✴️ Tìm hiểu các dấu hiệu suy thận

Các dấu hiệu suy thận

Khi tình trạng suy thận xảy ra, mọi chức năng của hai quả thận đều bị giảm sút. Từ đó, một lượng lớn dịch, chất điện giải, chất thải, chất độc…bị tích tụ lại. Chúng khiến cho người bệnh gặp phải các vấn đề bất ổn như: sưng mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược cơ thể, ngủ kém và khó thở.

Các dấu hiệu suy thận còn tùy thuộc vào từng dạng bệnh suy thận bao gồm: suy thận cấp và suy thận mạn tính.

 

Các dấu hiệu suy thận cấp tính

+Triệu chứng ban đầu: Lượng nước tiểu ít hoặc không có.

+Triệu chứng khi bệnh nặng: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng; không ngủ được, động kinh, ngẩn ngơ, hôn mê, ngứa, huyết áp tăng cao hoặc thấp, bầm hoặc chảy máu nhưng không rõ nguyên nhân.

 

Các dấu hiệu suy thận mạn tính

Thường không có triệu chứng ban đầu và diễn biến âm thầm, từ từ.

– Các dấu hiệu và triệu chứng muộn: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng, mệt mỏi, thở gấp, đau dạ dày, tê, ngứa ran, nóng chân và tay, giảm ham muốn tình dục, không có kinh nguyệt, thiếu máu, đau cơ và xương.

Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp một số tình trạng như ngủ không ngon, trầm cảm, động kinh, ngẩn ngơ và hôn mê. Cùng với đó, tình trạng ngứa, huyết áp bất thường, xuất huyết cũng có thể xảy ra.

Dấu hiệu suy thận mạn tính gồm có cảm giác tê, ngứa ran, nóng chân và tay cùng một số triệu chứng khác

 

Nguyên nhân gây suy thận cấp

Suy thận cấp là tình trạng cả 2 quả thận đột ngột ngừng hoạt động. Có ba nguyên nhân chính gây suy thận cấp bao gồm: thiếu lưu lượng máu đến thận, tổn thương trực tiếp đến thận, tắc nghẽn dòng nước tiểu.

Những nguyên nhân gây suy thận cấp nói trên xảy ra khi người bệnh gặp phải các vấn đề trên cơ thể như:

+ Chấn thương gây mất máu

+ Cơ thể bị mất nước

+ Tổn thương thận do sốc nhiễm trùng huyết

+ Dòng nước tiểu bị cản trở do ảnh hưởng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến).

+ Tác động tiêu cực từ các loại thuốc hoặc độc tố nhiễm vào cơ thể

+ Do biến chứng trong thai kỳ như sản giật và tiền sản giật.

Sưng phù mắt cá chân và bàn chân là một trong các dấu hiệu suy thận phổ biến nhất

 

Nguyên nhân gây suy thận mạn tính

Suy thận mạn là tình trạng 2 quả thận không làm việc bình thường, và tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng. Bệnh suy thận mạn tính có mức độ nghiêm trọng hơn hẳn bởi người bệnh không phát hiện bất cứ biểu hiện nào. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng mới nhận biết được, lúc đó đã không thể khắc phục được nữa. Các nguyên nhân gây suy thận mạn bao gồm:

+Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường (tuýp 1 và 2) và huyết áp cao. Đây là những nguyên nhân chủ yếu gây suy thận mạn tính. Hàm lượng đường trong máu cao theo thời gian có thể làm hại thận. Tình trạng tăng huyết áp, không được kiểm soát kéo dài gây ra áp lực cao trong cầu thận, làm giảm mức lọc cầu thận.

+ Do ảnh hưởng của các bệnh về hệ miễn dịch như lupus ban đỏ, các bệnh do virus như HIV/ AIDS, viêm gan B, viêm gan C.

+ Nhiễm trùng đường tiểu trên. Bệnh này dễ để lại sẹo khi đã hết bệnh, nhiều lần như vậy sẹo tích tụ sẽ dẫn đến tổn thương thận, gây suy thận.

+ Do tình trạng viêm trong các bộ lọc nhỏ nằm trong thận. Tình trạng này thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn cùng một số nguyên nhân khác không xác định

+ Bệnh thận đa nang. Lúc này xuất hiện các u nang chứa đầy dịch hình thành trong thận – dạng phổ biến nhất của bệnh thận do di truyền từ người thân trong gia đình.

+ Khiếm khuyết về thận bẩm sinh. Một số em bé khi sinh ra không may bị dị dạng hoặc bị tắc nghẽn đường tiết niệu bẩm sinh. Từ đó tác động đến chức năng thận và dễ gây suy thận.

+Tác dụng của thuốc và độc tố. Người bệnh tiếp xúc lâu dài với một số loại thuốc và hóa chất có hại đến thận. Có thể kể đến thuốc chống viêm không steroid, ibuprofen và naproxen…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top