✴️ Các tình trạng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột

Các chức năng của ruột

Ruột nằm trong ổ bụng, có chức năng hấp thu nước và các chất dinh dưỡng.

Ruột non

Thức ăn được phân nhỏ ra bởi dạ dày và di chuyển vào ruột non, tại đây sẽ thực hiện hấp thu các chất dinh dưỡng và đưa chúng vào trong máu. Có 3 nhóm chất dinh dưỡng chính di chuyển qua ruột non:

  • Protein;
  • Lipid hay chất béo;
  • Carbohydrate.

Ruột non có 3 phần:

  • Tá tràng: Đoạn này nối với dạ dày;

  • Hỗng tràng: Là đoạn giữa, hấp thu dinh dưỡng và nước;

  • Hồi tràng: Tại đây tiếp tục thực hiện tiêu hóa những thứ đã từng là thức ăn, được gọi là sản phẩm tiêu hóa, và tiếp tục di chuyển chúng đến đại tràng.

Ruột non cũng có chức năng hỗ trợ hệ miễn dịch. Một nghiên cứu cũ vào năm 2011 gợi ý rằng ruột non có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát các vi khuẩn và việc này cần được nghiên cứu thêm.

Chiều dài của ruột non

Ruột non dài khoảng 6-8 m, là đoạn dài nhất trong ống tiêu hóa. Ruột non có diện tích bề mặt rất lớn, có thể giãn ra thêm khoảng 60-120 lần.

Lòng ruột non không mượt và không phẳng. Thay vào đó, nó có các đặc tính sau để có thể giúp tối ưu hóa diện tích bề mặt và khả năng hấp thụ:

  • Các nếp gấp niêm mạc – các nếp gấp phức tạp ở mặt trong ruột non.

  • Nhung mao – các cấu trúc nhỏ dạng ngón tay nằm phủ trên bề mặt trong của ruột non.

  • Vi nhung mao – những cấu trúc nhỏ hơn nữa, có dạng giống lông, tóc, nằm ở trên nhung mao.

Đại tràng

Đại tràng hấp thụ nước, muối và các chất thải của các sản phẩm tiêu hóa và chuyển hóa chúng thành chất dạng rắn là phân, sau đó di chuyển phân đi đến trực tràng. Đại tràng có nhiều đoạn, bao gồm:

  • Manh tràng: Đoạn này nhận các sản phẩm tiêu hóa từ ruột non và chuyển chúng vào trong đại tràng.

  • Ruột thừa: Đoạn này có dạng giống ngón tay nối liền với manh tràng.

  • Kết tràng: Đây là đoạn dài nhất của đại tràng có chức năng hấp thu nước, muối và làm cứng các chất thải lỏng thành phân

  • Trực tràng: Đoạn này có vai trò chứa phân cho đến khi phân di chuyển ra ngoài cơ thể qua đường hậu môn.

đại tràng

Các tình trạng gây ảnh hưởng lên đường ruột

Có rất nhiều tình trạng bệnh gây ảnh hưởng đến đường ruột. Ví dụ như:

Táo bón

Táo bón là tình trạng đường ruột gặp khó khăn trong việc thải phân ra ngoài. Đây có thể là hậu quả của việc ăn ít chất xơ hoặc thiếu nước, mất cân bằng nội tiết, hay thụ động. Táo bón cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc. Đây là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi hơn là người trẻ.

Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm táo bón. Cũng có thể thử dùng các sản phẩm chức năng có chứa chất xơ hoặc thuốc nhuận tràng để làm giảm táo bón.

Viêm dạ day ruột do virus

Viêm dạ dày ruột do virus hay cũng có người gọi là “cúm dạ dày”, xảy ra do nhiễm trùng và có thể gây ra các cơn co thắt, tiêu chảy, nuồn nôn, nôn và sốt. Các triệu chứng có thể kéo dày vài ngày cho đến 10 ngày.

Giải pháp chủ yếu là tránh mất nước và bù điện giải. Để giải quyết các triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy, thì có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn như loperamide (Imodium).

