✴️ Rối loạn tư duy

KHÁI NIỆM TÂM LÍ HỌC VỀ TƯ DUY.

Tư duy là một quá trình tâm lí phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó người ta chưa biết. Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác.

Cảm giác và tri giác có đặc điểm là phản ánh một cách trực tiếp và cụ thể sự vật hiện tượng nên mới chỉ phản ánh được những thuộc tính, những mối quan hệ bên ngoài sự vật và hiện tượng, đây là sự nhận thức cảm tính. Khác với cảm giác và tri giác, tư duy có đặc điểm phản ánh sự vật hiện tượng một cách gián tiếp, trừu tượng và khái quát cho nên tư duy có thể phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất và những quan hệ có tính qui luật của sự vật và hiện tượng, đó là nhận thức lí tính.

Các thao tác tư duy bao gồm: phân tích và tổng hợp; so sánh; trừu tượng hoá, khái quát hoá. Những sản phẩm của tư duy bao gồm khái niệm, phán đoán và suy luận. Những hoạt động tư duy nêu trên là một sự phân tích theo mô hình đơn giản. Thực tế hầu hết hoạt động tư duy liên quan đến những quy luật phức tạp, rất giống với kiểu “logic mờ” (fuzzy logic). Đây là khái niệm hiện đại, là mô hình toán học để ra quyết định và phân tích dữ liệu do các nhà khoa học kĩ thuật tìm ra và áp dụng vào kĩ thuật điều khiển. Logic mờ được áp dụng trong những tình huống mà những quy luật “tất cả hoặc không” hoặc “đen hoặc trắng” không thể áp dụng, mà quy luật ở đây là những khả năng, những xu hướng nhiều khía cạnh, mâu thuẫn và cạnh tranh. Logic mờ trong kĩ thuật chính là sự mô phỏng tư duy của con người, người ta đã mô phỏng lối tư duy của con người để sáng tạo ra mô hình toán học kiểu “logic mờ” để ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển thông minh hay xử lí dữ liệu.

RỐI LOẠN TƯ DUY.

Tư duy có đặc điểm là có quan hệ rất mật thiết với ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ là thống nhất, nhưng không phải là đồng nhất với nhau. Tuy nhiên, chúng không thể tách rời nhau được, tư duy không thể tồn tại bên ngoài ngôn ngữ, ngược lại ngôn ngữ cũng không thể có nếu không dựa vào tư duy. Mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nếu không có ngôn ngữ thì các sản của tư duy không được chủ thể và người khác tiếp nhận, cũng như chính bản thân quá trình tư duy cũng không thể diễn ra được. Ngược lại, nếu không có tư duy với những sản phẩm của nó thì ngôn ngữ chỉ là những chuỗi âm thanh vô nghĩa. Do vậy, trong lâm sàng người ta nghiên cứu ngôn ngữ là hình thức biểu hiện tư duy và thông qua ngôn ngữ để hiểu về nội dung tư duy. Người ta quy ước rối loạn tư duy bao gồm rối loạn hình thức hay dòng tư duy và rối loạn nội dung tư duy.

Rối loạn dòng tư duy và hình thức tư duy:

Theo nhịp điệu ngôn ngữ:

Nhịp nhanh:

Tư duy phi tán: theo tiếng Hán - Việt, phi là bay hoặc rất nhanh như bay; tán là tán phát rộng rãi. Vì vậy người ta còn gọi là ý nghĩ bay (Fligth of ideas). Biểu hiện là dòng tư duy tăng tới mức mà các chuỗi ý nghĩ chuyển hướng thường xuyên và rất nhanh. Người bệnh nói liên tục suốt ngày không biết mệt mỏi. Tuy nhiên, mặc dù đôi khi có những lỗi đáng kể, nhưng mối liên kết giữa các chủ đề, các khái niệm trong tư duy vẫn khiến người nghe hiểu được và có khi khiến người nghe vui thích. Triệu chứng này hay gặp trong trạng thái hưng cảm.

Tư duy dồn dập: trong đầu óc bệnh nhân dồn dập đủ các loại ý nghĩ, xuất hiện ngoài ý muốn và không cản được. “Cái lưỡi thi đua với ý nghĩ và không kịp bày tỏ ý nghĩ bằng lời nói”. Người bệnh như bị áp lực về nói (pressure of speech), thường gặp trong TTPL, đây là hình thức thô sơ của tư duy tự động.

Nói hổ lốn: là chứng nói tháo lời, nói luôn miệng, nội dung vô nghĩa, các từ như được chằng buộc vào nhau và liên tưởng không logic, người ta còn ví nói như xalat trộn.

Nhịp chậm:

Tư duy chậm chạp: dòng ý tưởng chậm chạp, suy nghĩ khó khăn, sau mỗi câu hỏi, phải dừng lại rất lâu mới trả lời được và thường gặp trong trạng thái trầm cảm.

Tư duy ngắt quãng: còn gọi là tư duy tắc nghẽn (thought blocking), dòng tư duy như bị ngắt nhanh, bị bẻ gãy, gián đoạn bất ngờ và dường như có một bức tường đột nhiên sập xuống làm ngắt suy nghĩ và lời nói ở giữa câu, gặp trong TTPL.

Theo hình thức phát ngôn:

Nói một mình: người bệnh nói lẩm bẩm một mình, nội dung không liên quan đến hoàn cảnh, gặp trong TTPL.

Nói tay đôi: người bệnh nói chuyện với một nhân vật tưởng tượng hoặc nói chuyện với ảo thanh, gặp trong stress hoặc TTPL.

Trả lời cạnh: hỏi một đàng, trả lời một nẻo, gặp trong TTPL và có thể gặp trong hysteria.

Không nói (mutism): do nhiều nguyên nhân, bị ức chế trong trạng thái trầm cảm, hiện tượng phủ định trong trạng thái căng trương lực, hoạt động tâm thần nghèo nàn trong trạng thái lú lẫn, sa sút, liệt chức năng cơ quan phát âm trong hysteria và do hoang tưởng, ảo giác chi phối.

Nói lặp lại lời (echolalia): biểu hiện nhắc lại một câu mà người khám bệnh vừa nói. Nếu bệnh nhân chỉ nhắc lại được một từ hoặc nhóm từ cuối cùng của câu nói thì gọi là palilalia, gặp trong TTPL.

Lặp lại những câu vô nghĩa (verbigeration): lời nói không hiểu được và thay thế bằng những lời nói rời rạc vô nghĩa, có thể lặp lại liên tục trong nhiều ngày, gặp trong TTPL.

Cơn xung động lời nói: tự nhiên xuất hiện cơn xung động, nói một hồi, nội dung không liên quan tới hoàn cảnh, có thể nguyền rủa hoặc nói thô tục, gặp trong TTPL.

Theo kết cấu ngôn ngữ:

Rối loạn về kết âm và phát âm: bao gồm các loại khó nói, nói lắp, nói thì thào, nói giọng mũi, giả giọng địa phương và giọng nước ngoài.

Rối loạn ngữ pháp và logic tư duy:

Ngôn ngữ phân liệt (schizophasie): là tư duy bị chia cắt, từng câu có thể đúng ngữ pháp, ít nhiều có ý nghĩa, nhưng giữa các câu không có mối liên hệ về ý nghĩa và logic.

Rối loạn tính liên tục của ngôn ngữ: có thể gặp một số triệu chứng sau:

Tư duy lai nhai (circumstantiality): dòng tư duy thay đổi nhiều hướng, lạc đề, câu văn rườm rà với nhiều dấu phẩy, nhiều ý trong ngoặc đơn và nhiều câu phụ, gặp trong động kinh.

Tư duy tản mạn (tangentiality): xa dần với chủ đề, không thể quay trở lại và cũng không thể nhớ chủ đề khởi nguồn là gì, do ý nghĩ bắt đầu chệch dần chủ đề theo kiểu tiếp tuyến và mất liên kết giữa các ý, các câu.

