✴️ Chẩn đoán và điều trị tình trạng khó nuốt

Chứng khó nuốt là tình trạng khi một người gặp khó khăn trong quá trình nuốt thức ăn, họ phải cố gắng hơn bình thường để đẩy thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Nguyên nhân thường do các vấn đề về thần kinh hoặc cơ. Chứng khó nuốt có thể gây đau đớn, thường gặp ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Mặc dù theo thuật ngữ y khoa “khó nuốt” thường được coi là một triệu chứng hay dấu hiệu, nhưng đôi khi nó được sử dụng để mô tả tình trạng gặp khó khăn trong quá trình nuốt. Có rất nhiều nguyên nhân có khả năng gây ra chứng khó nuốt: nếu tình trạng chỉ xuất hiện một hay hai lần thì có thể không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra thường xuyên thì chúng ta cần đến gặp bác sĩ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng khó nuốt và việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân của nó.

Chẩn đoán chứng khó nuốt

Chẩn đoán dựa vào việc xác định vấn đề nằm ở đâu - phần nào của chu trình nuốt.

Bệnh nhân sẽ được hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện, khó nuốt khi nuốt chất lỏng, chất rắn hay cả hai.

Nghiên cứu về nuốt thường được thực hiện bởi nhà trị liệu ngôn ngữ. Họ kiểm tra tính nhất quán khác nhau của thức ăn và chất lỏng để xem điều gì gây khó khăn. Họ cũng có thể thực hiện một cảnh quay quá trình nuốt để xem vấn đề nằm ở đâu.

Test nuốt barium: bệnh nhân nuốt dung dịch có chứa barium và sau đó được chụp Xquang, điều này sẽ giúp bác sĩ xác định được cụ thể vấn đề gì xảy ra bên trong thực quản, đặc biệt là sự hoạt động của các cơ.

Nội soi: sử dụng camera để soi bên trong thực quản. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để kiểm tra.

Đo vận động thực quản: đo lường sự thay đổi áp suất khi các cơ trong thực quản đang hoạt động. Phương pháp này có thể được tiến hành nếu không có bất thường trong quá trình nội soi.

chẩn đoán chứng khó nuốt

Điều trị

Khó nuốt hầu họng

Khó nuốt hầu họng thường có nguyên nhân rối loạn thần kinh nên điều trị hiệu quả là một thách thức. Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có thể đáp ứng tốt với thuốc điều trị bệnh Parkinson.

Liệu pháp nuốt được thực hiện với nhà trị liệu ngôn ngữ và lời nói. Bệnh nhân sẽ được học nuốt đúng cách. Các bài tập sẽ giúp cải thiện các cơ và cách chúng vận hành.

Chế độ ăn uống: một vài loại thức ăn, chất lỏng, hay hỗn hợp của chúng sẽ khiến người bệnh dễ nuốt hơn. Tuy vậy, bệnh nhân cần phải có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Nuôi ăn qua ống: nếu bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phổi, suy dinh dưỡng hay mất nước, họ có thể cần được cho ăn qua ống thông mũi-dạ dày hoặc PEG (nội soi dạ dày qua da). Ống PEG được phẫu thuật cấy trực tiếp vào dạ dày thông qua vết rạch nhỏ ở bụng.

Khó nuốt thực quản

Trong trường hợp này, thường cần có can thiệp phẫu thuật.

Sự giãn nở: nếu thực quản cần được nong rộng (trong trường hợp bị hẹp), một quả bóng nhỏ có thể được đưa vào rồi bơm căng (sau đó nó được lấy ra).

Độc tố Botulinum (Botox): thường được sử dụng nếu các cơ trong thực quản bị cứng (co thắt tâm vị). Botulinum toxin là một loại độc tố mạnh có thể làm giảm tình trạng cứng cơ, giảm co thắt.

Nếu khó nuốt do ung thư, bệnh nhân sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa ung thư để điều trị và có thể phải phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Có thể bạn quan tâm: Tổng quan về ung thư vùng họng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top