✴️ Bệnh viêm đường tiết niệu uống kháng sinh gì an toàn?

1. Viêm đường tiết niệu và mức độ nguy hiểm của bệnh

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đường tiết niệu, chủ yếu ra do vi khuẩn gây ra. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm hoặc điều trị không dứt điểm sẽ dễ bị tái lại nhiều lần. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có cơ hội ngược dòng viêm lên niệu quản, đài bể thận và viêm cầu thận… gây suy thận mãn tính. Đồng thời, đường tiết niệu bị viêm nhiễm có nguy cơ gây tắc buồng trứng ở nữ giới và ung thư tuyến tiền liệt ở nam ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Biến chứng nguy hiểm nhất là tình trạng viêm tiết niệu mãn tính bị tái phát lại nhiều lần tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu làm nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Viêm đường tiết niệu nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm

 

2. Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm đường tiết niệu

– Cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân khiến đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Mỗi chủng vi khuẩn gây bệnh thường chỉ nhạy cảm với một số loại thuốc nhất định. Nếu sử dụng không đúng loại thuốc có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

– Tuân thủ liều lượng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

– Không nên sử dụng một đợt điều trị bằng kháng sinh quá 15 ngày. Trong trường hợp bị viêm mãn tính cần có thời gian nghỉ sau mỗi lần điều trị.

– Cần kiểm tra nước tiểu sau 24-48 giờ dùng thuốc. Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn thì cần đổi thuốc ngay để điều trị có hiệu quả.

– Điều trị ban đầu luôn dùng kháng sinh phổ rộng để phòng xảy ra tình trạng kháng thuốc.

– Nếu bệnh nhân sốt cao khoảng hơn 39°C, người rét run, bạch cầu tăng cao hơn nhiều lần cần được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch ngay từ đâu.

 

3. Viêm đường tiết niệu uống kháng sinh gì an toàn và hiệu quả?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, vi nấm vào cơ thể. Vì vậy, nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là phải tiêu diệt hoàn toàn được các tác nhân gây bệnh này. Căn cứ theo thể trạng và mức độ nghiêm trọng từng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh phù hợp để đạt kết quả điều trị tối ưu. Một số loại thuốc đó là:

 

3.1. Thuốc Nitrofurantoin:

Đây là một trong những loại thuốc kháng sinh đặc hiệu. Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp viêm tiết niệu không có biến chứng. Những dược chất trong Nitrofurantoin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bên trong niệu đạo. Đồng thời giúp cải thiện chứng tiểu buốt, tiểu nóng do bệnh lý gây ra. Bên cạnh đó thuốc còn hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh viêm đường tiết niệu.

Thuốc dạng uống dùng cho người trưởng thành. Liều dùng khi điều trị bệnh 100-200 mg/lần. Ngày 3-4 lần. Liều dùng ngăn ngừa tái phát 50-100mg/ ngày trước khi đi ngủ.

Tác gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng nôn mửa và tiêu chảy; ngứa và nổi mề đay trên da, đau nhức cơ thể và ảnh hưởng xấu đến gan và phổi…

 

3.2. Thuốc Ceftriaxone:

Ceftriaxone là một loại thuốc được sử dụng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Thuốc thường được định với các trường hợp viêm tiết niệu mức độ nặng. Vì thuốc được chuyển hóa và thải trừ ở gan, thận nên người bị suy gan, suy thận nặng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thuốc dạng tiêm. Người trưởng thành dùng 1-2g/ngày. Ngày tiêm 2 lần. Nếu viêm nặng có thể dùng lên 4g. Trẻ em dùng 50-75mg/kg cân nặng/ngày. Có thể chia làm 2 lần. Trẻ sơ sinh tiêm 50mg/kg/ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc: đau mỏi toàn thân, ngứa phát ban, ảnh hưởng trên đường tiêu hóa…

 

3.3. Thuốc Cephalexin:

Đây là một loại thuốc kháng sinh phổ biến, được dùng theo đường uống. Tác dụng của thuốc là ức chế, cản trở quá trình tạo vỏ tế bào của vi khuẩn, khiến chúng bị vỡ và chết đi.