Liên tưởng lỏng lẻo (loose associations): là điển hình của chứng đi chệch đường, không có mối liên hệ logic nên người nghe không thể hiểu. Những trường hợp rối loạn nặng, không có sự liên kết giữa các nhóm từ hoặc các từ, những quy luật ngữ pháp bị phá vỡ, liên tưởng lỏng lẻo là triệu chứng kinh điển của TTPL.

Liên tưởng tiếng vang (clang association): thể hiện một chuỗi ý nghĩ mà ý nghĩ sau bị kích thích bởi âm thanh của từ đi trước. Đây là hình thức liên tưởng máy móc, ví dụ bệnh nhân nói: “tên tôi là Bình, bình là hòa bình thế giới, thế giới chống chiến tranh hạt nhân, Goocbachôp gặp Rigân, gân là gân bò,…”.

Tư duy thiếu mạch lạc hay ngôn ngữ rời rạc (incoherence): nói trống rỗng và tối nghĩa, dùng từ mập mờ, mơ hồ, trừu tượng hoặc quá cụ thể, lặp đi lặp lại hoặc rập khuôn cứng nhắc, nghèo nàn và ít thông tin.

Dùng từ mới (neologisms): hay gọi là từ bịa đặt, tiếng nói riêng để diễn đạt một khái niệm, đôi khi bệnh nhân không dùng từ thông thường mà sáng tạo cách diễn đạt mới. Những từ mới, từ bịa được hình thành bằng cách kết hợp một số từ đã biết, theo cách nói riêng của mình và có tính chất rất “ma thuật”.

Theo ý nghĩa, mục đích của ngôn ngữ:

Suy luận bệnh lí (morbid reasoning): khi nói về một chủ để nào đó, dùng các thao tác tư duy để trình bày một cách cầu kỳ, vụn vặt, không có ý nghĩa, bí hiểm về triết học.

Tư duy hai chiều (ambivalent thought): trong ngôn ngữ người bệnh xuất hiện đồng thời 2 dòng suy nghĩ có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược và loại trừ lẫn nhau.

Tư duy tự kỷ (autistic thought): người bệnh thường nói đến những chủ đề của thế giới bên trong kỳ lạ của mình, tách rời thực tế.

Tư duy tượng trưng (symbolic thought): những sự việc bình thường trong thực tế được người bệnh gán cho một ý nghĩa tượng trưng.

Rối loạn nội dung tư duy:

Định kiến:

Định kiến là những ý tưởng quá mức, ý tưởng ưu thế (dominant idea), là nhận định phát sinh từ những hoàn cảnh thực tế, nhưng sau đó chiếm một vị trí ưu thế quá mức trong ý thức của bệnh nhân kèm theo tình trạng căng thẳng cảm xúc. Ví dụ: đánh giá quá mức về một hành động nào đó của người khác, người bệnh cho rằng đó là sự xúc phạm, chế giễu mình. Càng suy nghĩ, càng thấy nó trở nên nặng nề, khó chịu, chi phối toàn bộ tư tưởng, cảm xúc và hành động của người bệnh.

Người bệnh bận rộn với những ý nghĩ đau khổ về sự bị xúc phạm này và tìm kế hoạch trả thù. Đặc điểm của định kiến là:

Định kiến phát sinh từ những hoàn cảnh thực tế như một phản ứng tự nhiên của một người trước các sự kiện thực tế đó. Tuy nhiên, phản ứng đó trở nên quá mức và chiếm ưu thế trong ý thức người bệnh.

Người bệnh không thấy chỗ sai của định kiến nên không tự đấu tranh để xóa bỏ định kiến.

Định kiến không trở thành quan điểm vững chắc của người bệnh, việc đả thông, thuyết phục có thể làm suy yếu định kiến, có khi với thời gian, định kiến tự nó mờ nhạt và mất đi.

Ám ảnh:

Ám ảnh là những ý tưởng, những hồi ức, những cảm xúc, những hành vi không phù hợp với thực tế, luôn luôn xuất hiện ở người bệnh với tính chất cưỡng bức. Người bệnh còn biết phê phán hiện tượng đó là vô lí, là sai, không cần thiết muốn tự xua đuổi đi nhưng không thể được.

Đặc điểm của ám ảnh là:

Những vấn đề thuộc về tư duy, cảm xúc (chủ yếu là lo sợ) và hành vi không phù hợp nhưng luôn xuất hiện với tính chất cưỡng bức.

Người bệnh thấy chỗ vô lí, thấy chỗ sai của ám ảnh, muốn đấu tranh, xua đuổi đi nhưng không được.

Người bệnh thường đau khổ, đấu tranh đầy căng thẳng và bất lực với ám ảnh. Ví dụ: đau khổ về những ý nghĩ cứ đến mà không phù hợp với ý nghĩ của mình; đấu tranh căng thẳng với những xu hướng hành vi không phù hợp với cảm xúc, tình cảm của mình và đôi khi bất lực, phải làm theo ám ảnh.

Người ta có thể chia ra các loại ám ảnh như sau:

Lo sợ ám ảnh: nội dung lo sợ ám ảnh hết sức đa dạng: ám ảnh sợ khoảng trống; ám ảnh sợ xã hội và những ám ảnh sợ biệt định như: sợ ở trên cao, sợ vật sắc, nhọn, sợ bẩn, sợ bệnh… Có một số lo sợ liên quan đến hành vi như:

Lo sợ thực hiện: đó là trạng thái lo sợ không thực hiện được một số động tác, hoạt động nào đó, ví dụ: sợ sẽ quên mất nội dung khi phát biểu trước công chúng, sợ sẽ bị bối rối khi phải trả lời câu hỏi, sợ vấp váp khi phát âm một từ nào đó, sợ thực hiện vụng về một động tác nào đó trong hoàn cảnh nhất định. Lo sợ không ngủ được là triệu chứng rất hay gặp ở người rối loạn giấc ngủ.

Lo sợ một thói quen nào đó như: sợ đỏ mặt trước đám đông.

Ý tưởng ám ảnh:

Suy luận ám ảnh: người bệnh luôn luôn phải suy nghĩ về những vấn đề không có ý nghĩa, không thể giải quyết được, ví dụ: tại sao trái đất lại hình cầu? nếu trái đất hình trụ thì sẽ ra sao? tại sao cái ghế lại bốn chân?

Tính toán ám ảnh: người bệnh luôn phải bận tâm với những tính toán vô ích, ví dụ: cứ phải đếm biển số nhà trên đường phố, đếm các cửa sổ… Có khi phải lẩm nhẩn liên miên các bài toán trong đầu.

Nhớ ám ảnh: người bệnh luôn phải nhớ tên, tuổi những người thân quen, nhớ những từ, những thuật ngữ khác nhau.

Ý tưởng xúc phạm, ý tưởng bất hạnh: đó là những ý tưởng trái với tình cảm thực của bệnh nhân, cứ xuất hiện khiến bệnh nhân đau khổ, ví dụ: con chiên đến nhà thờ là xuất hiện ý tưởng xấu, xúc phạm đến Chúa hoặc bố mẹ xuất hiện ý nghĩ là con mình sẽ bị bệnh hoặc gặp tai nạn…

Hoài nghi ám ảnh: người bệnh luôn hoài nghi, phân vân về một sự việc đã xảy ra, ví dụ: đi ra đường cứ phân vân vì chưa đóng cửa phòng mà thực tế đã đóng rồi hoặc có người khi con chết đã chôn rồi mà vẫn băn khoăn là con mình chưa chết thật,... trong những trường hợp này thường dẫn đến hành động kiểm tra như: quay về nhà xem đã khóa cửa chưa hoặc đòi đào mộ lên xem con đã chết thật chưa.

Xu hướng, hành vi ám ảnh:

Xu hướng ám ảnh: là những xu hướng muốn tiến hành những hành động vô nghĩa, thường là nguy hiểm mà bản thân người bệnh thực sự không muốn làm, ví dụ: có xu hướng chửi người đi đường, cầm dao đâm con hoặc ngược lại đã có trường hợp đứa trẻ có xu hướng cầm dao đâm cha mẹ, anh chị, khiến nó rất sợ và rất đau khổ với ý nghĩ và xu hướng này.

Nghi thức ám ảnh: là những hành vi ám ảnh xuất hiện cùng với lo sợ ám ảnh và hoài nghi ám ảnh, nhiều khi nó là phương thức đấu tranh chống lại lo sợ ám ảnh, trở thành một thói quen, một nghi thức, ví dụ: người có ám ảnh lo sợ người thân bị tai nạn hoặc chết, mỗi lần ra khỏi nhà phải nhìn lại cửa sổ nhà mình 3 lần mới yên tâm đi thẳng. Theo người bệnh, động tác này có thể làm điều không may không xảy ra và như vậy người bệnh mới yên tâm. Có những hành vi nghi thức liên quan tới những điều mê tín, ví dụ: để mong gặp may mắn trong công việc, khi ra khỏi cửa nhà phải bước bằng chân phải hoặc cần người nam giới đón ngõ,... Điều này chưa phải là bệnh lí, nhưng nếu là bệnh lí có thể trở thành nội dung của nghi thức ám ảnh.

Thói quen ám ảnh: là những động tác thực hiện trái với ý muốn, người bệnh cố gắng kìm lại nhưng không được. Đây không phải là những động tác tự động mà là những động tác chủ ý, đã trở thành thói quen, ví dụ: những động tác trễ môi, nhe răng, há miệng, nghiêng, ngoẹo, lắc cổ, gãi mặt, vuốt mũi, vuốt tóc hoặc thêm quá nhiều tiếng đệm khi nói như: “vấn đề là”, “nghĩa là”, “rằng thì là”. Hội chứng ám ảnh hay gặp trong các rối loạn tâm căn và trong giai đoạn đầu của bệnh TTPL.

Hoang tưởng:

Định nghĩa: hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế do bệnh tâm thần sinh ra, nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích, thuyết phục được.

Hoang tưởng là những niềm tin sai lầm, cố định được duy trì một cách mạnh mẽ và không thể thay đổi mặc dù có những bằng chứng bác bỏ niềm tin đó. Những niềm tin này không phù hợp với nền tảng giáo dục, xã hội và văn hóa của người đó.

Hoang tưởng có đặc điểm là: những ý tưởng, phán đoán hoặc niềm tin sai lầm, không phù hợp và người bệnh không biết là sai, mà trái lại nó đã trở thành những quan điểm vững chắc không thể giải thích, thuyết phục được.

Phân loại hoang tưởng: người ta có thể dựa vào một số đặc điểm đối lập nhau trong các loại hoang tưởng: hoang tưởng giản đơn đối lập với hoang tưởng phức tạp; hoang tưởng hoàn toàn đối lập với hoang tưởng từng phần; hoang tưởng hệ thống hóa đối lập với hoang tưởng không hệ thống hóa; hoang tưởng nguyên phát đối lập với hoang tưởng thứ phát.

Những hoang tưởng giản đơn: chứa đựng tương đối ít các trạng thái của  con người.

Những hoang tưởng phức tạp: chứa đựng những chi tiết và rộng lớn về con người như: tinh thần, động cơ hành động của con người,…

Những hoang tưởng hệ thống hóa: là những hoang tưởng thường bị giới hạn và hình thành rõ nét, liên quan đến cảm giác rõ rệt và không bao giờ có ảo giác, luôn biệt lập và không liên quan với các hành vi khác. Bệnh nhân có hoang tưởng hệ thống hóa một cách chặt chẽ, nhưng không xáo trộn đời sống của họ.

Những hoang tưởng không hệ thống hóa: trái với loại trên, những hoang tưởng này thường mở rộng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Những dữ liệu mới như con người mới và tình huống mới luôn luôn kết hợp làm tăng thêm hoang tưởng. Bệnh nhân thường có những rối loạn tâm thần kèm theo như: ảo giác và cảm xúc không ổn định và chức năng xã hội nghèo nàn và ứng xử theo đáp ứng của hoang tưởng.

Hoang tưởng hoàn toàn: là hoang tưởng hoàn toàn không còn chút nghi  ngờ nào.

Hoang tưởng từng phần: là những hoang tưởng mà trong đó bệnh nhân còn mang sự hoài nghi trong niềm tin của hoang tưởng của mình. Những nghi ngờ như vậy có thể thể hiện trong suốt quá trình phát triển chậm của hoang tưởng, khi hoang tưởng dần dần mất đi hoặc mất đi từng lúc trong suốt tiến trình hoang tưởng.

Hoang tưởng nguyên phát và thứ phát: thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, trong y văn sự phân biệt giữa chúng còn lẫn lộn. Một số tác giả định nghĩa hoang tưởng nguyên phát là hoang tưởng không thể hiểu được trong cùng một nền văn hóa hoặc cảm xúc của bệnh nhân. Trong khi đó hoang tưởng thứ phát lại là hoang tưởng mà niềm tin của bệnh nhân có thể hiểu hoặc đánh giá được như sự mở rộng về văn hóa hoặc cảm xúc và thường kèm theo rối loạn cảm xúc phù hợp với nội dung hoang tưởng như: tự cho mình là vô dụng và tội lỗi. Một số tác giả khác coi hoang tưởng nguyên phát đồng nghĩa với hoang tưởng bản địa (autochthonous delusion), đây là hoang tưởng hình thành ngay lập tức, bùng phát đột ngột, lóe lên trong đầu bệnh nhân như tia chớp.

Các loại hoang tưởng kinh điển:

Hoang tưởng liên hệ: người bệnh cho rằng tất cả xung quanh đều có mối liên hệ đặc biệt với bệnh nhân, nhìn bệnh nhân một cách đặc biệt, bàn tán, giễu cợt, đài phát thanh cũng đang nói hoặc ám chỉ về mình.

Hoang tưởng bị truy hại: còn được gọi là hoang tưởng khủng bố. Người bệnh có những ý nghĩ cho rằng người khác đang mưu toan hại mình bằng mọi hình thức như: đầu độc, ám sát, bắt giữ hoặc lấy của cải, hoặc những người thân nhất như: bố, mẹ, vợ, chồng cũng hại mình.

Hoang tưởng tự cao: người bệnh cho rằng mình rất thông minh, tài giỏi, có sức lực mạnh mẽ, việc gì cũng làm được hoặc có địa vị cao, quyền lực lớn, có họ hàng thân thích với các bậc vĩ nhân hoặc mình rất giàu có, vàng bạc vô kể,… Cùng loại này có hoang tưởng phát minh: người bệnh cho rằng mình có phát minh độc đáo về khoa học và triết học.

Hoang tưởng bị chi phối: người bệnh tin rằng những ý nghĩ và hành động của mình bị những lực bên ngoài kiểm soát, mình là người máy và không có ý nghĩ, hành động riêng hoặc thấy các bộ phận của cơ thể mình bị những lực siêu hình nào đó bên ngoài thao tác, ý nghĩ của mình đang bị rời đi, chuyển lại ở bên ngoài. Nếu người bệnh có hoang tưởng bị chi phối bằng phương tiện vật lí như: dòng điện, các sóng điện từ, các tia thì được gọi là hoang tưởng bị tác dụng vật lí, thường kèm theo ảo giác xúc giác hoặc ảo giác nội tạng.

Hoang tưởng tự tội: người bệnh tự cho mình là hèn kém, có phẩm chất xấu xa hoặc có tội lớn không đáng sống, thường đưa đến ý tưởng và hành vi tự sát.

Hoang tưởng hư vô: đây là một loại hoang tưởng kỳ quái, có nội dung phủ định và trầm cảm trong hội chứng cotard, biểu hiện bằng:

Nỗi đau khổ vô biên: tất cả người thân đều chết, nhà cửa tan nát, người bệnh đau khổ triền miên.

Phủ định ngoại cảnh: thế giới đang bị hủy diệt, ngập lụt, sụp đổ, tan hoang.

Phủ định bản thân: nội tạng người bệnh bị hư hỏng, thối rữa,… Thường gặp trong TTPL hoặc loạn thần do tai biến mạch máu não.

