Bệnh xơ gan là một căn bệnh mà gan bị sẹo xơ nghiêm trọng, thường là do tổn thương gan liên tục trong nhiều năm. Các nguyên nhân phổ biến nhất của xơ gan bao gồm lạm dụng rượu, viêm gan vi rút B hoặc C mãn tính và bệnh gan nhiễm mỡ (thường thấy ở những người bị béo phì hoặc tiểu đường). Trong giai đoạn nặng của bệnh, xơ gan thường không thể hồi phục, vì vậy việc điều trị có thể cần đến việc phải ghép gan. Trong giai đoạn đầu, xơ gan có thể hồi phục nếu điều trị được nguyên nhân cơ bản.
Gan là một cơ quan lớn nằm ở vùng bụng trên bên phải phía dưới khung xương sườn. Nó thực hiện nhiều chức năng cần thiết cho cuộc sống.
Gan có thể tự phục hồi khi bị tổn thương. Tuy nhiên, quá trình chữa lành tổn thương có thể dẫn đến tạo ra các mô sẹo thay thế cho mô gan bị tổn thương. Do đó, tổn thương gan lặp đi lặp lại liên tục kéo dài có thể gây ra sẹo xơ đáng kể ở gan. Cơ thể có thể chịu đựng được một phần gan bị sẹo xơ mà không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên cuối cùng, sẹo xơ có thể trở nên nghiêm trọng đến mức gan không còn khả năng thực hiện các chức năng bình thường của nó.
Có nhiều dạng bệnh gan có thể dẫn đến xơ gan. các nguyên nhân phổ biến của xơ gan thường bao gồm những nguyên nhân sau:
– Lạm dụng rượu lâu năm
– Viêm gan vi rút B hoặc C mãn tính
– Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
– Hemochromatosis (một tình trạng khiến sắt tích tụ quá mức trong gan).
– Bệnh Wison (một tình trạng tích tụ đồng quá mức).
Những người bị xơ gan đôi khi không có triệu chứng, nhưng tình trạng này thường có thể gây ra rất nhiều các các dấu hiệu và triệu chứng, không phải tất cả đều có thể xảy ra cùng lúc. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
– Chán ăn
– Giảm cân
– Mệt mỏi
– Vàng da hoặc vàng mắt
– Ngứa
– Dấu hiệu chảy máu đường tiêu hóa (chẳng hạn như nôn ra máu hoặc đi đại tiện phân giống như nhựa đường hoặc có lẫn máu)
– Chướng bụng (do tình trạng cổ trướng gây ra, trong đó chất lỏng tích tụ xung quanh các cơ quan trong ổ bụng)
– Thay đổi ý thức như lú lẫn hoặc kiểu ngủ gà, thậm chí hôn mê (do một tình trạng gọi là bệnh não gan gây ra)
– Chuột rút cơ, có thể nghiêm trọng
– Ra máu âm đạo bất thường hoặc kinh nguyệt kéo dài bất thường (ở phụ nữ)
– Rối loạn cương dương, vô sinh hoặc mất ham muốn tình dục (ở nam giới)
– Sự phát triển của vú ở nam giới
– Tuần hoàn bàng hệ, sao mạch ở ngực bụng…
Khi điều trị cho những người bị xơ gan, các bác sĩ thường có những mục tiêu chính sau đây:
Phần đầu tiên của điều trị xơ gan bao gồm việc xác định nguyên nhân cơ bản gây ra nó và điều trị nguyên nhân đó nếu có thể. Ví dụ, nếu bệnh xơ gan của một người là do nghiện rượu, thì việc điều trị và kiểm soát việc sử dụng rượu là bắt buộc.
Tương tự như vậy, nếu xơ gan của một người là do nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan vi rút B hoặc C thì điều quan trọng là phải điều trị nhiễm vi rút đó.
Bình thường gan có nhiều chức năng quan trọng, trong đó có chức năng lọc chất độc ra khỏi máu, chuyển hóa một số loại thuốc và rượu, và tạo ra các protein quan trọng trong quá trình đông máu hoặc tiêu hóa thức ăn.
