✴️ Những phương pháp chữa sỏi tiết niệu hiệu quả nhất

Sỏi có thể xuất hiện ở mọi cơ quan thuộc hệ tiết niệu

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?

Sỏi được hình thành do sự lắng cặn của những chất thải, muối khoáng không hòa tan. Trải qua thời gian dài, những lắng cặn này sẽ kết tinh tạo thành chấm nhỏ, rồi lớn lên và tạo thành sỏi.

Cấu tạo hệ tiết niệu bao gồm thận trái, thận phải, niệu quản 2 bên, xuống dưới là bàng quang và ở cuối là niệu đạo. Khi sỏi có mặt ở bất cứ cơ quan nào trong hệ tiết niệu thì gọi là sỏi tiết niệu. Theo đó, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Sỏi tiết niệu ở giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng gì cụ thể, tuy nhiên sỏi để lâu có thể gây nên những đau đớn và biến chứng nặng nề. Đầu tiên là những cơn đau lưng, lan xuống vùng dưới khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản. Sỏi cũng có thể cọ xát gây nên những vết thương trong hệ tiết niệu. Lâu dần không chữa trị, sỏi gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như sau:

Sỏi cọ xát lâu vào niêm mạc sẽ gây nên chảy máu, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sỏi bị kẹt tại niệu quản hoặc bàng quang sẽ gây tiểu rắt, tiểu buốt, bí đái, có thể vô niệu.

Nước tiểu không ra ngoài được sẽ gây nên hiện tượng thận ứ nước, giãn đài bể thận, về lâu dài chức năng thận sẽ suy giảm, bệnh nhân bị suy thận cấp và mạn, thậm chí vỡ thận.

Do đó, sỏi tiết niệu cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh những hiểm họa nặng nề đối với sức khỏe người bệnh.

 

Các phương pháp chữa sỏi tiết niệu

Chữa sỏi tiết niệu bằng phương pháp gì phải dựa vào tình trạng, kích thước, vị trí của sỏi để có lựa chọn phù hợp nhất. Thông thường, sỏi tiết niệu có thể dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa bằng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao.

Chữa sỏi tiết niệu kích thước bé, đường tiết niệu thông thoáng

Chữa nội khoa kết hợp uống nước: Đây là phương pháp dành cho những viên sỏi nhỏ dưới 5mm, đồng thời bệnh nhân không bị hẹp niệu quản hay niệu đạo. Uống nhiều nước sạch được xem là điều kiện tiên quyết nếu bạn muốn loại bỏ sỏi tiết niệu ra khỏi cơ thể, bạn cần bổ sung ít nhất là 2 -3 lít nước mỗi ngày.

Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho bạn những loại thuốc thuộc các nhóm giãn cơ, nhóm giảm đau, nhóm chống viêm để kết hợp đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên. Đồng thời, bệnh nhân phải chú ý chế độ ăn uống để không làm gia tăng nguy cơ tạo sỏi.

Chữa sỏi tiết niệu kích thước lớn, có triệu chứng rõ rệt

Khi sỏi tiết niệu đã gây nên những cơn quặn thận, đau buốt do sỏi cọ xát, tiểu ra máu… thì khi đó, viên sỏi đã lớn, rắn và không thể ra ngoài theo dòng nước tiểu được nữa. Khi đó, chúng ta sẽ sử dụng các phương pháp ngoại khoa để can thiệp mang sỏi ra ngoài.

Những phương pháp tán sỏi công nghệ cao được ứng dụng mang lại hiệu quả cao mà lại giảm thiểu được đau đớn cho bệnh nhân. Cụ thể là:

Tán sỏi ngoài cơ thể: Một giải pháp rất hiệu quả dành cho bệnh nhân mắc sỏi thận với kích thước bé hơn 2cm hoặc sỏi niệu quản ⅓ trên bé hơn 1.5cm và sát bể thận. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, không nằm viện vì chỉ mất 30 – 35 phút điều trị, tán xong là bệnh nhân được về nhà ngay.

Tán sỏi qua da với tên gọi đầy đủ là tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ: Những viên sỏi thận có kích thước lớn, rắn từ 2cm trở lên, thậm chị là chục cm hay sỏi niệu quản ⅓ trên lớn hơn 1.5cm thì tán sỏi qua da là một lựa chọn tối ưu. Bệnh nhân không phải mở mở đau đớn mà chỉ cần  mở một vết trích bé xíu bằng đầu bút bi trên lưng để đưa ống nội soi vào tán vỡ sỏi. Sau 3 – 5 ngày là bệnh nhân có thể hoàn toàn khỏe mạnh và trở lại với cuộc sống thường nhật.

