Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), rối loạn tự miễn, stress kéo dài hoặc do tác động từ rượu bia và thực phẩm kích thích. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm dạ dày có thể tiến triển thành viêm loét dạ dày – tá tràng, chảy máu tiêu hóa hoặc ung thư dạ dày.
Việc chẩn đoán chính xác đóng vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp cận lâm sàng thường được chỉ định.
HP là nguyên nhân hàng đầu gây viêm và loét dạ dày – tá tràng, đồng thời có liên quan đến ung thư biểu mô dạ dày và lymphoma niêm mạc (MALT).
Test thở urease C13/C14 (Urea Breath Test – UBT):
Nguyên lý: HP sản sinh urease, phân giải urê thành amoniac và CO₂. Nếu sử dụng urê gắn đồng vị C13 hoặc C14, khí CO₂ chứa đồng vị sẽ được phát hiện trong hơi thở nếu bệnh nhân nhiễm HP.
Ưu điểm: Không xâm lấn, độ nhạy và đặc hiệu cao.
Lưu ý: Test C14 không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Xét nghiệm phân (HP Stool Antigen Test):
Phát hiện kháng nguyên HP trong phân, phù hợp với trẻ em và phụ nữ mang thai.
Xét nghiệm huyết thanh học (Serology):
Phát hiện kháng thể kháng HP trong huyết thanh.
Nhược điểm: Không phân biệt được tình trạng nhiễm cũ hay mới, không dùng để đánh giá hiệu quả điều trị.
Chỉ định: Khi bệnh nhân có các triệu chứng báo động (đau thượng vị kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn ói kéo dài, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa…).
Kỹ thuật:
Bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm đưa qua đường miệng để quan sát trực tiếp thực quản, dạ dày và tá tràng.
Qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát các tổn thương viêm, trợt, loét hoặc bất thường niêm mạc.
Sinh thiết: Các mẫu mô được lấy để xét nghiệm mô bệnh học và kiểm tra sự hiện diện của HP bằng nhuộm Giemsa, CLO-test, hoặc PCR.
Nguyên lý: Bệnh nhân uống dung dịch chứa barium sulfat (BaSO₄) – chất cản quang – giúp hiển thị rõ ràng niêm mạc đường tiêu hóa trên phim X-quang.
Chỉ định: Khi không thể thực hiện nội soi hoặc để khảo sát tổng quan hình thái thực quản, dạ dày và tá tràng.
Ứng dụng: Giúp phát hiện các bất thường như loét, khối u, hẹp đường tiêu hóa, thoát vị hoành.
Chẩn đoán viêm dạ dày cần sự phối hợp giữa lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó phát hiện HP và nội soi tiêu hóa đóng vai trò quan trọng nhất. Việc lựa chọn xét nghiệm phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của người bệnh, độ tuổi, tình trạng lâm sàng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Phát hiện sớm và điều trị đúng hướng có thể ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như loét, xuất huyết tiêu hóa và ung thư dạ dày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh