✴️ Điều trị viêm cầu thận – những điều bạn cần biết

1. Bệnh viêm cầu thận có chữa được không?

Bệnh viêm cầu thận khá nguy hiểm và phức tạp. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể thuyên giảm và khỏi hoàn toàn. Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần phải có chế độ ăn nhạt vì bệnh viêm cầu thận phụ thuộc vào chế độ ăn.

2. Nguyên tắc điều trị viêm cầu thận

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà lựa chọn thuốc hoặc phối hợp các thuốc với nhau.

  • Cần điều trị các ổ viêm ở đường mũi – họng và ngoài da.
  • Tất cả bệnh nhân viêm cầu thận đều phải được điều trị và theo dõi sát, đặc biệt khi bệnh ở giai đoạn cấp tính. Trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường bệnh trong 2 – 4 tuần để được theo dõi thường xuyên.
  • Bệnh nhân sau khi ra viện được theo dõi ít nhất là 1 năm để phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh trở thành mạn tính
  • Về chế độ ăn, hạn chế tuyệt đối muối trong 2 – 4 tuần, tùy theo mức độ thuyên giảm của bệnh. Bên cạnh đó cũng cần giảm lượng nước uống và ăn.
    • Bệnh nhân thiểu và vô niệu có tăng urê, creatinin máu: lượng nước vào 500 – 600 ml/ngày, muối 2g/ngày, protid 20g/ngày.
    • Bệnh thiểu niệu và vô niệu có phù, tăng huyết áp, urê và creatinin máu không tăng: muối 0,5 – 1g/ngày, protid 40g/ngày.

Điều trị viêm cầu thận (Nguồn: Internet)

3. Điều trị cụ thể bệnh viêm cầu thận

  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh khi còn tổn tại dấu hiệu nhiễm liên cầu. Penicillin 1.000.000IU/ngày x 10 ngày, có thể tiêm bắp hoặc uống. Có thể thay bằng Erythromycin 0,2 X 5 viên/ngày ở người lớn hoặc Tetracylin nếu dị ứng với Penicillin.
  • Thuốc chữa tăng huyết áp: Thuốc lợi tiểu Furosemid 1 – 2mg/kg/ngày, uống hoặc Reserpin 0,02 – 0,04mg/kg/ngày, uống. Tiêm tĩnh mạch nhanh Diazoxid 5mg/kg nếu có biến chứng. Nếu sau 20 phút không có kết quả, có thể tiêm nhắc lại.
  • Điều trị kéo dài trong những ngày sau, nên dùng Hydralazin hoặc propranolol 1mg/kg/lần/ngày, uống 2 – 3 lần.
  • Nếu có biểu hiện co giật, dùng thuốc chống co giật: Diazpam (Valium, Seduxen): 0,1 – 0,2 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm; Magnesie sulfat 10%: 0,3ml/kg, tiêm tĩnh mạch.
  • Với biểu hiện suy tim thì dùng Digoxin 0,25mg x 2 viên x 2 lần/ngày. Đối với trẻ em: 0,04mg/kg/ngày.
  • Các thuốc Corticoids: bao gồm Prednisolon, Methylprednisolon, sử dụng trong các thể tiến triển nhanh.
  • Uống bổ sung canxi.
  • Đối với bệnh nhân viêm cầu thận ở giai đoạn cuối, phương pháp điều trị lâu dài là ghép thận và chạy thận. Nếu không thể ghép thận do sức khỏe suy yếu, chạy thận là lựa chọn duy nhất.
  • Điều trị các biến chứng
    • Phù phổi: dùng Lasix liều cao có thể đến 200mg, tiêm tĩnh mạch, Uabain, thở oxy khi cần thiết.
    • Phù não: truyền glucose ưu trương, manitol. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Trong quá trình điều trị viêm cầu thận, người bệnh cần phải tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top