✴️ Dùng kháng sinh đường uống có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

Nội dung

Dùng kháng sinh đường uống có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

Theo các chuyên gia việc dùng kháng sinh đường uống làm tăng nguy cơ sỏi thận là do sự tương tác phức tạp của các loại thuốc kháng sinh với vi khuẩn đường tiết niệu hoặc đường ruột. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc phơi nhiễm với bất kỳ kháng sinh nào trong năm nhóm kháng sinh sau làm tăng đáng kể nguy cơ sỏi thận:

– Nhóm penicillin phổ rộng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận 27%.

– Kháng sinh nhóm sulfamid có liên quan đến nguy cơ tăng gấp đôi sỏi thận.

– Nhóm cephalosporin, fluoroquinolone và nitrofurantoin cũng có liên quan đến tăng nguy cơ sỏi thận.

Nguy cơ sỏi thận ở trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng các kháng sinh trên tăng đáng kể so với người lớn.

Sử dụng một số loại kháng sinh đường uống quá nhiều có thể dễ dẫn đến nguy cơ sỏi thận (ảnh minh họa)

 

Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ sỏi thận

Không chỉ do sự lạm dụng kháng sinh đường uống, sự lắng đọng của các chất khoáng trong nước tiểu làm nguy cơ sỏi thận tăng cao còn do một số nguyên nhân sau:

– Uống ít nước

– Người làm việc trong môi trường nắng nóng: do tiết nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận…

– Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều muối, đạm động vật, các thực phẩm chứa nhiều oxalate…

– Do lạm dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng hay thuốc bổ sung canxi…

– Người có tiền sử sỏi thận thì có nguy cơ tái phát lại sỏi thận cao hơn.

– Người mắc một số bệnh lý như bệnh chuyển hóa, bệnh rối loạn đường tiết niệu hoặc viêm ruột mạn tính…

Chế độ ăn uống không lành mạnh, uống không đủ nước và người có tiền sử sỏi thận… cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận (ảnh minh họa)

 

Phòng ngừa nguy cơ sỏi thận do dùng kháng sinh đường uống

Việc sử dụng kháng sinh đường uống có thể là một phần của của lý do tăng tỷ lệ sỏi thận. Vì thế cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ khi sử dụng kháng sinh đóng một vai trò quan trọng trong ngăn chặn tình trạng “kháng” kháng sinh và hạn chế nguy cơ gây sỏi thận.

Cùng với đó là việc duy trì chế độ ăn uống khoa học, điều độ như ăn đủ bữa, uống đủ nước, hạn chế các thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo, đạm động vật, các thực phẩm giàu oxalate… để hạn chế sự hình thành sỏi thận. Cùng với đó là chế độ sinh hoạt khoa học như tập thể dục thường xuyên, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, và khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và điều trị sỏi thận sớm và hiệu quả.

 

Các biện pháp điều trị sỏi thận

Tùy kích thước, vị trí sỏi thận mà có các biện pháp điều trị sỏi thận khác nhau như:

 

Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ

Phương pháp này áp dụng với sỏi thận dưới 2cm. Đây là phương pháp sử dụng máy tán sỏi phát ra tia laser hoặc sóng xung kích tập trung vào viên sỏi và phá bề mặt sỏi, tán vụn sỏi ra để sỏi có thể dễ dàng đào thải ra ngoài theo đường tiểu.

 

Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser

Phương pháp này áp dụng đối với sỏi thận lớn hơn 2cm, bằng cách tạo một đường hầm nhỏ, khoảng 5mm, đường hầm chạy từ ngoài da đi vào trong thận, hoặc vị trí có sỏi. Sau đó, dùng khí nén hoặc laser phá vỡ sỏi và hút sỏi nhỏ và vụn sỏi ra ngoài.

 

Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser

Kỹ thuật này thực hiện với sỏi thận mọi vị trí và kích thước, được thực hiện bằng việc đưa ống soi mềm qua đường tiểu lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận và tán vụn sỏi. Phương pháp này có thể áp dụng cho sỏi thận mọi vị trí và mọi kích thước.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top