✴️ Thiểu năng trí tuệ là gì?

Nội dung

Thiểu năng trí tuệ là gì?

Thiểu năng trí tuệ là một bệnh lý phát triển thần kinh khởi phát trong thời thơ ấu. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và lưu giữ thông tin mới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hành vi hàng ngày như kỹ năng xã hội và thói quen vệ sinh. Những người mắc bệnh này gặp phải những hạn chế đáng kể đối với hoạt động trí tuệ cũng như việc phát triển các kỹ năng sống và kỹ năng xã hội.

Bài kiểm tra IQ giúp xác định một người có bị thiểu năng trí tuệ hay không. Điểm IQ thấp hơn 70 thể hiện tình trạng thiểu năng trí tuệ. Mức độ nặng của bệnh có thể từ nhẹ đến rất nặng.

  • Thiểu năng trí tuệ nhẹ: Phần lớn những người bị thiểu năng trí tuệ ở dạng nhẹ đến trung bình. Họ có thể học thực hành các kỹ năng sống và hoạt động hàng ngày với sự hỗ trợ tối thiểu. Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào và phát triển các kỹ năng xã hội.

  • Thiểu năng trí tuệ nặng: Khi bị thiểu năng trí tuệ nặng, con bạn có thể bị chậm phát triển đáng kể. Các em cần được hỗ trợ nhiều hơn so với các bạn thiểu năng trí tuệ nhẹ và hạn chế về kỹ năng giao tiếp.

  • Thiểu năng trí tuệ rất nặng: Trẻ em bị thiểu năng trí tuệ rất nặng thường đặc biệt khó giao tiếp và khó thực hiện các hoạt động thể chất. Các em cũng có thể mắc các bệnh lý liên quan và thường được chăm sóc hỗ trợ toàn thời gian.

Trẻ em bị thiểu năng trí tuệ nhẹ có thể sống một cuộc sống đầy đủ chức năng với sự hỗ trợ thích hợp. Tuy nhiên, trẻ em thiểu năng trí tuệ nặng cần được hỗ trợ nhiều hơn và liên tục. Bệnh này từng được gọi là chậm phát triển trí tuệ, mang ý nghĩa tiêu cực trong xã hội và được thay thế bằng thiểu năng trí tuệ. Thuật ngữ này ít gây khó chịu hơn và thể hiện mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Thiểu năng trí tuệ là một trong những khuyết tật về phát triển thường gặp ở trẻ em. Ước tính có khoảng 6,5 triệu người Mỹ bị thiểu năng trí tuệ.

 

Các loại thiểu năng trí tuệ

Có nhiều bệnh lý thường được phân loại là thiểu năng trí tuệ. Một số phổ biến nhất gồm:

  • Hội chứng gãy nhiễm sắc thể X: Đây là một bệnh lý di truyền do đột biến ở nhiễm sắc thể X, cũng là dạng thiểu năng trí tuệ di truyền phổ biến nhất. Triệu chứng bao gồm các vấn đề về lời nói, về giác quan và các thay đổi về hành vi.

  • Hội chứng Down: Hội chứng Down là một trong những dạng thiểu năng trí tuệ phổ biến nhất. Bệnh lý này khiến một người phát triển thêm một nhiễm sắc thể làm thay đổi cách mà não và cơ thể phát triển. Những người mắc hội chứng Down có các đặc điểm thể chất riêng là dấu hiệu của bệnh này. Họ có thể có khuôn mặt và mũi phẳng, tai, bàn tay và bàn chân nhỏ, cổ ngắn và mắt xếch lên. Họ thường có chỉ số IQ thấp hơn mức trung bình và bị chậm phát triển.

  • Hội chứng Prader-Willi (PWS): Đây là một bệnh lý di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Đặc điểm chính của chứng rối loạn này là chứng ăn nhiều. Điều này khiến nhiều trẻ bị béo phì. Các triệu chứng khác bao gồm trương lực cơ yếu, các vấn đề về hành vi và chậm phát triển trí tuệ.

  • Các rối loạn thai nhi vì ảnh hưởng rượu (FASDs): Rối loạn thai nhi vì ảnh hưởng rượu chỉ đến một loạt các bệnh lý do lạm dụng rượu khi mang thai. Tuy nhiên, uống một lượng nhỏ rượu khi mang thai cũng có thể gây ra tình trạng này. Các triệu chứng phổ biến của FASDs bao gồm các vấn đề về thị giác hoặc thính giác, các đặc điểm bất thường trên khuôn mặt, chỉ sô IQ thấp và khó khăn về nhận thức.

  • Tự kỷ: Tự kỷ là một bệnh lý phát triển thần kinh gây ra những khó khăn về xã hội, hành vi và giao tiếp. Không rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuy nhiên, người ta nghi ngờ là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Một số triệu chứng thường gặp gồm không thể giao tiếp bằng mắt, thiếu quan tâm đến các tương tác xã hội, giao tiếp phi ngôn ngữ và các giác quan nhạy cảm hơn.

 

Triệu chứng thiểu năng trí tuệ

Các triệu chứng của thiểu năng trí tuệ thường sẽ bắt đầu xuất hiện ở thời thơ ấu. Trong một số trường hợp, những dấu hiệu này có thể chỉ biểu hiện về mặt thể chất. Bạn có thể nhận thấy con mình có đầu to hoặc nhỏ bất thường, bất thường ở bàn tay hoặc bàn chân hoặc những khác biệt về thể chất khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có những dấu hiệu thể chất này.

Trẻ em có cơ thể khỏe mạnh và bình thường cũng có thể bị thiểu năng trí tuệ. Trẻ bị thiểu năng trí tuệ nặng có thể xuất hiện các triệu chứng ở độ tuổi sớm hơn so với những trẻ ở dạng nhẹ hơn. Nếu bạn lo lắng con mình có thể bị thiểu năng trí tuệ thì đây là một số dấu hiệu ban đầu để nhận biết:

  • Khó nói;

  • Bắt đầu biết di chuyển xung quanh muộn hơn những trẻ khác;

  • Gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn đơn giản;

  • Gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng xã hội;

  • Các kĩ năng vận động chậm phát triển;

  • Động kinh;

  • Các cơn giận dữ;

  • Hành vi hung hang;

  • Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ;

  • Khó giải quyết các vấn đề;

  • Khó phát triển các kỹ năng xã hội;

  • Khó thể hiện cảm xúc;

  • Không thể thực hiện các hoạt động cá nhân như mặc quần áo hay đi tắm.

Triệu chứng thiểu năng trí tuệ

 

Chẩn đoán Thiểu năng trí tuệ

Để chẩn đoán thiểu năng trí tuệ phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Hoạt động trí tuệ hạn chế: Tiêu chí này thường được do bằng bài kiểm tra IQ. Điểm kiểm tra thấp hơn 70 thường là dấu hiệu của hoạt động trí tuệ hạn chế.

  • Kỹ năng thích ứng hạn chế: Một người thiểu năng trí tuệ sẽ gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội và kỹ năng thực tiễn cần thiết cho hoạt động hàng ngày, bao gồm các kỹ năng đọc hoặc viết, các kỹ năng xã hội như giao tiếp hoặc giải quyết vấn đề và các kỹ năng thực tiễn như ăn uống, đi bộ hoặc mặc quần áo.

  • Khởi phát các triệu chứng trước 18 tuổi: Thiểu năng trí tuệ thường bắt đầu trong thời thơ ấu. Mặc dù bệnh có mức độ nghiêm trọng nhưng có một số dấu hiệu ban đầu như chậm phát triển các kỹ năng vận động, gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, khó ghi nhớ và chậm nói.

Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20-35% người bị thiểu năng trí tuệ cũng có thể mắc phải các bệnh lý tâm thần khác như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra như:

  • Kiểm tra thần kinh như điện não đồ (EEG) hoặc chụp hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để xác định xem có bất kỳ bất thường nào trong não hay không;

  • Các xét nghiệm di truyền giúp xác định có rối loạn di truyền như hội chứng gãy nhiễm sắc thể X khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ hay không;

  • Các xét nghiệm tổng quát tùy thuộc vào các triệu chứng con bạn đang có;

  • Kiểm tra giáo dục đặc biệt;

  • Các xét nghiệm sàng lọc về sự phát triển để xác định mức độ hoạt động trí tuệ và xã hội của con bạn;

  • Sàng lọc trước sinh để xác định có bất kỳ bất thường về phát triển nào khi mẹ còn đang mang thai hay không;

  • Đánh giá thính lực trong trường hợp có vấn đề về thính giác là nguyên nhân dẫn đến suy giảm hoạt động trí tuệ chứ không phải do thiểu năng trí tuệ.

 

Nguyên nhân gây thiểu năng trí tuệ

Bất cứ điều gì cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ đều có thể gây thiểu năng trí tuệ. Có thể khó để xác định nguyên nhân cụ thể gây thiểu năng trí tuệ trong một số trường hợp. Những nguyên nhân phổ biến nhất gồm:

  • Biến chứng thai kỳ;

  • Di truyền;

  • Mắc bệnh thời thơ ấu ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ;

  • Các yếu tố môi trường như ô nhiễm;

  • Lạm dụng thể chất hoặc cảm xúc nghiêm trọng;

  • Suy dinh dưỡng;

  • Sinh non;

  • Bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down;

  • Chấn thương đầu.

 

Điều trị thiểu năng trí tuệ

Không có phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh thiểu năng trí tuệ. Đây là tình trạng kéo dài suốt đời nên sẽ cần được kiểm soát liên tục. Chìa khóa của việc điều trị đúng là can thiệp sớm. Chẩn đoán xác định và lên kế hoạch điều trị ngay khi bạn nhận thấy các triệu chứng ban đầu của thiểu năng trí tuệ là rất quan trọng.

Điều trị dưới hình thức hỗ trợ và chăm sóc giúp cải thiện hoạt động hàng ngày của người sống chung với tình trạng bệnh. Hiện nay chưa có cách chữa cho bệnh thiểu năng trí tuệ. Mục đích chính của việc điều trị là cải thiện hoạt động hàng ngày của người bệnh.

 

Đương đầu với bệnh thiểu năng trí tuệ

Cần nhớ rằng trẻ em bị thiểu năng trí tuệ cũng có nhu cầu như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Tạo điều kiện cho chúng ở cùng với bạn bè cùng trang lứa và cho chúng thường xuyên tham gia các hoạt động trẻ thơ là điều cần thiếu cho sự phát triển của trẻ. Cha mẹ của những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ thường cảm thấy cần phải giữ con tách biệt để bảo vệ chúng khỏi bị chế giễu hoặc bắt nạt. Tuy nhiên, điều này không giúp ích gì cho việc phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ.

Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, đây là một số điều bạn có thể làm để đảm bảo rằng con bạn đang sống một cuộc sống khỏe mạnh và đầy đủ chức năng:

  • Tham gia một nhóm trợ giúp: Một nhóm trợ giúp gồm cha mẹ và những người bị thiểu năng trí tuệ có thể cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy và hỗ trợ tinh thần.

  • Tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh: Nên dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình trạng mà con bạn đang đối mặt.

  • Đừng thúc giục quá trình điều trị: Thiểu năng trí tuệ là một tình trạng kéo dài suốt đời. Quá trình điều trị của con bạn có thể mất một thời gian dài trước khi bạn thấy bất kỳ tiến triển nào. Trong trường hợp nặng, đừng mong đợi con bạn có thể tiến bộ nhanh chóng.

  • Duy trì cuộc sống xã hội: Duy trì cuộc sống xã hội của con nếu con đã được chẩn đoán mắc bệnh. Cô lập con có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

  • Tham gia vào quá trình điều trị của trẻ: Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ tương tác với các chuyên gia để cải thiện các chức năng của mình. Việc bạn tham gia vào quá trình này rất cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top