Do đó khi bị xơ gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng, một số biến chứng xảy ra do gan không còn khả năng thực hiện tốt các chức năng này, và một số biến chứng xảy ra do dòng máu qua gan bị cản trở. Các biến chứng chính của xơ gan bao gồm:
Giãn tĩnh mạch thực quản là các mạch máu trong thực quản bị giãn ra. Các mạch máu này phình to lên do dòng máu chảy qua gan bị tắc nghẽn bởi các sẹo xơ, làm cho máu trào ngược lên các tĩnh mạch ở thực quản và dạ dày. Khi áp lực quá cao bên trong các mạch máu này, chúng có thể vỡ ra và gây chảy máu nghiêm trọng (được gọi là xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch).
Các triệu chứng chính của bệnh xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch là nôn ra máu hoặc đi đại tiện phân có lẫn máu hoặc trông giống như hắc ín. Khi có tình trạng này cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.
Những người bị xơ gan có thể bị tích tụ chất lỏng trong ổ bụng. Tình trạng này được gọi là cổ trướng, khiến bụng bị phình to lên. Cổ trướng cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở hoặc đầy tức bụng. Để điều trị cổ trướng bác sĩ thường sẽ kê đơn các loại thuốc gọi là thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể bài tiết bớt chất lỏng dư thừa. Họ cũng khuyến nghị những người mắc bệnh này nên ăn giảm lượng muối.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể sẽ hút chất lỏng ra khỏi ổ bụng bằng kỹ thuật gọi là chọc hút dịch ổ bụng. Họ cũng có thể đặt một ống đi qua gan tạo đường thông cửa chủ qua gan (gọi là TIPS). Ống cho phép máu đi qua gan, làm giảm áp lực tĩnh mạch do sẹo xơ trong gan.
Những người bị cổ trướng đôi khi bị nhiễm trùng dịch cổ chướng, được gọi là viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát. Những bệnh nhiễm trùng này không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng, nhưng khi chúng xảy ra các triệu chứng có thể bao gồm sốt, đau bụng và lú lẫn hoặc khó chịu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhiễm trùng này bằng cách dùng kim hút một ít dịch trong bụng và xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn và xét nghiệm các tế bào bạch cầu (tế bào có liên quan đến việc chống lại các vi khuẩn). Điều trị bằng việc sử dụng các thuốc kháng sinh và thuốc lợi tiểu để giảm lượng dịch tích tụ trong ổ bụng.
Những người bị các bệnh nhiễm trùng này đôi khi cũng phải ngừng dùng các thuốc được gọi là thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như omeprazole … được sử dụng để điều trị trào ngược axit. Những loại thuốc này ngăn chặn việc sản xuất axit của dạ dày. Vì axit dạ dày là một trong những cách cơ thể tự bảo vệ mình khỏi vi khuẩn, những người bị cổ trướng dùng những loại thuốc này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Xơ gan có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng não, do những cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng. Một lời giải thích là chất độc bị tích tụ trong máu có thể tác động lên não khi gan bị tổn thương và mất chức năng. Bệnh não do gan là thuật ngữ y khoa chỉ sự ảnh hưởng chức năng não do bệnh gan gây ra. Nó có thể biểu hiện như rối loạn giấc ngủ (ngủ quá nhiều, quá ít hoặc ngủ gà); thay đổi tâm trạng hoặc tính cách; khó tập trung …thậm chí là hôn mê.
Bệnh não gan đôi khi có thể điều trị được và chức năng não phục hồi bình thường. Điều trị bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ chẳng hạn như nhiễm trùng và chảy máu tiêu hóa, hoặc dùng một số loại thuốc như lactulose…
Hội chứng gan thận là một dạng bệnh thận do hậu quả của xơ gan gây ra. Nó xảy ra một phần do dòng máu qua gan bị gián đoạn làm hạn chế dòng máu đến thận.
Hội chứng gan thận không nhất thiết gây ra các triệu chứng, mặc dù nó có thể khiến một số người đi tiểu ít hơn bình thường. Tình trạng bệnh được phát hiện bằng xét nghiệm máu và nước tiểu. Hội chứng gan thận được điều trị bằng cách cố gắng cải thiện chức năng gan (ví dụ ngừng rượu hoặc điều trị viêm gan vi rút B, C). Nếu chức năng gan không thể cải thiện được, thường cần ghép gan.