Hội chứng ruột kích thích

Tình trạng này, thường được gọi là IBS, có các đặc điểm như gây ra đau bụng, đầy hơi và thay đổi thói quen đi tiêu. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định, nhưng một số tác giả của các nghiên cứu nhận thấy rằng có một loại vi trùng có thể có liên quan đến tình trạng này.

Biện pháp điều trị phụ thuộc vào triệu chứng của từng người, nhưng kết quả của một nghiên cứu năm 2019 gợi ý rằng tiếp cận toàn diện, bao gồm kháng sinh theo cá nhân và thay đổi chế độ ăn có thể cho kết quả tốt nhất.

Bệnh Celiac

Theo thời gian, ruột non của người mắc bệnh Celiac sẽ bị gluten trong lúa mì phá hủy dần dần cho đến khi mất đi khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.

Có rất nhiều triệu chứng, từ tiêu chảy và đau bụng cho đến khó chịu và trầm cảm. Thực hiện chế độ ăn không có gluten là giải pháp chính để điều trị.

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn gây ra viêm đường tiêu hóa mạn. Nó thường gây ảnh hưởng lên đoạn cuối của ruột non và đoạn nối với đại tràng.

Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng gây ra viêm, loét và tạo sẹo trong khung đại tràng. Các triệu chứng bao gồm các cơn đau như co thắt trong bụng và gây cảm giác cần thực hiện nhu động ruột ngay.

Để giải quyết các đợt cấp của triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc gồm: aminosalicylat, corticosteroid, hay thuốc ức chế miễn dịch. Với các triệu chứng nghiêm trọng và không đáp ứng với thuốc thì bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo thực hiện phẫu thuật.

Ung thư đại trực tràng

Phụ thuộc vào vị trí xuất hiện đầu tiên của các tế bào bất thường, bác sĩ có thể gọi ung thư đại trực tràng là ung thư đại tràng, ung thư ruột hay ung thư trực tràng. Một cách tổng quan thì ung thư đại trực tràng là ung thư thường gặp thứ 3 được chẩn đoán trên người trưởng thành tại mỹ.

Có nhiều xét nghiệm có thể phát hiện ra ung thư đại trực tràng, bào gồm nội soi đại tràng, CT-scan, và sinh thiết. Hầu hết các trường hợp còn trong giai đoạn sớm thì không thể hiện triệu chứng, do đó việc tầm soát và can thiệp sớm là đặc biệt quan trọng. Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng bao gồm:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Phân có máu, thường có màu đen;
  • Chảy máu từ trực tràng;
  • Cảm giác đầy bụng, chướng hơi và đau bụng;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân bất thường.

Biện pháp điều trị thông thường nhất là phẫu thuật, nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc và kích cỡ vị trí và giai đoạn của ung thư.

Phòng ngừa

Không phải bệnh nào ở đường tiêu hóa cũng có thể phòng ngừa, nhưng có nhiều cách để chăm sóc bảo vệ đường ruột, ví dụ như:

  • Chế độ ăn lành mạnh, giàu protein, xơ và carbohydrate phức tạp.
  • Giữ cân bằng nước và điện giải.
  • Quản lý tình trạng stress của bản thân.
  • Bỏ thuốc lá và tránh tình trạng hút thuốc lá thụ động.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Nếu như đau bụng kéo dài hơn vài ngày và không giảm với các biện pháp tại nhà thì nên gặp bác sĩ.

Và cũng nên tìm kiếm chăm sóc y tế khi:

  • Có đợt bùng phát triệu chứng của một bệnh đã có từ trước.
  • Mất khẩu vị kèm theo mệt mỏi và mất sức.
  • Phân có máu.
  • Các cơn đau nặng và kéo dài nhiều giờ.

Tổng kết

Giữ gìn sức khỏe đường ruột là rất quan trọng, và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới trong việc điều trị các bệnh của chúng.

Nên chú ý đến các triệu chứng cảnh báo như phân có máu. Nhìn chung thì bất kỳ ai nếu như có thắc mắc về tình trạng tiêu hóa của họ nên gặp bác sĩ để được tư vấn.

Xem thêm: Vi sinh vật đường ruột và sức khỏe

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top