✴️ Nhận biết và ứng phó với sỏi tiết niệu gây đau quặn thận

Nội dung

Nguyên nhân sỏi tiết niệu gây đau quặn thận

Sự tích tụ lâu ngày của các khoáng chất có trong nước tiểu dẫn đến sự hình thành sỏi tiết niệu (ảnh minh họa)

Sỏi tiết niệu là những lắng đọng, kết tinh của các chất có trong nước tiểu thành những tinh thể rắn.

Những cơn đau quặn thận thường do sự di chuyển của sỏi thận xuống niệu quản, sỏi có thể mắc kẹt tại niệu quản làm tắc đường tiểu, ứ đọng nước tiểu, từ đó làm tăng áp lực trong đài – bể thận, gây ra những tổn thương niệu quản với biểu hiện là tiểu ra máu.

 

Nhận biết cơn đau quặn thận

Có thể nhận biết những cơn đau quặn thận như sau:

 

Vị trí của cơn đau

Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí và sự di chuyển của sỏi.

Sỏi niệu quản gây ra những cơn đau quặn bụng dưới một bên hoặc hai bên (nếu sỏi ở cả hai bên thận), vùng hố thắt lưng. Đau có thể lan ra sau lưng và lan ra phía trước vùng hạ sườn phải hoặc hạ sườn trái, lan xuống bẹn, vùng sinh dục ngoài.

Sỏi niệu quản gây ra những cơn đau quặn bụng dưới một bên hoặc hai bên. Đau có thể lan ra sau lưng và lan ra phía trước vùng hạ sườn phải hoặc hạ sườn trái và lan xuống vùng sinh dục ngoài (ảnh minh họa)

 

Mức độ đau

Người bệnh có thể đau dữ dội, đau như cắt, đau đến tái mặt, toát mồ hôi… Những cơn đau thường kéo dài hơn vài chục phút, đôi khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn trong vài giờ. Đau có thể kèm sốt, ớn lạnh.

 

Đau kèm những bất thường ở nước tiểu

Những cơn đau quặn thận có thể kèm theo tiểu dắt, tiểu buốt, có thể tiểu ra máu: tiểu ra máu đại thể (mắt thường nhìn thấy màu nước tiểu đỏ) hoặc đái máu vi thể (khi xét nghiệm nước tiểu sỏi dưới kính hiển vi, thấy hồng cầu).

 

Đau thường xuất hiện khi vận động mạnh

Những cơn đau quặn thận thường xuất hiện đột ngột sau khi chơi thể thao, chạy, nhảy hoặc lao động nặng hay đi ô tô hoặc xe máy, xe đạp một quãng đường xa, đường gồ ghề xóc nhiều.

 

Xử trí những cơn đau quặn thận

Khi có những cơn đau quặn thận, cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Sau khi cấp cứu và xác định bệnh sẽ được chỉ định điều trị theo nguyên nhân và triệu chứng đau.

Với bệnh sỏi tiết niệu để điều trị triệt để cơn đau quặn thận người bệnh cần can thiệp ngoại khoa không xâm lấn hoặc ít xâm lấn, hầu như không gây đau, thời gian phục hồi nhanh mà không gây ảnh hưởng đến chức năng thận như:

– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ: Phương pháp này áp dụng đối với sỏi thận dưới 2cm, sỏi niệu quản 1/3 trên và nhỏ hơn 1,5cm.

– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser: Áp dụng với sỏi thận lớn hơn 2cm và sỏi niệu quản 1/3 trên và lớn hơn 1,5 cm.

– Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser: Đối với sỏi thận mọi vị trí, mọi kích thước.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Kỹ thuật này chỉ định với sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 dưới hay đối với sỏi bàng quang lớn hơn và nhỏ hơn 1cm nhưng không thể ra ngoài theo đường tiểu.

 

Những lưu ý trong phòng ngừa sỏi tiết niệu

Để tránh không mắc bệnh sỏi đường tiết niệu cần lưu ý những điều sau:

– Uống nhiều nước, không nên nhịn tiểu, tránh ngồi lâu, tránh ăn quá nhiều đồ ăn mặn, chất béo, đạm động vật…

– Cần vận động cơ thể đều đặn hằng ngày tùy theo điều kiện của từng người nhằm giúp thận bài tiết nước tiểu đều đặn, tránh ứ đọng gây sỏi.

– Ngoài ra, cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý về sỏi tiết niệu. Nếu mắc bệnh sỏi đường tiết niệu thì người bệnh cần tích cực điều trị để bệnh chóng khỏi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top