Một số thay đổi trong lối sống có thể khiến nước tiểu đổi màu. Tuy nhiên khi quan sát thấy có nước tiểu có lẫn máu hay tiểu ra máu, tốt nhất nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
Tiểu ra máu là hiện tượng có máu trong nước tiểu. Máu này có thể đến từ thận, nơi sản xuất nước tiểu nhưng cũng có thể đến từ các cấu trúc khác trong đường tiết niệu, chẳng hạn như:
– Niệu quản (ống từ thận đến bàng quang)
– Bàng quang (nơi nước tiểu được lưu trữ)
– Niệu đạo (ống từ bàng quang ra bên ngoài của cơ thể)
Các triệu chứng xuất hiện kèm với hiện tượng tiểu ra máu
Nước tiểu bình thường có màu vàng rơm hoặc trong. Trên thực tế khi xảy ra hiện tượng tiểu ra máu, có thể quan sát thấy máu đỏ tươi trong nước tiểu, nhưng máu cũng có thể bị hòa tan, làm cho nước tiểu có màu hồng, màu gỉ sắt hoặc nâu.
Đôi khi máu trong nước tiểu không thể nhìn thấy bằng mắt thường và sự hiện diện của các tế bào máu đỏ chỉ có thể được phát hiện trong phòng thí nghiệm. Tình trạng này được các bác sĩ gọi là tiểu máu vi thể.
Tiểu ra máu có thể xảy ra mà không có bất cứ triệu chứng nào khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiểu ra máu có thể kết hợp với các triệu chứng khác từ vừa phải đến nặng.
– Viêm bàng quang cấp tính: ở người lớn, viêm bàng quang cấp tính thường gây rát hoặc đau khi đi tiểu. Trẻ sơ sinh bị viêm bàng quang cấp tính có nguy cơ bị sốt, cáu kỉnh và kém ăn. Trẻ lớn hơn có thể bị sốt, đau và rát khi đi tiểu, đau bụng dưới.
– Viêm bể thận: các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, đau ở vùng mạn sườn.
– Sỏi thận: ngoài tiểu ra máu, người bệnh có thể cảm thấy đau bụng hoặc đau vùng chậu dữ dội.
– Bệnh thận: các triệu chứng kèm theo bao gồm mệt mỏi, tăng huyết áp, cơ thể sưng, bao gồm cả bọng quanh mắt.
Nguyên nhân thường gặp dẫn tới tình trạng tiểu ra máu bao gồm:
– Viêm bàng quang hoặc viêm thận
– Sỏi ở thận hoặc bàng quang
– Một số bệnh về thận, chẳng hạn như viêm bể thận
– Một số bệnh về tuyến tiền liệt như tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hay ung thư tuyến tiền liệt
– Các bệnh di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh thận đa nang
– Ảnh hưởng của một số thuốc như aspirin, penicillin, heparin, cyclophosphamide, và -phenazopyridine
– Có khối u trong bàng quang, thận hay tuyến tiền liệt
– Có chấn thương ở thận do tai nạn hay thể thao
Đôi khi màu đỏ trong nước tiểu thực tế là sắc tố màu đỏ từ thuốc nhuộm thực phẩm, thuốc men hoặc ăn quá nhiều củ cải đỏ.
Việc điều trị tiểu ra máu nhằm vào các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra lại để xác định xem nước tiểu còn lẫn máu nữa hay không. Nếu vẫn có máu lẫn trong nước tiểu, bác sĩ sẽ chỉ định thăm khám thêm.
Thông thường, điều trị là không cần thiết trừ khi tiểu máu là do một tình trạng nghiêm trọng nào đó gây ra.
Nếu không có nguyên nhân tiềm ẩn được tìm thấy trong quá trình đánh giá ban đầu, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp định kỳ 3 – 6 tháng/lần, đặc biệt là những đối tượng có các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang như từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với một số loại hóa chất công nghiệp nhất định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh