✴️ Cách điều trị viêm gan C mạn tính và những điều cần lưu ý

Nếu virus viêm gan C (HCV) tồn tại trong gan và máu trên 6 tháng sau khi xâm nhập vào cơ thể, bạn đã mắc viêm gan C mạn tính. Tỷ lệ khỏi bệnh là rất thấp nếu không tiến hành điều trị. Ở giai đoạn này, HCV bắt đầu gây những tổn thương nặng hơn cho gan và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau đây là cách điều trị viêm gan C mạn tính và những vấn đề bạn không thể bỏ qua.

 

1. Thuốc điều trị viêm gan C mạn tính

Virus viêm gan C sinh sôi tại gan và tấn công vào các tế bào gan. Khi đó, cơ thể bắt đầu phản ứng chống lại nhiễm trùng. Viêm gan C khiến nguy cơ xơ gan, suy gan và ung thư gan tăng cao, đe dọa tính mạng người bệnh.

Hiện nay, interferon và ribavirin là hai loại thuốc được chấp nhận trong điều trị viêm gan C mạn.

1.1. Thuốc interferon

Cơ thể sản xuất ra protein tự nhiên interferon với vai trò chống lại virus. Trên thực tế, protein này cũng có một phần liên quan đến những triệu chứng của viêm gan C như mệt mỏi, sốt, đau nhức cơ. Dấu hiệu này cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Tuy nhiên, lượng interferon được sản xuất không ddue để tiêu diệt HCV. Do đó, cách để kích hoạt cơ thể tăng cường đề kháng tự nhiên là sử dụng dạng thuốc protein này. Thuốc sẽ bị phá hủy nếu uống qua đường tiêu hóa, bởi interferon là một protein. Vì vậy đường tiêm dưới da là cách duy nhất để sử dụng thuốc.

Hiện nay, có 2 dạng interferon đang được sử dụng là interferon thông thường và pegylated interferon.

– Interferon thông thường được phân hủy nhanh chóng, cần tiêm ít nhất 3 lần/tuần. Những trường hợp không đáp ứng với điều trị interferon quy ước có thể đáp ứng tốt hơn với pegylated interferon.

– Pegylated interferon là interferon được kết hợp với Poly Ethylene Glycol (PEG). Dạng thuốc này được điều chỉnh giúp kéo dài thời gian tác dụng diệt virus. Nó gồm 2 loại là peginterferon alfa-2a và peginterferon alfa-2b. Pegylated interferon tồn tại ở một nồng độ đủ trong cơ thể, có tác dụng diệt virus tốt hơn dạng interferon thông thường. Nó cũng dễ sử dụng hơn vì chỉ cần chích 1 lần/tuần.

Phối hợp pegylated interferon và ribavirin được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn

1.2. Thuốc ribavirin điều trị viêm gan C mạn

Điều trị đơn trị liệu hay interferon đơn thuần có thể diệt được virus theo các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị sẽ được nâng cao nếu điều trị phối hợp với một loại thuốc khác là ribavirin.

Ribavirin có dạng viên nén hoặc viên nang, uống 2 lần/ngày. Thuốc có thể tăng cường tác dụng điều trị của interferon khi sử dụng kết hợp (interferon thông thường hay dạng được pegylate hóa). Đồng thời thuốc cũng giảm khả năng tái phát viêm gan C. Trong trường hợp sử dụng đơn thuần, ribavirin không có khả năng diệt virus.

Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhiều trường hợp chỉ được điều trị chỉ bằng interferon mà không thể sử dụng ribavirin vì lý do y khoa. Cần lưu ý rằng 2 loại thuốc này có thể gây khuyết tật cho thai nhi. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện biện pháp ngừa thai trước, trong thời gian điều trị và tiếp tục 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.

1.3. Tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng như đã được bác sĩ kê toa. Theo đó, bạn cần dùng thuốc (tiêm hoặc uống) theo đúng liều lượng vào đúng thời gian quy định.

Việc tuân thủ điều trị giúp tăng khả năng khỏi bệnh. Việc dùng sai liều hoặc ngừng thuốc sớm có thể không diệt được virus viêm gan C. Việc điều trị cũng theo đó gặp thất bại.

 

2. Làm gì khi điều trị không phù hợp?

Phác đồ chữa viêm gan C mạn hiệu quả nhất là kết hợp pegylated interferon và ribavirin. Tuy nhiên, kê toa kết hợp điều trị có thể không được áp dụng được các trường hợp như:

– Người đang mắc một số bệnh lý khác ngoài viêm gan C mạn.

– Người đang có thai hoặc dự tính có thai không dùng thuốc điều trị vì có thể gây khuyết tật thai nhi.

– Người từng mắc bệnh trầm cảm hoặc có bệnh tim nặng trong vòng 6 tháng trước đó.

Lúc này, trì hoãn điều trị là giải pháp được ưu tiên áp dụng. Nếu bác sĩ khuyên bạn không nên điều trị bây giờ, hãy yên tâm tuân thủ. Trong thời gian chờ đợi người bệnh viêm gan C mạn cần cải thiện sức khỏe và hạn chế những tổn thương cho gan. Người bệnh nên xây dựng khẩu phần ăn lành mạnh, tránh uống rượu hoặc hút thuốc, tập thể dục thường xuyên.

Trong quá trình điều trị, hãy thiết lập lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe lá gan và toàn cơ thể

 

3. Vấn đề cần lưu ý liên quan đến điều trị viêm gan C mạn

3.1. Quyết định điều trị

Người bệnh và bác sĩ cần cân nhắc cẩn thận quyết định điều trị thuốc kháng virus. Tùy thuộc và kiểu gen và thời gian đủ để làm sạch virus, quá trình điều trị thường kéo dài 24 hoặc 48 tuần.

Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để đánh giá mức độ hữu ích của phác đồ với người bệnh. Hầu hết các xét nghiệm này chỉ cần kiểm tra máu của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể sinh thiết gan để kiểm tra.

Sinh thiết thể hiện chính xác tác động của HCV đến gan. Thủ thuật này tương đối an toàn, nguy cơ chảy máu là rất thấp. Một mẫu nhỏ tổ chức gan sẽ được lấy để làm xét nghiệm.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định những xét nghiệm phản ánh tình trạng xơ hóa, phổ biến nhất là lấy máu xét nghiệm. Phương pháp này có thể kiểm tra tổn thương gan mà ít gây ảnh hưởng hơn so với sinh thiết.

3.2. Theo dõi trong quá trình điều trị viêm gan C mạn

Hoàn thành chương trình điều trị như bác sĩ chỉ định là yếu tố quan trọng để tiêu diệt HCV. Trong quá trình này, người bệnh được yêu cầu thực hiện kiểm tra theo dõi đều đặn. Các xét nghiệm này có thể được tiến hành vào những thời điểm khác nhau.

Cụ thể trong những lần tái khám, bác sĩ sẽ:

– Chỉ định một số xét nghiệm nhằm kiểm tra đáp ứng với điều trị.

– Theo dõi tác dụng phụ của thuốc đối với người bệnh, tư vấn những phương pháp để hạn chế chúng.

– Đánh giá tình trạng gan và sức khỏe chung của người bệnh.

Nhiều người bệnh sẽ có dấu hiệu đáp ứng virus sớm. Điều này có nghĩa là số lượng HCV sẽ giảm xuống đáng kể khi bắt đầu điều trị. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể sẽ thực sự loại bỏ được virus viêm gan C.

Tuy nhiên ngoài gan và máu, HCV có thể lây nhiễm vào những tế bào khác. Vì vậy, điều cốt lõi để tiêu diệt hết virus là bạn phải tiếp tục theo dõi đủ thời gian theo hướng dẫn, kể cả khi đã có đáp ứng virus sớm. Làm được điều này, khả năng tái phát sau khi hoàn thành điều trị sẽ được giảm thiểu tối đa.

Mục tiêu tiêu cuối cùng là sau khi ngừng điều trị 6 tháng, kết quả xét nghiệm virus vẫn âm tính. Kết quả đáp ứng virus kéo dài này được xem là khỏi bệnh, rất hiếm khả năng tái phát về sau (chỉ khoảng 1%). Thống kê cho thấy khoảng 1/2 người bệnh có kiểu gen 1, khoảng 4/5 người bệnh có kiểu gen 2 và 3 đã được chữa khỏi viêm gan C mạn.

3.3. Các tác động của điều trị

Việc dùng thuốc có thể gây ra những biểu hiện khó chịu, đặc biệt là khi kết hợp pegylated interferon và ribavirin. Sau đây là một số tác dụng phụ thường gặp (lưu ý rằng chúng có thể không xảy ra cùng lúc):

– Hội chứng như cúm gồm: sốt, đau nhức, ớn lạnh. Uống nhiều nước và uống thuốc giảm triệu chứng là cách đơn giản làm nhẹ đi các những dấu hiệu này. Tuy nhiên trước khi dùng thêm bất kỳ thuốc gì, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.

– Vấn đề về trạng thái tinh thần như: lo âu, cáu gắt, thay đổi tính tình, trầm cảm, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung.

– Thay đổi về máu: Ribavirin có thể khiến lượng haemoglobin giảm, hồng cầu dễ vỡ hơn, thiếu máu. Pegylated interferons làm giảm bạch cầu đa nhân trung tính và tiểu cầu. Để ngăn ngừa điều này, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận và giảm liều thuốc nếu cần. Sau điều trị, số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu sẽ quay về bình thường.

– Ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây triệu chứng run và thay đổi cân nặng.

– Gây khô da, đôi khi có ngứa.

– Rụng tóc (hiếm gặp).

Hầu hết người bệnh gặp các triệu chứng trên với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Tác dụng phụ thường giảm dần và sẽ biến mất khi kết thúc điều trị. Hãy thông báo cho bác sĩ khi gặp các dấu hiệu bất thường để được xem xét lại chế độ điều trị hoặc tư vấn cách giảm tác dụng phụ của thuốc.

3.4. Người bệnh viêm gan C mạn cần làm gì?

Bạn cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt thường nhật để thích nghi với quá trình điều trị.

– Thảo luận cởi mở với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp để được hỗ trợ khi bạn mệt mỏi vì việc dùng thuốc: chia sẻ việc nhà, giảm bớt khối lượng công việc, làm việc tại nhà một hoặc vài ngày trong tuần,…

– Tập thể dục nhẹ nhàng để bớt đau cơ, cải thiện sức khỏe: đi bộ, yoga, đi xe đạp,…

– Tham khảo những người đã từng chữa trị viêm gan C để nhận được lời khuyên hữu ích.

– Chế độ ăn đảm bảo cân bằng những nhóm chất dinh dưỡng chính yếu. Hãy ăn nhiều bữa nhẹ trong ngày thay vì ăn lượng lớn trong một bữa.

– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tin tưởng và kiên trì với phác đồ điều trị.

Trên đây là cách điều trị viêm gan C mạn tính và những điều cần lưu ý. Người bệnh nên thực hiện điều trị tại các cơ sở y tế uy tín với bác sĩ chuyên khoa Gan mật giỏi để đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top