✴️ Bệnh viêm gan C là gì? Biến chứng nguy hiểm như xơ gan

Nội dung

Bệnh viêm gan C thường tiến triển trong âm thầm và hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng lại dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh gan do vi rút viêm gan C (HCV) gây ra. Vi rút viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu và mẹ truyền sang con. Nhiều người bị nhiễm vi rút viêm gan C nhưng không có triệu chứng và có thể phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó những trường hợp khác lại có thể phát triển thành viêm gan cấp tính với các triệu chứng là mệt mỏi, chán ăn, da và mắt chuyển sang màu vàng (chứng vàng da). Viêm gan C cấp tính nếu không chữa kịp thời, rất dễ chuyển thành viêm gan C mạn tính. Theo thống kê có khoảng 75% bệnh nhân viêm gan C cấp tính chuyển thành mạn tính. Trong số này có khoảng 10 – 20% bệnh nhân viêm gan C bị biến chứng thành bệnh xơ gan, 5% bị biến chứng thành bệnh ung thư gan. Người bệnh hoàn toàn có thể bị tử vong với 1 trong 3 biến chứng trên.

Triệu chứng của viêm gan C là gì?

Ở giai đoạn đầu của viêm gan C nhiều người không có triệu chứng. Những người bị viêm gan C cấp tính có thể gặp phải các triệu chứng như:

– Mệt mỏi

– Chán ăn

– Đau nhức bắp thịt

– Sốt

– Da và mắt có màu vàng

Vàng da và mắt có thể là triệu chứng của bệnh viêm gan C cấp tính.

Khi viêm gan C đã tiến triển thành mạn tính, xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng cao bất thường – một dấu hiệu của tổn thương gan. Bệnh nhân dễ bị mệt và có các triệu chứng không đặc hiệu khác.

Khi xơ gan phát triển, các triệu chứng bắt đầu trở nên tồi tệ hơn:

– Yếu ớt

– Chán ăn

– Giảm cân không chủ ý

– Vú to ở nam giới

– Phát ban ở lòng bàn tay

– Máu khó đông

– Xuất hiện tĩnh mạch mạng nhện trên da

Khi viêm gan C đã tiến triển thành xơ gan giai đoạn cuối, người bệnh có thể bị lú lẫn và thậm chí là hôn mê (bệnh não gan).

Ở những bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, chức năng gan đã suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị lú lẫn và thậm chí là hôn mê (bệnh não gan) do gan không còn khả năng loại bỏ các độc tố ra khỏi máu.

Tăng huyết áp trong mạch máu của gan có thể gây ra tình trạng chất lỏng tích tụ ở bụng (cổ trướng) và giãn tĩnh mạch thực quản dễ gây chảy máu đột ngột và ồ ạt.

Ngoài ra bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối còn bị vàng da và mắt do gan bị hư hỏng không thể loại trừ được sản phẩm phụ tự nhiên là kết quả từ sự phân hủy bình thường của các tế bào máu đỏ.

Chẩn đoán phát hiện viêm gan C

Trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành:

– Hỏi người bệnh về tiền sử bệnh tật.

– Khám lâm sàng

– Kiểm tra men gan: men gan cao có thể là dấu hiệu cảnh báo có vi rút viêm gan C.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C bao gồm:

– Các thử nghiệm kháng thể HCV: giúp phát hiện kháng thể HCV.

– Thử nghiệm số lượng siêu vi: dùng để đo số lượng HCV lưu truyền trong máu.

– Thử nghiệm phân định loại: dùng để xác định bạn bị nhiễm loại vi rút HCV nào.

– Thử nghiệm chức năng và sinh hóa gan: đo lường sức hoạt động của gan.

– Sinh thiết gan: để đo lường mức độ viêm, số lượng sẹo, và tình trạng sức khỏe của gan.

 

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM DO VIÊM GAN C

Theo các thống kê 10 – 20% bệnh nhân viêm gan C bị biến chứng thành bệnh xơ gan, 5% bị biến chứng thành bệnh ung thư gan. Xét trên tổng thể, người bệnh viêm gan vi rút C sẽ phải đối mặt với ba biến chứng rất nguy hại là xơ gan, ung thư gan và suy gan. Từ ba biến chứng này có khoảng cách không xa với giới hạn tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn là viêm gan C diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì cho đến khi nó gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến gan.

Hỗ Trợ Điều trị viêm gan C

Người bệnh viêm gan C thường được chữa bằng thuốc.

Một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị phổ biến nhất là sử dụng thuốc. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tái khám đúng hẹn khi hết thuốc. Theo đó, mỗi lần tái khám bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để theo dõi mức độ tiến triển của bệnh, số lượng virus và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân và điều chỉnh thuốc phù hợp để có hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp ích cho quá trình hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, hạn chế những độc tố vào gan, phục hồi chức năng gan nhanh nhất.

 

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH

Người bị viêm gan C tuyệt đối không được hiến máu. Viêm gan C không lây lan qua đường ăn uống và các tiếp xúc thông thường nên không cần thiết phải ăn uống riêng hoặc cách ly người bệnh.
Để phòng tránh tốt bệnh viêm gan C, chúng ta nên:

  • Tránh sinh hoạt tình dục không an toàn với nhiều người hoặc với một người chưa rõ về tình trạng sức khỏe.
  • Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…
  • Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ dùng ma tuý khác. Các dụng cụ dùng ma tuý nhiễm bẩn gây ra khoảng một nửa số trường hợp viêm gan C mới.
  • Tránh xỏ lỗ hoặc xăm mình trừ khi chắc chắn là dụng cụ đã tiệt trùng.

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C, vì vậy mọi người cần đề cao cảnh giác để không mắc phải căn bệnh này. Duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng và chống chọi lại mọi bệnh tật. Nếu thấy có bất cứ dấu hiệu khác lạ nào trên cơ thể cần đi khám sức khỏe ngay để kịp thời phát hiện và chữa bệnh, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top