Mối liên hệ giữa đường bổ sung và bệnh sỏi thận

Nghiên cứu mới dựa trên phân tích có hệ thống dữ liệu tự báo cáo từ 28.303 người trưởng thành về tiền sử sỏi thận và lượng đường bổ sung hàng ngày được thu thập từ năm 2007 đến 2018 trong Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NHANES). Kết quả cho thấy rằng việc hạn chế lượng đường bổ sung có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.

Mối liên hệ giữa đường bổ sung và bệnh sỏi thận

Sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và lối sống, dữ liệu nghiên cứu đã chứng minh rằng những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ hơn 25% tổng năng lượng từ đường bổ sung sẽ có tỷ lệ phát triển sỏi thận cao hơn 88% so với những người tiêu thụ dưới 5% tổng năng lượng từ đường bổ sung. Tổng lượng đường bổ sung trung bình cho những người tham gia nghiên cứu là khoảng 270 calo, tương đương khoảng 13,2% tổng lượng calo hàng ngày.

Lối sống và các yếu tố nguy cơ được xem xét trong nghiên cứu bao gồm:

  • giới tính
  • tuổi
  • sắc tộc
  • chỉ số khối cơ thể (BMI)
  • tình trạng hút thuốc
  • tiền sử bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu nhận thấy người Mỹ bản địa hoặc người châu Á có tỷ lệ phát triển bệnh sỏi thận cao hơn khi tiếp xúc với lượng đường bổ sung lớn hơn mức trung bình so với người Mỹ gốc Mexico, người gốc Tây Ban Nha khác, người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và người da đen không phải gốc Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, những người có thu nhập thấp cũng cho thấy tỷ lệ phát triển sỏi thận cao hơn.

 

Cơ chế của việc ăn thêm đường góp phần phát triển bệnh sỏi thận

Chế độ ăn nhiều đường bổ sung có thể làm tăng nồng độ một số chất trong nước tiểu, chẳng hạn như oxalate và canxi, là những thành phần chính của sỏi thận. Khi các chất này cô đặc trong nước tiểu, chúng có thể kết tinh và tạo thành sỏi trong thận hoặc đường tiết niệu. Bên cạnh đó việc ăn quá nhiều đường cũng có thể khiến nước tiểu có tính axit cao và là môi trường thuận lợi để hình thành sỏi axit uric.

 

Làm thế nào để giảm lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống của bạn?

Kiểm tra nhãn dinh dưỡng

Các chuyên gia nói rằng hãy kiểm tra nhãn dinh dưỡng của bạn để biết tổng số gam đường bổ sung. Bạn hãy chú ý đến danh sách thành phần và tìm đường bổ sung trong các sản phẩm, cố gắng tránh đường trong 3 - 5 thành phần đầu tiên. Bạn hãy lưu ý đến các tên gọi khác nhau của đường bổ sung, chẳng hạn như sucrose, siro ngô có hàm lượng fructose cao, dextrose và maltose. Sau khi biết mình đang tiêu thụ bao nhiêu, bạn có thể so sánh con số này với các hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).

Thêm đồ ăn nhẹ lành mạnh vào chế độ ăn

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ưu tiên thực phẩm toàn phần trong các bữa ăn nhẹ giữa buổi để giảm tiếp xúc với đường bổ sung. Việc tăng lượng thức ăn có vị ngọt tự nhiên như trái cây không chỉ giúp giảm lượng đường bổ sung tổng thể mà còn cung cấp cho cơ thể bạn chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật.

Những thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến như: trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt nói chung sẽ chứa đường tự nhiên và là những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho thực phẩm chế biến sẵn thường có thêm đường bổ sung. Trái cây, quế và bột vani hoặc chiết xuất của những thực phẩm này là những cách tuyệt vời để tạo vị ngọt cho những món ăn của bạn một cách tự nhiên.

Hạn chế đồ uống có đường

Bạn nên cắt giảm đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây và trà ngọt. Thay vào đó, bạn hãy chọn nước lọc, trà thảo mộc không đường để bù nước cho cơ thể. Nếu bạn thích nước trái cây, hãy thử pha loãng chúng với nước để giảm nồng độ đường.

Bạn bạn hãy uống một cốc nước lớn trước khi thèm thứ gì đó ngọt (như nước trái cây) và xem liệu cơn thèm có qua đi hay không. Nếu cảm giác thèm ăn không qua đi, hãy thử ăn một phần nhỏ thứ gì đó ngọt ngào và thực sự dành thời gian nếm thử cũng như thưởng thức nó.

Hãy chú ý đến gia vị và nước sốt

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết nhiều loại gia vị và nước sốt, chẳng hạn như nước sốt cà chua, nước sốt thịt nướng và nước sốt salad, có thể chứa đường bổ sung ẩn. Hãy tìm các sản phẩm thay thế ít đường, không đường hoặc tự làm nước sốt ở nhà. Việc chuẩn bị bữa ăn tại nhà cho phép bạn kiểm soát các thành phần và lượng đường thêm vào trong các món ăn của mình. Bạn có thể thử nghiệm sử dụng các chất làm ngọt tự nhiên như mật ong, quả chà là ở mức độ vừa phải.

 

Những cách khác để giảm nguy cơ sỏi thận

Ngoài việc tăng lượng nước uống vào và giảm lượng muối như được giải thích dưới đây, các chuyên gia cũng gợi ý cho bạn một số cách sau:

  • giảm nguy cơ béo phì (là một yếu tố nguy cơ gây sỏi thận) bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua việc tăng cường hoạt động thể chất
  • bổ sung canxi theo đúng khuyến nghị hàng ngày để giúp ngăn ngừa sỏi thận

Chú trọng đến việc uống nước hàng ngày

Nước không chỉ cần thiết cho việc giúp kiềm chế cơn thèm đường mà theo khảo sát trên nhiều bệnh nhân thì lý do chính khiến nhiều người trong số họ phát triển bệnh sỏi thận là do không uống đủ nước. Nước là một thành phần quan trọng để ngăn ngừa sỏi thận vì nó giúp pha loãng nước tiểu và ngăn ngừa nồng độ các chất có thể hình thành sỏi. Để ngăn ngừa sỏi thận, bạn  nên uống 3 lít nước mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và trọng lượng cơ thể của bạn.

Làm thế nào để tập thói quen uống nhiều nước hơn?

Bạn nên biến việc uống nước thành một “thói quen” lành mạnh mà mình có thể thực hiện hàng ngày. Ví dụ, hầu hết chúng ta đều đánh răng vào buổi sáng, hãy để một chiếc cốc trong phòng tắm và tự động uống một cốc nước đầy trước khi đánh răng. Bạn nên mang theo một chai nước bên cạnh bạn cả ngày để làm tăng cơ hội bạn uống thêm nước trong ngày. Nếu bạn luôn mang theo một chai nước bên mình mọi lúc mọi nơi và nếu việc uống nước là một thách thức cần nhớ, hãy thử sử dụng ứng dụng nhắc nhở uống nước để bắt đầu hình thành thói quen uống nước.

Giảm lượng natri (muối bổ sung) của bạn

Chế độ ăn nhiều natri dẫn đến việc canxi được lấy từ xương của bạn và tập trung trong nước tiểu. Canxi trong nước tiểu có khả năng cao kết hợp với các hợp chất khác để tạo thành sỏi. Vì vậy, một cách khác để giảm sự hình thành sỏi thận là giảm lượng natri nạp vào cơ thể. Các hướng dẫn về natri của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ - AHA khuyến nghị bạn không nên ăn quá 2.300 mg Natri mỗi ngày, nhưng lý tưởng là không quá 1.500 mg.

Làm thế nào để giảm tổng lượng muối ăn vào?

Bạn có thể giảm lượng natri nạp vào bằng cách lấy lọ muối ra khỏi bàn trước. Sau đó, bạn nên đánh giá lượng muối bạn đang tiêu thụ. Bạn nên kiểm tra hàm lượng natri trên nhãn thực phẩm xem thành phần natri đứng ở vị trí thứ bao nhiêu, có gần với thông tin về năng lượng của sản phẩm hay không để kiểm tra xem thực phẩm có hàm lượng natri cao hay thấp. Hãy cố gắng tìm những sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn và nhớ rằng, hầu hết các loại thực phẩm đóng gói sẵn, đồ ăn vặt, thịt chế biến sẵn đều có lượng natri cao.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng đường và muối là các gia vị và có thể mất một thời gian để vị giác của bạn điều chỉnh theo các hương vị khác nhau. Bạn có thể bắt đầu bằng cách giảm dần lượng đường bạn thêm vào cà phê, trà hoặc ngũ cốc. Theo thời gian, vị giác của bạn sẽ điều chỉnh và bạn có thể thấy rằng mình cần ít đường hơn để thỏa mãn cảm giác thèm ăn của mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top