Không kiểm soát con một cách kịp thời, hoạt động mà đứa trẻ nào cũng thích sẽ khiến trẻ bị quá tải kích thích và dẫn đến tổn thương não.
Trong hai năm đầu đời, não bộ của trẻ trải qua giai đoạn tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ, nó sẽ tăng gấp 3 lần về kích cỡ. Do đó, những thứ mà bé được tiếp xúc sẽ tạo nền tảng cho toàn bộ phần đời còn lại của bé.
Là Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe, Hành vi và Sự Phát triển Trẻ em ở Seattle (Mỹ), bác sĩ Christakis đã đưa ra lời cảnh báo về việc quá tải kích thích lên não trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thông qua thiết bị điện tử.
Trên thực tế, ông phát hiện ra, trẻ càng xem nhiều tivi trước tuổi lên 3, càng có khả năng gặp phải các vấn đề về chú ý tại trường học. Cứ mỗi giờ xem tivi mỗi ngày, nguy cơ bị rối loạn chú ý lại tăng lên 10%. Ví dụ, 2 giờ xem tivi/ngày tương đương với 20% tăng nguy cơ rối loại chú ý.
Không chỉ thời lượng xem tivi tác động tới não trẻ mà nội dung trẻ xem cũng có ý nghĩa quan trọng. Liệu bạn có cảm thấy sốc khi biết rằng thậm chí một số chương trình thuộc seri 'Baby Einstein' (vốn được thiết kế dành riêng cho trẻ sơ sinh) cũng thực sự không phù hợp chút nào cho não bộ của bé?
Bác sĩ Christakis cũng đề cập đến iPad và các thiết bị điện tử khác. Ông cho biết iPad không hoàn toàn có hại, vấn đề là cho trẻ tiếp xúc với nó một cách thụ động. Ông gợi ý trẻ dưới 2 tuổi có thể tiếp xúc với các màn hình điện tử có tính tương tác từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.
Trong một bài viết cho Today, bác sĩ Christakis khẳng định: 'iPad và các ứng dụng trên thiết bị điện tử mang tính tương tác có khả năng lôi cuốn bé, có thể giúp kích thích trí não tương tự các đồ chơi truyền thống như khối xếp hình. Tuy nhiên, cha mẹ phải rất thận trọng và giám sát kỹ thời lượng dành cho các thiết bị điện tử như vậy bởi thực sự đã tồn tại những vấn đề như 'lạm dụng iPad' ở đối tượng người dùng nhỏ tuổi'.
Trong một bài viết đăng tải trên Psychology Today mang tên 'Gray Matters: Too much screen time damages the brain', nhà tâm lý học trẻ em Victoria L. Dunckley viết: 'Là một bác sĩ đang hành nghề, tôi quan sát thấy rằng rất nhiều trẻ em mà tôi biết bị chứng quá tải giác quan, thiếu những giấc ngủ giúp phục hồi năng lượng, sức khoẻ và hệ thần kinh bị kích thích quá mức. Tôi gọi đó là Hội chứng màn hình điện tử. Những đứa trẻ này rất dễ nổi nóng, tâm trạng thường ủ dột và không thể tập trung chú ý'.
Ngay cả người lớn cũng quá dễ dàng 'nghiện' các thiết bị điện tử. Vậy làm thế nào một đứa trẻ có thể tự làm điều tốt cho mình khi não trẻ chưa đủ phát triển để có được chức năng 'phanh hãm'? Chỉ có cách là cha mẹ cần làm gương cho trẻ.
Đã tới lúc đưa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ra ngoài nhiều hơn nữa. Tắt tivi và cho con tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời để phát triển trí não. Nguy cơ béo phì không những giảm đi mà hệ miễn dịch cũng nhờ đó tốt lên (vitamin D trong ánh nắng mặt trời và các loại hình vận động). Trẻ sẽ học được cách giao tiếp với người khác. Hãy tham gia các trò chơi hay hoạt động nhóm như bơi lội hay câu lạc bộ thể thao.
Bằng cách đưa ra những lựa chọn tích cực cho một thế hệ trẻ được sinh ra trong công nghệ, chúng ta sẽ giúp tương lai con cái trở nên tươi sáng hơn. Tất nhiên, cha mẹ đâu thể dự đoán chính xác tương lai con mình sẽ ra sao nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo xây dựng một hiện tại vững chắc để ngăn ngừa những rối loạn đáng lo ngại xảy ra sau này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh