✴️Cách phòng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng ợ nóng, buồn nôn và nôn, khó nuốt, chướng bụng… rất khó chịu. Cùng áp dụng các cách phòng bệnh trào ngược dạ dày thực quản sau đây sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng này cũng như ngừa nguy cơ mắc bệnh hiệu quả.

Trào ngược dạ dày thực quản có liên quan tới chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế để phòng bệnh cần thay đổi những thói quen cũ.

 

Không ăn những thực phẩm chua, cay nóng, kích thích dạ dày

Các món ăn có vị chua và cay nếu ăn quá nhiều sẽ kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra acid dịch vị dư thừa. Khi lượng acid dịch vị tiết ra quá mức cần thiết thì niêm mạc tế bào có thể bị bào mòn, phá hủy gây nên các rối loạn chức năng dạ dày, gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Vì thế để phòng ngừa căn bệnh này cần tránh các thực phẩm chua, cay nóng như:

  • Các thực phẩm chua như cam, chanh, dưa cà muối, xoài, gia vị chua…
  • Các món cay như ớt, hạt tiêu, quế, đinh hương, ngũ vị hương….
  • Tránh chất kích thích dạ dày như rượu bia, cà phê, thuốc lá.

 

Tránh các thực phẩm khó tiêu hóa

Các  loại thực phẩm khó tiêu hóa như thức ăn nhiều dầu mỡ, chế biến chiên rán, giàu chất đạm… là thủ phạm gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Lý do là bởi những thực phẩm khó tiêu hóa này làm mất nhiều giờ để tiêu hóa, thức ăn đề lâu trong dạ dày có thể gây nên tình trạng lên men tiết bọt khí gây ợ hơi, ợ chua và ợ nóng trào ngược.

 

Giảm cân đúng cách

Nếu giảm cân quá nhanh bằng thuốc hoặc giảm cân không đúng phương pháp như nhịn ăn, bỏ bữa, ăn nhiều đồ chua… gây hại cho dạ dày, kích thích niêm mạc dạ dày gây ra các triệu chứng ợ nóng, trào ngược. Vì thế giảm cân đúng cách cũng là một cách phòng bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả.

Giảm cân đúng cách bằng việc:

  • Không nhịn ăn, bỏ bữa hoặc chế độ ăn kém dinh dưỡng.
  • Không ăn nhiều đồ chua để giảm cân nhanh.
  • Không sử dụng thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc gây hại dạ dày.

 

Không lạm dụng thuốc điều trị bệnh

Sử dụng thuốc không đúng theo hướng dẫn bác sĩ dễ gặp phải các tác dụng phụ và có thể làm tăng nguy cơ chứng trào ngược dạ dày thực quản. Do đó để phòng bệnh cần tránh các loại thuốc dễ gây trào ngược dạ dày như:

  • Thuốc chống viêm không steroid.
  •  Thuốc chẹn kênh canxi.
  • Một số thuốc điều trị hen.
  •  Thuốc an thần và thuốc giảm đau.
  •  Một số loại kháng sinh.
  • Thuốc giảm đau có tác dụng phụ gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá  tràng, trào ngược dạ dày…

Nếu buộc phải sử dụng các loại thuốc trên cần tuân thủ theo đúng liều lượng và chỉ định cụ thể của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn hoặc nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả.

 

Tránh căng thẳng, stress

Thường xuyên căng thẳng, stress kéo dài sẽ làm tăng co bóp dạ dày khiến dạ dày tiết nhiều axit dịch vị gây trào ngược dạ dày. Chính vì vậy để phòng trào ngược dạ dày thực quản chúng ta cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên tham gia các môn thể thao yêu thích, bơi lội hoặc đi du lịch…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top