Vì sao lại xảy ra hiện tượng tiểu ra máu?

Tiểu ra máu hay còn gọi là đái máu có thể là dấu hiệu của một bệnh lí nghiêm trọng, vì vậy, không nên bỏ qua triệu chứng này. Tất cả các trường hợp tiểu ra máu cần được đánh giá bởi một bác sĩ cùng với các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh hoặc loại trừ một số nguyên nhân cơ bản.

Không có điều trị cụ thể cho đái máu bởi nó là một triệu chứng, chứ không phải là một bệnh lí cụ thể. Thay vào đó, điều trị cần nhắm vào các nguyên nhân cơ bản được tìm ra. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, triệu chứng này cũng không đòi hỏi phải điều trị.

Nguồn gốc của máu trong nước tiểu

Máu trong nước tiểu có thể xuất phát từ thận – nơi tạo ra nước tiểu. Nó cũng có thể đến từ các cấu trúc khác của hệ tiết niệu, ví dụ như:

  • Niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang)
  • Bàng quang (nơi chứa nước tiểu)
  • Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài)

 

Những triệu chứng đi kèm với đái máu

Nếu bạn nhìn thấy máu trong nước tiểu thì triệu chứng đã rõ ràng. Thay vì màu vàng nhạt như bình thường thì nước tiểu của bạn có thể có màu hồng, đỏ, nâu đỏ hoặc màu giống màu trà. Các bác sĩ gọi tình trạng này là đái máu đại thể.

Đôi khi, máu trong nước tiểu không thể nhìn thấy được bằng mắt thường và sự có mặt của hồng cầu trong nước tiểu chỉ có thể xác định thông qua xét nghiệm. Khi đó, bạn sẽ được đánh giá là đái máu vi thể.

Đái máu có thể xảy ra mà không có bất kì triệu chứng nào kèm theo. Tuy nhiên, một số bệnh lí nguyên nhân có thể gây đái máu kèm theo một số triệu chứng kinh điển từ nhẹ đến nặng. Ví dụ như:

Viêm bàng quang cấp: Ở người lớn, viêm bàng quang có thể gây cảm giác bỏng rát hoặc đau khi đi tiểu. Viêm bàng quang ở trẻ nhỏ thường kèm theo sốt, kích thích và biếng ăn. Những trẻ lớn hơn có thể bị sốt, đau và bỏng rát khi đi tiểu, tiểu gấp và đau vùng bụng dưới rốn.

Viêm thận: các triệu chứng thường gặp là sốt, rét run, đau vùng hông, vùng thắt lưng.

Sỏi thận: đau bụng hoặc đau vùng chậu dữ dội.

Bệnh thận: mệt mỏi, cao huyết áp, phù toàn thân bao gồm phù mí mắt.

 

Nguyên nhân

Những nguyên nhân thường gặp gây đái máu gồm:

  • Viêm thận hoặc viêm bàng quang
  • Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang
  • Một số bệnh lí về thận, ví dụ như viêm tiểu cầu thận (viêm hệ thống lọc của thận)
  • Phì đại tiền liệt tuyến lành tính hoặc ung thư tiền liệt tuyến
  • Bệnh di truyền, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm, thận đa nang
  • Một số thuốc như aspirin, penicillin, heparin, cyclophosphamide, và phenazopyridine
  • U ở bàng quang, thận hoặc tiền liệt tuyến
  • Chấn thương thận do tai nạn hoặc thể thao
  • Tập luyện cường độ cao

Đôi khi, nước tiểu có thể có màu giống như máu nhưng chúng lại là sắc tố đỏ từ những nguồn khác như thuốc nhuộm thực phẩm, một số thuốc hoặc do bạn ăn quá nhiều của cải đường…

 

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử uống thuốc của bạn cũng như những nguyên nhân có thể gây xuất hiện máu trong nước tiểu của bạn. Sau đó, bạn sẽ được làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

Những xét nghiệm nước tiểu có thể bao gồm xét nghiệm tế bào học để tìm sự có mặt của các tế bào bất thường trong nước tiểu. Những xét nghiệm máu có thể được chỉ định để đánh giá nồng độ một số chất liên quan đến chức năng lọc của thận.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm một số xét nghiệm như:

  • Chụp cắt lớp vi tính: để xác định sỏi, u và các bất thường khác ở bàng quang, thận và niệu quản.
  • Siêu âm thận: sử dụng sóng siêu âm để quan sát toàn bộ cấu trúc thận.
  • Chụp niệu đồ tĩnh mạch: chụp Xquang hệ tiết niệu có cản quang
  • Nội soi bàng quang: đưa một ống soi nhỏ đi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát và sinh thiết các tổ chức bất thường nếu cần.
  • Sinh thiết thận: Lấy một mảnh nhỏ tổ chức thận và quan sát dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu của các bệnh lí thận.

 

Điều trị

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sau điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra lại nước tiểu của bạn. Nếu vẫn còn máu trong nước tiểu, bạn có thể cần làm thêm một số xét nghiệm hoặc chuyển đến chuyên khoa tiết niệu.

Thông thường, không cần phải điều trị trừ khi có một bệnh lí nghiêm trong gây ra đái máu.

Nếu không tìm ra được nguyên nhân thông qua những đánh giá ban đầu, bạn có thể được khuyên làm xét nghiệm nước tiểu và theo dõi huyết áp mỗi 3-6 tháng, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang như tuổi trên 50, hút thuốc lá, phơi nhiễm với một số hóa chất công nghiệp…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top