✴️ Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có bọt

Nội dung

Có thể là do bàng quang đầy và nước tiểu chảy xuống bồn cầu với tốc độ nhanh đủ để khuấy động nước. Tuy nhiên, nếu thường xuyên như thế, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhânNgoài ra, nếu nước tiểu có bọt kèm theo các triệu chứng bất thường khác, nên đi khám bác sĩ.

 

Nguyên nhân nào gây nước tiểu có bọt

Trường hợp lượng nước tiểu lớn với dòng nước tiểu mạnh có thể tạo nhiều bọt. Tuy nhiên chúng chỉ mang tính tạm thời. Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất hữu cơ được gọi là chất hoạt động bề mặt (Surface active agent) cũng có thể gây sủi bọt.

Chất hoạt động bề mặt được dùng giảm sức căng bề mặt của một chất lỏng bằng cách làm giảm sức căng bề mặt tại bề mặt tiếp xúc (interface) của hai chất lỏng. Nếu có nhiều hơn hai chất lỏng không hòa tan thì chất hoạt hóa bề mặt làm tăng diện tích tiếp xúc giữa hai chất lỏng đó. Khi hòa chất hoạt hóa bề mặt vào trong một chất lỏng thì các phân tử của chất hoạt hóa bề mặt có xu hướng tạo đám (micelle, được dịch là mixen), nồng độ mà tại đó các phân tử bắt đầu tạo đám được gọi là nồng độ tạo đám tới hạn.

Chất hoạt động bề mặt khuếch tán trong nước và chứa cả hai đầu ưa nước và kỵ nước có thể giúp giữ các bóng khí trên bề mặt chất lỏng, tạo ra các bong bóng.

Xà phòng có chứa các chất hoạt động bề mặt này. Do đó, sự có mặt của xà phòng hoặc các sản phẩm tẩy rửa khác trong nước vệ sinh cũng có thể khiến nước tiểu của có bọt.

Tuy nhiên, một số bệnh lý cũng có thể dẫn đến nước tiểu sủi bọt hoặc sủi bọt.

 

Mất nước

Nếu bị mất nước, nước tiểu có thể sẫm màu hơn và cô đặc hơn bình thường do không có đủ lượng nước để làm loãng các chất trong nước tiểu trong đó có protein.

Theo một đánh giá năm 2019, protein có đặc tính hoạt động bề mặt và khi xuất hiện với nồng độ lớn hơn có thể khiến nước tiểu sủi bọt.

Nếu một người thường xuyên thấy nước tiểu có bọt, ngay cả khi đã uống đủ nước, thì có thể là một triệu chứng của tình trạng protein niệu (protein trong nước tiểu). Đây có thể là một triệu chứng ban đầu của bệnh thận.

Bệnh thận

Một số phân tích cho thấy, nếu một người bị tổn thương hoặc mắc bệnh về thận, các protein trong máu có thể bị lọt ra khỏi màng lọc thận vào nước tiểu.

Albumin là một loại protein có trong máu. Khi thận không thực hiện đầy đủ chức năng  bình thường khiến cho một lượng lớn protein này đi vào nước tiểu. Sự hiện diện của albumin trong nước tiểu được gọi là albumin niệu. Nếu nước tiểu liên tục có bọt, điều đó có thể cho thấy có protein niệu.

Một số triệu chứng khác của bệnh thận có thể bao gồm:

  • Ngứa da
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Sưng phù các chi
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Nôn mửa

Nếu có những triệu chứng này và tiền sử gia đình mắc bệnh thận, cao huyết áp hoặc tiểu đường, nên liên hệ với bác sĩ để kiểm tra sớm.

 

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường và một số nguyên nhân khác gây ra lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến lượng albumin đi qua thận cao hơn. Điều này có thể dẫn đến nước tiểu có bọt.

Bệnh thận do tiểu đường là một biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng tổn thương vi mạch của thận (mạch máu nhỏ) và hệ thống lọc do bệnh thận do tiểu đường có thể khiến cho các protein đi vào nước tiểu.

Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Mờ mắt
  • Khô miệng
  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Đói
  • Ngứa da
  • Mệt mỏi kéo dài

 

Chẩn đoán

Theo một số nghiên cứu cho thấy, không có đánh giá khách quan nào về tình trạng nước tiểu có bọt chỉ ra một tình trạng bệnh lý cụ thể.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân của nước tiểu có bọt bằng cách xét nghiệm nước tiểu để xác định xem nồng độ protein có cao hay không. Phương pháp thường được chỉ định có thể là xét nghiệm nước tiểu thường quy hoặc xét nghiệm nước tiểu 24 giờ.

Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu còn có thể đánh giá được lượng albumin và creatinine, từ đó giúp bác sĩ có thể chẩn đoán được các tình trạng bệnh lý hiện tại.

Theo một số hướng dẫn, nếu tỷ lệ albumin-trên-creatinine (ACR), chỉ số này giúp phản ánh chính xác hơn lượng albumin bị đào thải ra nước tiểu, được sử dụng để sàng lọc bệnh thận trong đái tháo đường và huyết áp cao

Ngoài ra, để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm thận để khảo sát, đánh giá cấu trúc và tình trạng tổng quan.

 

Điều trị

Các phương pháp điều trị cho nước tiểu có bọt phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản.

Nếu nguyên nhân do mất nước, nên uống nhiều nước hơn cho đến khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như trong suốt.

Nếu bệnh tiểu đường là nguyên nhân cơ bản, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống hoặc chỉ định sử dụng insulin đường tiêm để giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để đảm bảo rằng chỉ số này nằm trong phạm vi an toàn.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho những người bị bệnh thận giai đoạn đầu, đồng thời khuyến nghị nên thay đổi lối sống lành mạnh hơn chẳng hạn như:

  • Thực hiện ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít natri
  • Kiểm soát huyết áp cao
  • Kiểm soát lượng đường trong máu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc

Những người bị bệnh thận nặng hoặc thận hoạt động kém có thể phải lọc máu.

 

Tóm lược

Nếu phát hiện nước tiểu có bọt, trước tiên nên xem xét các nguyên nhân có thể xảy ra nhất bao gồm đi tiểu với dòng nước tiểu mạnh, lượng nước tiểu nhiều, cơ thể mất nước hay có xà phòng hoặc sản phẩm tẩy rửa khác trong bồn cầu.

Tuy nhiên, nếu nước tiểu có bọt đi kèm với các triệu chứng khác hoặc xuất hiện trong thời gian dài nên đi khám bác sĩ để được đánh giá thêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top