Suy thận mạn tính là trạng thái suy giảm độ lọc cầu thận trong một thời gian dài và không thể hồi phục được toàn bộ chức năng của thận. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh.
Thông thường cơ thể chúng ta có 2 quả thận có hình dáng giống như hạt đậu. Chúng nằm ở giữa lưng, dưới lồng ngực, ở hai bên xương sống.
Cơ thể chúng ta có 2 quả thận đảm nhận nhiều vai trò rất quan trọng
Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhiệm các vai trò chính, bao gồm: loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể, kích thích sản xuất hồng cầu, vitamin D3, ổn định huyết áp và quy định mức độ khoáng chất hoặc chất điện giải, chất lỏng trong cơ thể.
Nếu thận khỏe mạnh thì khi cơ thể dung nạp quá nhiều chất hóa học, thận sẽ hoạt động để bài tiết các chất này ra ngoài qua đường tiết niệu nhưng khi thận bị suy yếu thì không còn khả năng lọc chất thải, nước dư thừa ra khỏi máu. Kết quả là, chất độc bắt đầu hình thành trong máu làm ảnh hưởng đến hệ thống các cơ quan trong cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính thường là do biến chứng của các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường
Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính thường là do biến chứng của các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường làm ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ trong thận khiến thận bị tổn thương. Ngoài ra, còn có một số các nguyên nhân khác như: viêm bể thận, u nang thận, viêm cầu thận, xơ cứng động mạch, lupus ban đỏ, tắc nghẽn đường tiết niệu do nhiễm trùng, lạm dụng thuốc không theo chỉ dẫn bác sĩ…
Suy thận mạn tính có thể xuất hiện từ từ nhiều năm trước khi bệnh nhân phát hiện ra do triệu chứng của bệnh này thường không đặc trưng. Chính vì thế, người bệnh thường đến bệnh viện khi suy thận đã ở giai đoạn muộn nên khó điều trị. Dưới đây là một số triệu chứng suy thận mạn tính thường gặp:
Mệt mỏi kéo dài.
Đau vùng thắt lưng
Đi tiểu nhiều lần trong ngày dù không uống nhiều nước và nhất là vào ban đêm chứng tỏ có nguy cơ bị suy thận mạn giai đoạn đầu.
Da xanh xao do thiếu máu và rất khó hồi phục do thận không sản xuất đủ erythropoietin.
Huyết áp tăng cao.
Biểu hiện chán ăn ở giai đoạn đầu và buồn nôn, tiêu chảy ở giai đoạn 3 trở đi, có khi kèm theo xuất huyết tiêu hóa.
Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da.
Ở bệnh nhân suy thận mạn do viêm cầu thận mạn, thường là có phù (trừ giai đoạn đái nhiều). Phù ở đây có thể do hậu quả của hội chứng thận hư, do suy tim kết hợp và do các yếu tố nội tiết khác gây giữ muối và giữ nước.
Thông thường, với bệnh suy thận mạn tính, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, khắc phục các vấn đề phù, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu của người bệnh, cải thiện chức năng cầu thận bằng thuốc, bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện.
Khi mới phát hiện bệnh, bệnh nhân nên điều chỉnh cách ăn uống, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều kali, muối, giàu đạm và chất béo đồng thời tăng cường ăn thức ăn thanh đạm, rau quả tươi…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh