Rối loạn tiền đình nếu đi kèm bệnh lý huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường…có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là đột quỵ. Việc nắm được rối loạn tiền đình có triệu chứng gì giúp chúng ta nhận ra căn bệnh từ sớm và điều trị một cách hiệu quả.
1. Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
1.1. Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là một bộ phận quan trọng của cơ thể, nằm ở phía sau ốc tai hai bên, thuộc hệ thần kinh. Chức năng của tiền đình là phối hợp các bộ phận cử động như chân, tay, mắt, thân người…để duy trì cân bằng cơ thể ở các tư thế, khi hoạt động.
Rối loạn tiền đình xảy ra khi bộ phận này mất khả năng giữ thăng bằng do quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin rối loạn, do tắc nghẽn, do động mạch vận chuyển máu lên não tổn thương… Khi đó, cơ thể dễ gặp trạng thái hoa mắt, chóng mặt, ù tai, loạng choạng, buồn nôn, đau đầu…
Những triệu chứng này thường xuyên xuất hiện, kéo dài không dứt khiến người bệnh khó chịu, khó duy trì công việc, học tập, sinh hoạt như bình thường.
1.2. Có mấy loại rối loạn tiền đình?
Về cơ bản, rối loạn tiền đình được chia làm rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương:
– Rối loạn tiền đình nguồn gốc ngoại biên: Căn bệnh xảy ra là do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai trong. Đây là nguyên nhân thường gặp khi được chẩn đoán tiền đình bị rối loạn chức năng. Bệnh nhân thường gặp triệu chứng mất thăng bằng, chóng mặt nhưng không nguy hiểm.
– Rối loạn tiền đình nguồn gốc trung ương: Căn bệnh xảy ra là do tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Nguyên nhân này ít gặp, không có biểu hiện rõ ràng nhưng khá nguy hiểm, điều trị khó khăn hơn nguyên nhân ngoại biên.
Vì vậy, để xác định triệu chứng rối loạn tiền đình phải dựa vào việc xác định người bệnh đang mắc loại rối loạn tiền đình nào.
2. Các triệu chứng điển hình của bệnh rối loạn tiền đình
Triệu chứng rối loạn tiền đình rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mỗi người bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau, trong đó chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mất thăng bằng rất hay gặp. Một số người bị rối loạn tiền đình nhưng lại không bộc lộ triệu chứng như kể tên dưới đây.
2.1. Rối loạn tiền đình có triệu chứng gì? – Triệu chứng ngoại vi
Ở loại bệnh này, chóng mặt có hệ thống là triệu chứng điển hình. Khi người bệnh thay đổi tư thế như đang nằm ngồi dậy, đứng lên ngồi xuống đột ngột, thức dậy…sẽ thấy các vật xung quanh quay cuồng. Có thể kèm theo mất thăng bằng, đầu óc quay quay, loạng choạng, không đứng vững, choáng váng…
Một số dấu hiệu tiền đình ngoại vi khác có thể xuất hiện bao gồm:
– Huyết áp thấp hoặc bỗng nhiên tụt huyết áp
– Buồn nôn, nôn ói
– Mất ngủ, khó tập trung
– Rối loạn thị giác, rung giật nhãn cầu, hoa mắt, chóng mặt
– Rối loạn thính giác, biểu hiện ù tai, suy giảm thính lực, có tiếng vo ve trong tai. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ù tai cần đi khám sớm và điều trị tích cực, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
2.2. Rối loạn tiền đình có triệu chứng gì? – Triệu chứng trung ương
Cũng như tiền đình ngoại vi, người bệnh có thể gặp hiện tượng chóng mặt dữ dội, loạng choạng, đứng không vững, bồng bềnh nâng nâng như say xe. Ngoài ra còn các triệu chứng khác của bệnh này như:
– Rối loạn thính lực khiến bệnh nhân ù tai, nghe không rõ
– Rung giật nhãn cầu
– Đi đứng không thẳng, hay đi xiên xẹo
– Khó phối hợp tay chân, không thể làm chính xác động tác phối hợp như lật úp bàn tay
3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
Dựa vào phân loại ở trên, bác sĩ chia nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình làm 2 loại chính:
3.1. Do tiền đình ngoại biên
Nguyên nhân chính là do viêm dây thần kinh tiền đình từ virus quai bị, thủy đậu, zona… Bệnh có thể gây liệt dây thần kinh tiền đình dẫn đến thường xuyên xuất hiện cơn chóng mặt đột ngột, nhưng không xuất hiện rối loạn thính lực như ù tai, nghe kém.