Tán sỏi nội soi ngược dòng: Trên gọi đầy đủ là tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Với những viên sỏi ở bàng quang hay sỏi niệu quản ⅓ dưới và giữa thì đây là một phương pháp rất hiệu quả. Ống nội soi sẽ đi vào từ niệu đạo, lên bàng quang và xác định chính xác vị trí của sỏi, dùng năng lượng laser cực lớn để bắn vỡ sỏi và tiến hành bơm hút sỏi ra ngoài. Người bệnh không có bất cứ vết mổ nào, ít đau và chỉ sau 24h là có thể xuất viện.

Theo đó, với những viên sỏi to rắn trước đây vẫn phải can thiệp mổ mở thì hiện tại đã có những giải pháp tán sỏi ưu việt và hiệu quả hơn. Bệnh nhân đỡ đau đớn, phục hồi nhanh và chịu ít thương tổn hơn nhiều so với mổ mở. Do đó, nếu có sỏi tiết niệu, dù to hay nhỏ thì cũng đến ngay cơ sở uy tín để được chữa trị bằng phương pháp tối ưu nhất.

Ngăn ngừa tái phát sau chữa sỏi tiết niệu

Sau chữa sỏi tiết niệu, trường hợp bệnh nhân tái phát là có, nguyên nhân nằm ở chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Chính vì vậy, người bệnh cần nhớ những lưu ý dưới đây để ngăn ngừa tái phát sau chữa sỏi tiết niệu

Uống nhiều nước sẽ ngăn chặn tái phát sau khi chữa sỏi tiết niệu

 

Uống nhiều nước và nhớ là không nhịn tiểu

Mỗi ngày người bệnh cần đảm bảo uống đủ từ 1,5 đến 2,5 lít nước, đặc biệt cần đi tiểu ngay khi buồn, tuyệt đối không được nhịn tiểu. tránh việc chất khoáng gây sỏi.

Ngoài ra, người bệnh có thể uống các loại nước trái cây, nước đỗ đen, đậu nành giúp hỗ trợ đào thải canxi.

Bổ sung những thực phẩm dễ tiêu hoá và giúp lợi niệu

Người bệnh nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như: rau lang, khoai lang, rau mồng tơi, rau đay, đậu phụ, chuối, súp lơ,…có tác dụng tránh táo bón, khi táo bón người bệnh phải dặn, dễ gây áp lực ổ bụng, ảnh hưởng tới niệu quản, bàng quang chạm và ống thông.

Ngoài ra đừng quên bổ sung rau cần tây, dứa, nước cam, nước chanh, củ cải đường, rau cải, nước ngô… đây là những thực phẩm nằm trong nhóm lợi niệu có tác dụng bài xuất các nhân sỏi nhỏ, các cặn máu, các mảnh sỏi vụn và các thành phần hữu hình trên thận niệu quản đi tiểu ra ngoài sau khi đi vào ống thông xuống bàng quang.

Giảm thiểu dung nạp các chất oxalat và canxi

Oxalat và canxi có nhiều trong tôm, đồ hải sản nói chung, trong nước chè đặc, cà phê…

Đồng thời cũng cần hạn chế muối tinh vì trong muối lượng natri cao dễ gây cản trở việc hấp thu canxi trong nước tiểu, dễ tạo sỏi.

Vận động nhẹ nhàng

Người bệnh nên tập các bài tập nhẹ nhàng để giải phóng năng lượng thừa trong cơ thể như đi bộ, đạp xe, tập yoga…. Không nên ngồi một chỗ tránh tích lũy mỡ gây béo phì và gia tăng khả năng hình thành sỏi thận, sỏi bàng quang, cũng không nên tập những bài tập quá nặng, dễ mất nước – là một nguyên nhân gây lắng đọng canxi tạo sỏi.

Khám sức khỏe và kiểm tra tình hình hệ tiết niệu định kỳ

Bên cạnh ăn uống và sinh hoạt khoa học điều độ, người bệnh sỏi tiết niệu cần kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là hệ tiết niệu định lý 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện sớm nhất những bất thường nếu có tại khu vực này và có hướng xử lý kịp thời, chính xác, tránh biến chứng.

Trên đây là những phương pháp chữa sỏi tiết niệu hiệu quả nhất và cách ngăn ngừa sỏi quay trở lại. Bạn cần biết, sỏi tiết niệu để càng lâu càng nguy hiểm, chính vì thế người bệnh mắc sỏi tiết niệu cần đến những bệnh viện lớn, nơi có bác sĩ chuyên môn cao và thiết bị máy móc hiện đại, đủ điều kiện chữa trị để được thăm khám chính xác và nhận hướng xử lý sỏi phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top