Xơ gan và các vấn đề liên quan mà nó gây ra với hệ tuần hoàn có thể dẫn đến một số vấn đề với phổi và tim. Khi các cơ quan này bị ảnh hưởng một số người có thể cảm thấy bị khó thở mệt mỏi, đau ngực và một số triệu chứng khác.
Những người bị xơ gan sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư gan, đặc biệt nếu xơ gan do viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa sắt. Do gia tăng nguy cơ này nên những người bị xơ gan nên siêu âm sáu tháng một lần để kiểm tra các dấu hiệu của ung thư.
Khi ung thư gan được phát hiện lần đầu nó thường không gây ra triệu chứng. Nhưng khi tiến triển nó có thể làm trầm trọng thêm các biến chứng của xơ gan hoặc gây ra các triệu chứng như đau, cảm giác nhanh no và vàng da.
Một số người bị ung thư gan do xơ gan được điều trị bằng cách ghép gan để loại bỏ ung thư. Những người có thể là ứng cử viên để cấy ghép gan bao gồm những người bị ung thư nhỏ chưa lan tràn ra ngoài gan.
Những người bị xơ gan phải hết sức cẩn thận trong việc bảo vệ gan của họ khỏi bất cứ thứ gì có thể gây hại cho gan của họ. Các bước để bảo vệ gan khỏi bị tổn thương nặng thêm như là:
Tiêm vắc xin ngừa viêm gan A và B cho những người chưa có miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm cho gan. Bởi vì nhiễm trùng có thể làm những người bị xơ gan nặng lên và đặc biệt khó khăn trong điều trị do đó điều quan trọng là phải tiêm các loại vắc xin khác để bảo vệ các bệnh nhiễm trùng như vắc xin để chống lại bệnh cúm (mỗi năm một lần), bạch hầu và uốn ván (10 năm một lần), và ho gà (một lần khi trưởng thành).
Những người bị xơ gan nên tránh tất cả các chất được biết là gây hại cho gan. Bao gồm như:
– Rượu
– Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen…
– Một số chất bổ sung và thực phẩm chức năng bằng thảo dược.
– Một số loại thuốc được kê đơn
Ngoài ra những người bị xơ gan dùng acetaminophen (biệt dược: Tylenol, Efferalgan, Pannadol…) không được dùng quá 2.000 miligam mỗi ngày. Nhiều loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn để điều trị cảm lạnh và cúm, sốt, giảm đau và các bệnh thông thường khác có chứa acetaminophen vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra nhãn của bất kỳ loại thuốc nào có thành phần acetaminophen và cộng số miligam mỗi loại thuốc có trong đó.
Ngoài việc cần tránh một số loại thuốc và chất gây nghiện, những người bị xơ gan đôi khi cần dùng ít thuốc hơn so với những người có gan khỏe mạnh. Đó là bởi vì một trong những chức năng của gan là chuyển hóa thuốc và đào thải chúng ra khỏi máu. Khi gan hoạt động không tốt, những loại thuốc đó có thể tích tụ trong cơ thể và trở thành chất độc.
Đặc biệt, một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ làm trầm trọng thêm các biến chứng của xơ gan. Ví dụ như các loại thuốc an thần như là benzodiazepin (biệt dược: Valium…) được sử dụng để giảm lo lắng, có thể làm trầm trọng thêm bệnh não gan.
Để tìm hiểu xem liệu bất cứ thứ gì bạn uống có thể gây hại cho gan của bạn hay không, hãy cho tất cả các lọ thuốc bạn uống vào một chiếc túi và mang theo chúng đến bác sĩ quản lý bệnh gan của bạn. Bao gồm tất cả các loại thuốc mua tự do, thực phẩm chức năng và thuốc thảo dược, cũng như bất kỳ đơn thuốc nào bạn đang dùng. Không bao giờ bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mới nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Ngoài ra bất cứ khi nào bạn được kê đơn một loại thuốc mới hãy báo với bác sĩ kê đơn biết về bệnh gan của bạn.