Thuốc dạng uống. Người lớn dùng 250-500mg/lần; mỗi lần cách nhau 6 giờ. Dùng liên tục 7-10 ngày. Trẻ em trên 12 tuổi dùng 500mg/lần, uống 3 lần/ngày. Trẻ 5-12 tuổi dùng 250mg/lần. Ngày dùng 3 lần.

Tác dụng phụ của thuốc: khi uống, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác ngứa phát ban, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy nhẹ hoặc đôi khi bị ngứa âm đạo.

Cephalexin là kháng sinh thường dùng trong điều trị viêm đường tiết niệu

 

3.4. Thuốc Fosfomycin:

Đây là một loại thuốc đặc trị có có tác dụng tiêu diệt triệt để các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở niệu đạo. Cơ chế tác động của Fosfomycin dựa trên sự ức chế quá trình tổng hợp peptit polisaccarit ở thành tế bào. Từ đó, làm giảm nhanh chóng các triệu chứng do bệnh lý gây ra. Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng và đã xuất hiện biến chứng.

Thuốc dạng uống. Người trưởng thành dùng 4g sau mỗi 8 giờ. Trẻ em dùng 200-400mg/kg/ngày. Chia làm 2-3 lần uống.

Tác dụng phụ của thuốc: khi uống, người bệnh có thể bị đau đầu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và nôn. Đồng thời phải phải ngừng sử dụng thuốc ngay khi có biểu hiện vàng da.

 

3.5. Thuốc Domitazol:

Đây là thuốc trị viêm đường tiết niệu thuộc nhóm kháng khuẩn và ký sinh trùng. Thuốc được chỉ định cho những trường hợp viêm tiết niệu không có biến chứng.

Thuốc dạng uống. Người trưởng thành dùng 6-9 viên/ngày, chia 3 lần. Trẻ em sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc là gây rối loạn đường tiêu hóa, đi tiểu khó và nước tiểu có màu xanh.

 

3.6. Thuốc Trimethoprim:

Thuốc có khả năng ức chế Enzyme và quá trình phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh viêm đường tiết niệu.

Thuốc dùng được dạng uống và dạng tiêm. Dạng uống dùng 100g/lần. Ngày dùng 2 lần và duy trì trong 10 ngày. Dạng tiêm (hoặc truyền) dung 150-250 mg/lần. Mỗi lần cách nhau 12 giờ.

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc là chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ngứa phát ban. Hoặc có thể bị vàng da, thiếu máu, trầm cảm,…

 

3.7. Nhóm thuốc kháng sinh Fluoroquinolon

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp viêm đường tiết niệu ở mức độ nặng. Thuốc có tác dụng tiêu diệt tối đa các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở niệu đạo. Đây được coi là giải pháp cuối cùng nếu những loại thuốc khác điều trị không hiệu quả. Bởi những tác dụng phụ mà loại thuốc này mang lại tương đối nguy hiểm. Nó có thể làm tổn thương kéo dài hoặc mãi mãi hệ thần kinh trung ương và các dây thần kinh ngoại vi.

Nhóm thuốc kháng sinh Fluoroquinolon bao gồm Ofloxacin, Ciprofloxacin, Pefloxacin, Moxifloxacin, Lomefloxacin…

Thuốc dạng uống dùng cho người trưởng thành. Ofloxacin dùng 400 – 800mg/ngày, chia 2 lần. Ciprofloxacin dùng 0,5 – 1,5g/ngày, chia 2 lần. Pefloxacin: Dùng 800mg/ngày, chia 2 lần

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh muốn dùng bất cứ loại thuốc nào cần dựa theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 

4. Những lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh chữa viêm đường tiết niệu

– Tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có liệu trình điều trị phù hợp nhất.

– Không tự ý thay đổi phác đồ điều trị vì có thể cản trở quá trình điều trị và làm giảm tác dụng của thuốc. Thậm chí cổ thể làm tăng cơ hội kháng thuốc của vi khuẩn khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn và khó điều trị hơn.

– Nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ bất thường, người bệnh cần ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.

– Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng để làm giảm các triệu chứng tác dụng phụ của thuốc.

– Làm việc kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tạo cho cơ thể điều kiện tốt nhất để phục hồi.

Trên đây là những loại thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng mà cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để biết viêm đường tiết niệu uống kháng sinh gì an toàn và hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top