Hoang tưởng cơ thể hoặc hoang tưởng nghi bệnh: người bệnh cho rằng mình có những khuyết tật về cơ thể hoặc những bệnh nan y nặng, khó chữa khỏi.

Hoang tưởng tăng đôi: bệnh nhân tin rằng có người khác đã bị thay đổi hình thể và nhập vào họ.

Hoang tưởng ghen tuông hay hội chứng Othello: người bệnh dựa vào những hiện tượng, bằng chứng không chắc chắn để khẳng định người thân yêu của mình đã có quan hệ bất chính, phản bội mình.

Khí sắc hoang tưởng: đây là một trạng thái bối rối, căng thẳng, người bệnh có ý nghĩ, có linh cảm thấy điều gì đó kỳ lạ, huyền bí đang diễn ra liên quan đến bệnh nhân theo cách thức không rõ ràng.

Tri giác hoang tưởng: người bệnh giải thích điều tri giác bình thường theo ý nghĩa của hoang tưởng, trong đó ý nghĩa cá nhân vô cùng to lớn như: hoang tưởng gán ý, người bệnh gán cho sự vật, hiện tượng tự nhiên một ý nghĩ riêng, báo hiệu cho số phận, tương lai của mình.

Trí nhớ hoang tưởng: đó là trí nhớ về một sự kiện rõ ràng là hoang tưởng, ví dụ: một bệnh nhân “nhớ” lại rằng thầy giáo từ hồi lớp bốn đã bỏ thuốc độc vào cốc nước của anh ta, đó là lí do khiến anh ta bị rối loạn tâm thần. Việc dựng lên trí nhớ sai lầm và sau đó trở thành niềm tin vững chắc đã tạo nên hoang tưởng.

Hoang tưởng về sự gắn bó tình dục: là hoang tưởng có người yêu mình, thường là người có địa vị, thân thế cao hơn mình.

Hoang tưởng thay thế những người quan trọng khác: người bệnh tin rằng người nào đó gần mình đã được thay thế bằng người giống hệt nhau. Cùng loại này có hoang tưởng đóng kịch: cho rằng những người xung quanh là những nhân vật luôn thay đổi vai trên sân khấu.

Hoang tưởng nhận nhầm hay hoang tưởng trá hình: người bệnh nhận những người lạ là những người quen thuộc trong đời sống của mình.

Hoang tưởng cảm ứng: hoang tưởng cảm ứng có thể xảy ra ở cặp vợ chồng hoặc những người trong cùng gia đình. Nhiều nhà tâm thần học xem những hoang tưởng trong một nhóm người có thể gặp ở một vài hệ thống thờ cúng tôn giáo. Tuy nhiên, việc xác định chính xác giữa hoang tưởng và những niềm tin mãnh liệt ở những nền tôn giáo, chính trị hoặc các nhóm khác có tính truyền thống hiện nay đang bàn cãi.

Các hội chứng rối loạn tư duy:

Hội chứng paranoia: bao gồm các hoang tưởng nguyên phát, hệ thống hóa; không có rối loạn tri giác và hiện tượng tâm thần tự động.

Hội chứng paranoid: bao gồm hoang tưởng các loại: nguyên phát, thứ phát, hệ thống hóa và không hệ thống hóa; có ảo giác điển hình là ảo giác giả, cũng có thể có ảo giác thật; có các hiện tượng tâm thần tự động:

Ý tưởng tự động: ý nghĩ bị bộc lộ, bị đánh cắp hoặc do người khác làm sẵn, áp đặt vào bệnh nhân.

Cảm giác tự động: một siêu lực nào đó gây cho người bệnh các loại cảm giác.

Vận động tự động: cho rằng bên ngoài điều khiển vận động của mình, dùng tay chân của mình để cử động, dùng miệng mình để nói.

Hội chứng paraphrenia: là hội chứng dựa trên cơ sở paranoid với nội dung kỳ quái:

Nội dung khuếch đại với tính chất hưng cảm, thấy mình lên cung tiên, sống trong thế giới giàu sang.

Nội dung phủ định với tính chất trầm cảm: hoang tưởng hư vô, hội chứng cotard.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top