Nguyên nhân khác là do bệnh lý như viêm tai giữa, tai trong dị dạng, phù nề tai trong, sỏi nhĩ, say xe, u dây thần kinh số 8, tác dụng phụ của thuốc, rượu bia, ma túy…
3.2. Do tiền đình trung ương
– Do bệnh lý thiểu năng tuần hoàn máu não, huyết áp thấp, thiếu máu, tắc nghẽn mạch máu não.
– Do hội chứng Wallenberg, nhồi máu não, đau nửa đầu, u tiểu não, bệnh Parkinson…
4. Rối loạn tiền đình có phải bệnh nguy hiểm?
Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhẹ, các triệu chứng chỉ xuất hiện vài ngày là khỏi thì không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe.
Nhưng bệnh cũng có thể kéo dài, xuất hiện đột ngột, tái đi tái lại. Trong cơn bệnh, chúng ta có thể bị tai nạn khi lái xe, ngã khi cố di chuyển, gây chấn thương, ngã gãy tay chân…
Ngoài ra, rối loạn tiền đình đi kèm với bệnh lý nền như cao huyết áp, bệnh về não,…có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nhất là đột quỵ. Vì vậy, người bệnh khi được chẩn đoán rối loạn tiền đình nên tích cực điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.
5. Rối loạn tiền đình có trị được không?
Bệnh rối loạn tiền đình hoàn toàn có thể điều trị khỏi, giảm khả năng tái phát, biến chứng nặng nếu được phát hiện sớm, kết hợp điều trị tích cực.
Hiện nay, điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là dùng thuốc qua sự tư vấn của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc vì mỗi nguyên nhân có cách điều trị khác nhau, không ai giống ai.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng được tư vấn chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp để lưu thông khí huyết, tăng máu lên não.
Người cao tuổi mắc rối loạn tiền đình kèm theo bệnh lý huyết áp thấp, huyết áp cao, tiểu đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch…hoặc kèm theo triệu chứng ù tai, mờ mắt, chóng mặt đột ngột thì nên thăm khám kịp thời để tránh kết hợp với bệnh rối loạn tiền đình biến chứng sang đột quỵ.
Mọi người cũng cần lưu ý lối sống hạn chế lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Nên vận động cơ thể thường xuyên, nhất là dân văn phòng hay phải ngồi quá lâu ở một vị trí mà không thay đổi tư thế.
6. Rối loạn tiền đình có thể chủ động phòng tránh được không?
Rối loạn tiền đình là căn bệnh phổ biến, rất hay gặp ở mọi đối tượng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bằng những lời khuyên đơn giản như sau:
– Thường xuyên vận động, tập luyện đều đặn: Giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường tuần hoàn máu não, giảm căng thẳng, áp lực sống, cơ thể dẻo dai, tràn đầy năng lượng tích cực.
– Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Ăn uống đa dạng, ít chất béo, ít đường, nhiều rau củ quả, uống đủ nước. Nên sử dụng thảo dược tự nhiên tốt cho trí nhớ, giấc ngủ và não bộ như trà xanh, trà sen, atiso…
– Cân bằng cuộc sống, tránh làm việc quá sức, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu mất ngủ thì nên tìm cách khắc phục.
– Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị khi bị chóng mặt, đau đầu, ù tai.
– Điều trị tích cực các bệnh lý có khả năng gây rối loạn tiền đình như đau nửa đầu, mất ngủ, huyết áp cao, tăng mỡ máu…
Trên đây là một số thông tin về căn bệnh rối loạn tiền đình rất hay xảy ra trong cuộc sống hiện đại. Hi vọng bạn đã biết rối loạn tiền đình có triệu chứng gì và cách điều trị phòng tránh bệnh. Trên thực tế, bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh từ rất sớm bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, vận động liên tục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh