Chữa viêm loét dạ dày tại nhà là lựa chọn tiện lợi, tiết kiệm chi phí nên được đông đảo người bệnh áp dụng. Tuy nhiên, bạn cần hiểu đúng về bệnh cũng như những ưu điểm và hạn chế của việc điều trị tại nhà để quyết định nên hay không nên thực hiện điều trị tại nhà?
1. Bệnh viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc thành dạ dày xuất hiện các tổn thương dạng viêm loét. Nguyên nhân gây bệnh thường đến từ hoạt động của vi khuẩn HP, người bệnh lạm dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm hoặc đến từ các yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn thiếu khoa học, stress kéo dài, hút thuốc lá,…
Bệnh phát triển từ giai đoạn cấp tính tới giai đoạn mạn tính. Cụ thể, ở giai đoạn cấp tính sẽ xảy ra các triệu chứng rầm rộ như đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nôn,.. nhưng sẽ nhanh chóng kết thúc. Lúc này, các tổn thương còn nông, mức độ bệnh nhẹ nên nếu được xử lý tốt vết viêm loét có thể tự lành. Ngược lại, nếu không kịp thời xử lý, bệnh sẽ chuyển qua tổn thương mạn tính. Giai đoạn này việc điều trị sẽ khó khăn hơn, nguy cơ biến chứng cũng cao hơn.
Chính vì vậy, việc điều trị viêm loét dạ dày nên được thực hiện càng sớm sẽ càng dễ dàng và nhanh chóng.
2. Điều trị viêm loét dạ dày tại nhà: Nên hay không nên?
Trên thực tế, việc thực hiện điều trị loét dạ dày tại nhà được áp dụng rất phổ biến từ trước đến nay. Mọi người thường áp dụng những bài thuốc dân gian từ các thực phẩm thiên nhiên có tác dụng giảm đau, kháng viêm dạ dày. Những phương pháp này có ưu điểm và hạn chế nhất định và không phải trường hợp nào cũng nên áp dụng.
2.1. Ưu điểm và hạn chế khi thực hiện điều trị tại nhà
Ưu điểm
– Dễ thực hiện.
– Các thực phẩm áp dụng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên nên đảm bảo tính lành tính.
– Cho hiệu quả tốt với các trường hợp viêm loét dạ dày nhẹ.
– Chi phí thấp.
Hạn chế
– Hiệu quả lâu dài nên cần kiên trì áp dụng.
– Chỉ có tác dụng hỗ trợ thuyên giảm các triệu chứng, không thể điều trị tận gốc căn nguyên bệnh.
– Áp dụng điều trị không đúng cách vẫn có thể gây ra một số các tác dụng phụ không mong muốn.
2.2. Có nên thực hiện chữa viêm loét dạ dày tại nhà hay không?
Như đã nói bên trên, bệnh viêm loét dạ dày sẽ phát triển qua các giai đoạn nặng nhẹ khác nhau. Theo đó, phương pháp điều trị áp dụng cũng cần cân nhắc phù hợp với từng tình trạng cụ thể. Không ít các trường hợp, vì lầm tưởng bệnh nhẹ mà tự ý điều trị tại nhà. Kết quả là các triệu chứng có thể thuyên giảm song không thể trị đúng căn nguyên bệnh nên sẽ khiến ổ viêm loét thêm nặng cùng nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng về sau.
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng các bài thuốc tự nhiên chữa viêm loét dạ dày cũng mang lại những hiệu quả nhất định. Cách tốt nhất, người bệnh nên thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để xác định rõ về tình trạng bệnh. Trong trường hợp viêm loét nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể các cách điều trị tại nhà bao gồm chế độ ăn uống, các thực phẩm tốt cho bệnh dạ dày hay điều chỉnh thói quen sinh hoạt điều độ,…
3. Những cách chữa loét dạ dày phổ biến tại nhà
Nghệ, gừng, mật ong, nha đam là nhóm những thực phẩm từ thiên nhiên nổi tiếng với công dụng hỗ trợ điều trị tốt các bệnh dạ dày và được áp dụng rất phổ biến.
3.1. Sử dụng nghệ vàng
Thành phần chính curcumin trong nghệ tươi là hoạt chất giúp chống lại sự tấn công của vi khuẩn HP. Vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ở dạ dày trong đó có viêm loét dạ dày. Vì vậy, dùng nghệ mỗi ngày có thể kiểm soát được các triệu chứng như đau bụng, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đặc biệt phòng tránh cả nguy cơ ung thư.
Người bệnh có thể pha tinh bột nghệ với nước ấm uống đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, việc dùng nghệ cũng cần lưu ý vì sử dụng quá liều có thể dẫn đến tình trạng máu loãng, hạ huyết áp, hạ đường huyết,… Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nghệ.
3.2. Gừng giúp chữa viêm loét dạ dày tại nhà
Củ gừng chứa hợp chất phenolic với công dụng hạn chế sự kích ứng trong đường tiêu hóa, giảm co thắt ở dạ dày cũng như giảm tiết axit, đặc biệt còn có thể hỗ trợ làm lành tổn thương viêm loét ở dạ dày. Không chỉ vậy, hương vị của gừng còn giúp người bệnh hạn chế cảm giác buồn nôn, ợ hơi, ợ chua.
Bạn có thể dùng gừng như một loại gia vị cho vào đồ ăn mỗi ngày hoặc ngâm gừng tươi với mật ong, uống trà gừng cũng đều cho hiệu quả điều trị tốt.
3.3. Mật ong
Mật ong vốn nổi tiếng là thức quà thiên nhiên rất có lợi cho sức khỏe. Và một trong số những lợi ích đó là được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Trong mật ong có thành phần glucose oxidase giúp tiêu diệt vi khuẩn HP cùng tác dụng giảm sưng, kháng viêm hiệu quả, chống oxi hóa nên đặc biệt tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày.
3.4. Nha đam
Thông thường, nha đam được biết đến nhiều với công dụng trong lĩnh vực làm đẹp nhưng ít ai biết rằng loại cây này cũng rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Cụ thể, nha đam giúp hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế táo bón, ức chế tăng nồng độ axit trong dịch vị ở dạ dày và giúp hỗ trợ chữa lành các vết viêm loét.
Bạn cũng có thể kết hợp sử dụng cùng lúc 4 loại thực phẩm chữa viêm loét dạ dày tại nhà nêu trên để mang tới hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa cùng lối sống nề nếp điều độ, bỏ thuốc lá, tránh căng thẳng kéo dài.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh