởng. Một cách đơn giản, hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở bờ vực rơi vào trầm cảm, thiếu ngủ, não không được nghỉ ngơi sẽ là “cơn gió” thổi bạn rơi xuống “vực” trầm cảm và các bệnh sức khỏe tâm thần.
Cần phải nhấn mạnh lại một lần nữa: nếu não của chúng ta không được nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể của bạn sẽ trở nên mệt mỏi vào ngày tiếp theo, thay vì được làm sạch thì chất độc trong não lại được tích lũy, những yếu tố này đều góp phần gây nên lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, nếu không được “làm mới” lại, não của bạn sẽ không “xóa” được phần lớn các “dữ liệu” không cần thiết hoặc quá mức về cảm giác từ ngày hôm trước, não của bạn sẽ cảm thấy ồn ào và lộn xộn, điều này góp phần làm tăng lo âu.
Ngoài ra, khi bạn nghỉ ngơi không đủ, não của bạn sẽ bị kích thích nhiều hơn, bạn sẽ không thể suy nghĩ thông suốt và có thể đưa ra những quyết định không hợp lý trong ngày làm việc tiếp theo. Tất cả những điều này cũng góp phần vào làm tăng cảm giác lo âu và có thể làm trầm trọng thêm cũng như thúc đẩy các bệnh về sức khỏe tâm thần.
Khi bạn ngủ không đủ, nghỉ ngơi không đủ, không chỉ não, cơ thể của bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng nghỉ ngơi không đủ. Khi cơ thể nghỉ ngơi không đủ, tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn từ khả năng quản lý áp lực đến đời sống tình dục của bạn đều bị ảnh hưởng.
Khi bạn nghỉ ngơi hay ngủ không đủ, cơ thể bạn bắt đầu trở nên căng thẳng và các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lúc này, hormone căng thẳng Cortisol cũng sẽ tăng lên. Cortisol là một chất kích thích và nghịch lý lại là, nó khiến cho chúng ta mất ngủ. Và trên hết, khi cơ thể bạn cần sản xuất nhiều Cortisol hơn, nó sẽ ảnh hưởng và thậm chí là gây rối loạn các hormone khác, đặc biệt là hormone giới tính (oestrogens, testosterone, progesterone) – loại hormone có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và khả năng giải quyết căng thẳng của chúng ta.
Sự căng thẳng và lo âu làm tăng thêm Cortisol và Adrenaline, điều này mang lại cho bạn cảm giác thường là mệt mỏi và làm bạn khó ngủ và cũng như đánh thức bạn dậy vào lúc nửa đêm. Và như đã đề cập ở trên, khi bạn thiếu ngủ hoặc mất ngủ, cảm giác lo âu sẽ lại tiếp tục xuất hiện. Và khi đó, lo âu và thiếu ngủ chính là một vòng tròn không hồi kết.
Chắc chắn rằng, khi bạn ngủ đủ với một giấc ngủ sâu, hay còn được gọi là giấc ngủ ngon, cả cơ thể và não của bạn đều có lợi. Khi đó, bộ não của bạn sẽ được làm sạch những chất độc đã tích tụ trong những ngày trước đó, và não của bạn tái tạo lại các nơ-ron ảnh hưởng đến những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Cơ thể của bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi bạn ngủ đủ, ngủ sâu. Khi bạn ngủ đủ, cơ thể của bạn sẽ điều chỉnh hormone của bạn và tiết ra hormone tăng trưởng, kích thích sự phát triển và phục hồi trong tất cả các mô. Cơ thể bạn sẽ sửa chữa các cơ và mô, giải quyết các vấn đề làm căng cơ và các yếu tố căng thẳng cũng như đào thải các chất độc trong cơ thể đã được tích lũy trong ngày hoặc thậm chí là cả những ngày trước đó.
Tóm lại, một giấc ngủ đầy đủ, trọn vẹn và sâu là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn, đặc biệt là hạn chế cũng như ngăn ngừa chứng lo âu, stress và trầm cảm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh