✴️ Những nguy hiểm từ sỏi bàng quang bạn chớ chủ quan

Nội dung

Sỏi bàng quang hình thành như thế nào?

Ứ đọng nước tiểu trong bàng quang là một trong những nguyên nhân gây sỏi bàng quang (ảnh minh họa)

Sự hình thành sỏi chủ yếu là do hiện tượng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang. Thành phần hóa học của sỏi là calci và amoni magie photphat hoặc photphat calci nếu sỏi bị giữ lại bàng quang lâu. Sỏi bàng quang có thể chia làm 2 loại:

– Sỏi từ hệ tiết niệu trên (thận, niệu quản) rơi xuống.

– Sỏi sinh ra tại bàng quang: do dị vật như chỉ khâu, mảnh đạn, đầu sonde do quá trình ứ đọng nước tiểu ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, túi thừa bàng quang, túi thừa niệu đạo.

 

Những nguy hiểm từ sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang thường tròn, ít khi xù xì góc cạnh, có thể bé như hạt ngô, cũng có thể to hơn. Sỏi thường nằm ở đáy bàng quang, di chuyển theo tư thế của bệnh nhân. Sỏi nằm lâu trong bàng quang có thể dẫn đến những nguy hiểm như:

 

Viêm nhiễm bàng quang

Sỏi bàng quang làm niêm mạc bàng quang bị tổn thương viêm đỏ và sưng nề, đồng thời sự co bóp của thành bàng quang khiến các viên sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm loét niêm mạc bàng quang, viêm hở ở lớp cơ và lớp mỡ quanh bàng quang… Tình trạng này kéo dài khiến bàng quang bị thu nhỏ, dung tích sức chứa giảm và làm giảm khả năng bài tiết của toàn bộ hệ tiết niệu.

Khi bị viêm nhiễm bàng quang do sỏi, bệnh nhân sẽ bị tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu đục, tiểu ra máu, đặc biệt là cuối bãi.

 

Viêm thận và suy thận

Viêm nhiễm bàng quang lâu ngày sẽ dẫn đến teo bàng quang, rò bàng quang và gây nên tình trạng nhiễm khuẩn ngược dòng, suy thận. Với biến chứng này bệnh nhân thậm chí phải sử dụng những phương pháp điều trị tốn kém như chạy thận, ghép thận để duy trì sự sống.

Viêm nhiễm bàng quang do sỏi lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận, bệnh nhân lúc này phải dùng đến những biện pháp tốn kém như chạy thận, ghép thận để duy trì chức năng thận (ảnh minh họa)

 

Điều trị sỏi bàng quang như thế nào?

Chẩn đoán sỏi bàng quang

Bệnh nhân cần làm thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, siêu âm và một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu để bác sĩ biết được chính xác số lượng, hình dáng, kích thước viên sỏi và một số nguyên nhân gây sỏi như hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang… để có biện pháp điều trị phù hợp.

 

Điều trị sỏi bàng quang

Trước kia điều trị sỏi bàng quang bệnh nhân phải chấp nhận mổ mở với vết mổ dài, thường gây đau đớn mà thời gian phục hồi lâu. Hiện nay, với công nghệ tán sỏi hiện đại người bệnh có thể sạch sỏi hiệu quả, ít gây đau đớn, an toàn và thời gian hồi phục nhanh.

Đối với bệnh lý sỏi bàng quang, phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser đang được áp dụng rất thành công. Phương pháp này giúp bệnh nhân sạch sỏi mà không đau, không vết mổ và bệnh nhân có thể ra viện sau 24h.

Tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp bác sĩ đưa ống nội soi vào cơ thể qua đường tự nhiên của cơ thể (đường tiểu) đến vị trí có sỏi rồi luồn dây dẫn tia laser đến sỏi (cách sỏi 1mm) để bắn vào viên sỏi. Tùy theo độ cứng của sỏi mà bác sĩ sẽ dùng tia laser cường độ lớn hay nhỏ bắn vào viên sỏi, sỏi sau khi tán vỡ sẽ theo nước tiểu đi ra ngoài, nếu mảnh sỏi lớn hơn 3mm thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ (rọ hoặc kìm gắp sỏi) để đưa sỏi ra ngoài.

Phương pháp này được chỉ định cho sỏi bàng quang >1 và <1cm nhưng không thể ra ngoài theo đường tiểu. Do đây là phương pháp sử dụng ống nội soi mềm đưa vào vị trí có sỏi theo đường tiểu nên phương pháp này không áp dụng với bệnh nhân có hẹp niệu đạo, hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi, bệnh nhân có rối loạn đông máu…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top