Đau dạ dày có vi khuẩn HP có thể gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi với các triệu chứng đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, ăn uống kém… Điều trị đau dạ dày có vi khuẩn HP cần có thời gian và sự kiên trì của người bệnh.
Vi khuẩn là một loại vi xoắn khuẩn gram âm, hình dạng ốc xoắn, có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn HP có thể sinh sống và hoạt động trong môi trường axit trong dạ dày. Vi khuẩn này cư trú tại lớp giữa chất nhày và niêm mạc dạ dày, làm phá hủy niêm mạc dạ dày hình thành bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày thậm chí là gây ung thư dạ dày.
Ngoài ra, vi khuẩn HP dạ dày còn cư trú tại khoang miệng, trong các hốc amidan và hốc xoang, đường ruột.
Vi khuẩn HP gây ra các bệnh ở dạ dày và kéo theo các triệu chứng như: Đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, mệt mỏi, ăn kém, nôn ra máu, đi ngoài phân đen… Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Vi khuẩn HP trong dạ dày chỉ có thể phát hiện được thông qua nội soi dạ dày hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán như test HP hơi thở, nuôi cấy tế bào, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân… Phương pháp chẩn đoán chính thường được sử dụng như nội soi dạ dày và test HP hơi thở.
Để điều trị các bệnh ở dạ dày có vi khuẩn HP người bệnh cần phải sử dụng thuốc. Các loại thuốc điều trị vi khuẩn HP chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc trung hòa axit dịch vị, thuốc giảm tiết axit dịch vị.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ, đủ thời gian, đúng loại thuốc và liều lượng phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt đúng cách để cải thiện dần tình trạng sức khỏe.
Điều trị bệnh dạ dày có vi khuẩn HP cần kiên trì, liên tục theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ nhằm kiểm tra quá trình lành bệnh, đồng thời điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh