Thực tế cho thấy, các vụ bạo hành trẻ đều được phát hiện quá muộn, việc điều tra, lên án hành vi sai trái này đều xảy ra sau khi các vụ việc được đăng tải công khai hoặc cơ quan chức năng vào cuộc. Cần có các biện pháp nhằm ngăn ngừa và phát hiện sớm bạo hành trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ ề cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm tàng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Điều đau đớn là có những hành động bạo hành trẻ em đến từ chính cha mẹ, người trông nom trẻ, thậm chí trẻ có thể bị bạo hành bởi những đứa trẻ khác.
1. Các biểu hiện của sang chấn tâm lý ở trẻ
Khi trẻ bị sang chấn về tâm lý thường có những biểu hiện thay đổi về nhiều mặt, cha mẹ và những người xung quanh có thể nhận biết như:
Về thể chất: Trẻ có biểu hiện cảnh giác quá mức; trẻ dễ giật mình; mệt mỏi/ kiệt sức; ngủ không yên giấc; đau mỏi và đau đớn.
Về nhận thức: Trẻ thường có những suy nghĩ và ký ức về sự kiện (dù không muốn), hình dung về sự kiện, các cơn ác mộng, tập trung và trí nhớ kém, mất định hướng, nhầm lẫn.
Về hành vi: Trẻ thường né tránh những địa điểm và hoạt động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn, né tránh tiếp xúc hoặc cách ly về mặt xã hội, mất hứng thú trong các hoạt động thường nhật.
Về cảm xúc: Trẻ thường sợ hãi, tê liệt hoặc tách rời, trầm cảm, tội lỗi, tức giận và dễ bị kích động, lo âu và hoảng loạn.
Những phản ứng sau sang chấn thường gặp ở trẻ em như phản ứng của cơ thể, dễ bị tổn thương, sợ hãi, lo âu; rối loạn giấc ngủ, cảm giác tội lỗi/tự sỉ nhục; khó khăn trong việc tập trung; tức giận; buồn bã, thậm chí thoái lui phát triển...
2. Hệ lụy của sang chấn tâm lý do bạo hành
Sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ để lại những tác động, hậu quả lâu dài lên mọi mặt như thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần đối với trẻ.
Những tác động khủng khiếp này không chỉ đối với sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ em ở thời điểm hiện tại mà cả tương lai sau này. Trẻ em bị bạo hành có thể bị ám ảnh lâu dài nên các em không thể có một tuổi thơ lành mạnh và một cuộc sống sau này bình thường.
Các nghiên cứu về phôi học và nhi khoa đã tuyên bố rằng bộ não phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc trong giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ sơ sinh và trẻ em. Vì thế, việc lặp đi lặp lại tiếp xúc với các sự kiện không tốt như bạo hành kéo dài có thể ảnh hưởng đến phản ứng của não, làm cho nó phản ứng mạnh hơn và giảm khả năng thích ứng, gây ra các vấn đề như: Phát triển não bộ không thích hợp; sự mất cân bằng giữa các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức; giảm khả năng ngôn ngữ; giảm sút về thị giác, lời nói và thính giác; tăng nguy cơ bị bệnh tim, ung thư, bệnh phổi mạn tính, bệnh gan, béo phì, tăng huyết áp, mỡ máu, nồng độ protein C-reactive cao (làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ); hút thuốc, nghiện rượu và ma túy…
Trẻ em gặp phải sang chấn tâm lý, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, sự phát triển về mọi mặt từ thể chất sinh học đến khía cạnh tâm lý tinh thần như niềm tin, tự nhận thức, đạo đức, lòng tin, khả năng ứng phó, năng lực học tập, việc lựa chọn nghề nghiệp.
Thay lời kết
Sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ là một vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, trẻ cần được thăm khám và trị liệu tâm lý cũng như có những hình thức hỗ trợ kịp thời.
Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình lâu dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám và tư vấn bởi các chuyên gia. Tuyệt đối không dùng bạo lực để nuôi dạy con cái. Cha mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc và được tập huấn kỹ năng kỷ luật tích cực.
Cộng đồng xã hội và các đoàn thể cần chung tay để có các chương trình xã hội ngăn ngừa bạo hành đối với trẻ em.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh