✴️ Chức năng: Gan và túi mật

Nội dung

Chức năng của gan là gì?

Các tế bào gan tiết liên tục 800 – 1000 ml mật / 1 ngày. Muối mật là muối Natri và muối Kali của các acid mật ( chủ yếu là acid cholic và acid chenodeoxycholic ) có vai trò trong (1) nhũ tương hóa ( emulsification ) phân hủy các giọt mỡ lớn thành các giọt mỡ nhỏ khoảng 1um và (2) hấp thu ( absorption ) lipid đã tiêu hóa.

Giữa các bữa ăn, mật chảy vào túi mật để dự trữ vì cơ vòng của bóng gan tụy hoặc cơ vòng Oddi đóng lại lối vào tá tràng, Cơ vòng bao quanh bóng gan tụy. Sau bữa ăn, một số kích thích thần kinh và hormone thúc đẩy quá trình sản xuất và giải phóng mật. Các xung động TK đối giao cảm dọc theo các sợi TK lang thang ( X ) có thể kích thích gan tăng sản xuất mật lên gấp đôi tỷ lệ ban đầu. Các acid béo và acid amin trong nhũ trấp ( chyme ) đổ vào tá tràng kích thích một số tế vào nội tiết ruột của tá tràng tiết ra hormone cholecystokinin ( CCK ) vào máu. CCK gây co bóp thành của túi mật, ép mật dự trữ ra khỏi túi mật vào ống túi mật và ống mật chủ. CCK cũng làm giãn cơ vòng của bóng gan tụy cho phép mật chảy vào tá tràng.

Ngoại tiết mật, gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác như :

  • Chuyển hóa Carbohydrate ( Carbohydrate metabolism ). Gan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường máu ở mức bình thường. Khi lượng đường máu giảm, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose và giải phóng glucose vào dòng máu. Gan có thể chuyển đổi một số acid amin và acid lactic thành glucose, và nó có thể chuyển đổi các loại đường khác chẳng hạn như fructose, galactose thành glucose. Sau khi ăn, lượng đường máu tăng cao, gan chuyển đổi glucose thành glycogen và triglyceride để dự trữ.
  • Chuyển hóa Lipid ( Lipid metabolism ). Các tế bào gan dự trữ một số triglyceride, phân hủy các acid béo để tạo ra ATP, tổng hợp lipoprotein ( HDLs, LDLs, VLDLs ), vận chuyển acid béo, triglyceride, cholesterol đến và đi từ các thể bào của cơ thể, tổng hợp cholesterol và sử dụng cholesterol để tạo muối mật.
  • Chuyển hóa Protein ( Protein metabolism ). Vì cơ thể không có cơ chế dự trữ acid amin dư thừa, nên lượng acid amin này sẽ được gan phân hủy, quá trình này sẽ tạo ra sản phẩm thải là amoniac ( NH3 ) độc hại. Sau đó NH3 sẽ chuyển hóa thành một chất ít độc hơn là ure được thải ra ngoài qua nước tiểu. Các tế bào gan cũng tổng hợp hầu hết các protein huyết tương chẳng hạn như α , β globulin , albumin, prothrombin và fibrinogen.
  • Sự bài tiết bilirubin ( Excretion of bilirubin ). Bilirubin có nguồn gốc từ heme của các tế bào hồng cầu già được gan hấp thu từ máu và tiết vào mật. Hầu hết bilirubin trong mật được vi khuẩn chuyển hóa trong ruột non và đào thải qua đường phân.
  • Tổng hợp muối mật ( Synthesis of bile salts ). Muối mật được sử dụng trong ruột non để tạo nhũ tương và hấp thu lipid, cholesterol, phospholipid và lipoprotein.
  • Dự trữ ( Storage ). Ngoài glycogen, gan còn là nơi dự trữ của một số vitamin ( A, B12, D, E, và K ) và một số chất khoáng ( sắt và đồng ). Các chất này sẽ được giải phóng khỏi gan khi cơ thể cần.
  • Hoạt hóa vitamin D ( Activation of vitamin D ). Da, gan và thận tham gia vào tổng hợp dạng hoạt tính của vitamin D
  • Thực bào ( Phagocytosis ). Các tế bào lưới nội mô hình sao ( Kupffer ) của gan thực bào các tế bào hồng cầu già, bạch cầu và một số vi khuẩn.

 

Chức năng túi mật là gì?

Chức năng của túi mật là lưu trữ và cô đặc dịch mật được sản xuất từ gan. Đồng thời, khi cơ thể tiêu hóa chất béo, túi mật sẽ đảm nhiệm vai trò tống đẩy và điều tiết lượng dịch mật vào ống mật chủ qua tá tràng để xuống ruột non.

Trong cơ thể, gan hoạt động sản xuất dịch mật liên tục. Dịch mật là một chất sền sệt màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng và góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hoá thức ăn.

Muối mật là thành phần chính của dịch mật, gồm natri glycocholate và natri taurocholate. Vai trò của muối mật là phân huỷ các chất béo, thúc đẩy cho hoạt động của các men lipase (phân huỷ lipid). Chúng còn giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột và vận chuyển các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K).

Muối mật không bị mất đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Mỗi ngày cứ 12 tiếng, gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml – 1 lít. Tuy nhiên thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30-60ml (95% là nước). Ngoài muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol, sắc tố mật, chất điện giải…

Khi không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được dự trữ trong túi mật, mật sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Khi chất béo đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top