Những người bị xơ gan đôi khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh khác của họ kết hợp với các biến chứng của xơ gan. Đôi khi họ cũng có những bất thường về máu cần điều trị.
Những người bị xơ gan đôi khi bị chuột rút cơ, thậm chí có thể nghiêm trọng. Có rất ít phương pháp điều trị chứng chuột rút.
Thoát vị rốn là một khối sưng phồng hình thành ở rốn. Loại thoát vị này xảy ra khi lớp mô cứng thường chứa các cơ quan trong ổ bụng được gọi là thành bụng trở nên yếu. Khi thành bụng yếu các chất trong bụng bắt đầu đẩy qua tạo ra một chỗ phồng. Đôi khi bác sĩ có thể đẩy nhẹ khối thoát vị trở lại ổ bụng. Nhưng nếu khối thoát vị bị ép quá chặt nó có thể bị cắt nguồn cung cấp máu và bắt đầu hoại tử.
Thoát vị rốn có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật, nhưng những người bị xơ gan thường có thể có các biến chứng nghiêm trọng khi phẫu thuật và phẫu thuật không phải lúc nào cũng khắc phục được vấn đề. Do đó các bác sĩ thường cân nhắc khi đề nghị phẫu thuật trừ khi bị hoại tử nghiêm trọng. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, bác sĩ thường đề nghị chờ đợi và tiến hành sửa chữa khối thoát vị cùng lúc với ghép gan.
Hạ natri máu là thuật ngữ y tế chỉ “quá ít hàm lượng natri trong máu.” Những người bị xơ gan tiến triển thường có hạ natri máu và nó có thể nghiêm trọng.
Natri là một trong những chất được gọi là chất điện giải giúp truyền tín hiệu điện giữa các tế bào. Điều đó quan trọng vì các tế bào dựa vào tín hiệu điện để hoạt động bình thường. Natri cũng giúp giữ đúng lượng chất lỏng bên trong tế bào. Do đó duy trì nồng độ natri thích hợp trong cơ thể là điều quan trọng.
Thật không may, việc khôi phục mức natri bình thường ở những người bị xơ gan có hạ natri máu là rất khó thực hiện. Thường thì hạ natri máu báo trước tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể cần thiết phải ghép gan.
Máu của những người bị xơ gan thường không đông như bình thường. Đó là bởi vì gan chịu trách nhiệm tạo ra nhiều protein và các chất khác tham gia vào sự hình thành các cục máu đông. Đây là một vấn đề lớn bởi vì nó khiến những người bị xơ gan có nguy cơ bị chảy máu nghiêm trọng, đặc biệt nếu họ còn bị giãn tĩnh mạch thực quản.
Bởi vậy việc điều trị có thể cần truyền một số chế phẩm máu và các bác sĩ thường chỉ làm như vậy nếu người bệnh có thể phải trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật có nguy cơ chảy máu.
Một số người gặp vấn đề về rối loạn đông máu quá nặng có thể dẫn đến hình thành cục máu đông ở những nơi không cần thiết. Nơi thường xảy ra hiện tượng này là trong tĩnh mạch lớn dẫn đến gan (gọi là tĩnh mạch cửa). Các cục máu đông trong tĩnh mạch cửa có thể làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa nặng hơn và có thể dẫn đến giãn thêm các tĩnh mạch trong thực quản hoặc dạ dày.
Ghép gan bao gồm việc thay thế một lá gan bị bệnh bằng một lá gan khỏe mạnh. Đây là phương pháp điều trị dứt điểm cho những người bị xơ gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người bị xơ gan tiến triển đều là ứng cử viên tốt để cấy ghép. Một số lý do tại sao mọi người bị xơ gan có thể không phải là ứng cử viên tốt cho việc ghép gan bao gồm các trường hợp đã có ung thư gan đã di căn ra ngoài gan, hoặc bệnh tim hoặc phổi nghiêm trọng.
Ghép gan là một cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp, vì vậy người trải qua cuộc phẫu thuật cần có đủ sức khỏe để sống sót sau cuộc phẫu thuật và phục hồi. Hơn nữa, ngay cả những người là ứng cử viên phù hợp cũng phải chờ có gan tương thích.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh