Việc gặp phải các cơn đau dạ dày cấp xảy ra rất phổ biến và thường xuyên trong cộng đồng. Tìm hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của cơn đau sẽ giúp mỗi người có cách phòng tránh và xử lý đúng cách, ngăn ngừa tình trạng diễn tiến trở nặng.
Đau dạ dày cấp thường được khởi phát rất đột ngột, gây ra những khó chịu làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Đau dạ dày thường xuất hiện phổ biến nhất ở ba vị trí là vùng thượng vị, vùng bụng giữa và ở vùng bụng dưới bên trái.
Đau dạ dày xảy ra khi niêm mạc dạ dày xuất hiện các ổ viêm loét bất thường. Lâu dần, các ổ hay vết viêm loét này sẽ lan rộng và ăn sâu hơn tại niêm mạc dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa khó chịu cho người bệnh nhất là ở vùng bụng. Ở thời điểm đau bụng cấp tính, nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn cùng nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Đau dạ dày cấp rất phổ biến và dễ gặp trong cộng đồng. Về nguyên nhân chính gây đau dạ dày là sự ảnh hưởng của vi khuẩn HP – Helicobacter pylori. Hoạt động của loại vi khuẩn này làm bào mòn dần lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Theo thời gian phá hủy lớp bảo vệ, để lộ ra các lớp bên dưới và gây ra các ổ viêm loét. Hệ quả dẫn đến đau dạ dày.
Ngoài ra, người bệnh bị đau dạ dày còn có thể đến từ các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ khác như:
– Người bệnh sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn quá nhiều hoặc sử dụng liên tục trong một thời gian gian dài.
– Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm (thường thấy trong điều trị bệnh lý về viêm thoái hóa, viêm khớp), corticoid hay các loại thuốc kháng viêm không có chứa steroid.
– Chế độ ăn uống không cân đối, lối sống sinh hoạt thiếu khoa học.
– Ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày cấp.
– Người bệnh thường xuyên bị căng thẳng hoặc stress nặng trong thời gian kéo dài
Nhận biết sớm về đau dạ dày cấp, người bệnh chú ý tới các triệu chứng phổ biến như: thường xuyên bị đau tại các vị trí khác nhau ở vùng bụng, cảm giác buồn nôn hoặc nôn sau khi ăn, chán ăn, ợ chua, nguy hiểm hơn là xuất huyết dạ dày,…
Đau bụng là triệu chứng điển hình và dễ gặp phải nhất khi bị đau dạ dày cấp. Vị trí cơn đau thường ở vùng thượng vị. Đau kéo dài trong một khoảng thời gian và thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng hoặc đau về đêm.
Tùy theo mức độ tổn thương của dạ dày mà mức độ đau ở từng người sẽ khác nhau. Trong một số trường hợp, cơn đau xuất hiện với tần suất liên tục, đau quặn vùng thượng vị dữ dội theo kèm các biểu hiện khác như nóng rát, cồn cào và khó chịu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơn đau chỉ xuất hiện âm ỉ, kéo dài.
Cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn nhiều ngay sau khi ăn cũng là một trong những dấu hiệu của đau dạ dày cấp mà người bệnh cần lưu ý. Do dạ dày có các ổ viêm loét gây cản trở việc tiêu hóa nên người bệnh sẽ nôn hết thức ăn ra ngoài. Sau đó sẽ là các cơn đau tại dạ dày. Nếu tình trạng này không được sớm khắc phục, người bệnh sẽ dễ bị mệt mỏi, sụt cân và mất nước kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể trạng sức khỏe..
Cùng với đó, người bệnh có thể gặp thêm các vấn đề về rối loạn hệ tiêu hóa như:
– Ơ hơi, ợ chua.
– Đầy bụng, trướng bụng.
– Chán ăn.
– Đi ngoài.
Xuất huyết dạ dày là biến chứng rất dễ xảy ra khi người bệnh bị đau dạ dày cấp mà không được xử lý kịp thời. Biểu hiện của xuất huyết là người bệnh nôn ra máu tươi, tiêu phân đen, đau bụng dữ dội, thức ăn không thể được dung nạp vào dạ dày,… Những dấu hiệu này cũng là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sức khỏe của người bệnh đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Khi xuất hiện cơn đau bụng vùng thượng vị và các triệu chứng miêu tả nêu trên của đau dạ dày cấp, người bệnh cần chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Sau đó, cần tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để giải quyết tận cùng. Phần lớn các trường hợp đau dạ dày đến từ việc nhiễm khuẩn HP dương tính. Ngày nay, có nhiều phác đồ điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, tốt nhất người bệnh hãy thực hiện đúng phác đồ bác sĩ đưa ra để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả tốt.
Nếu đau dạ dày cấp do bị ngộ độc thực phẩm thì cần rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Trường hợp ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh theo đúng phác đồ phù hợp.
Cơn đau dạ dày cấp có thể gặp phải ở bất kỳ ai, mọi lứa tuổi. Chính vì thế, mỗi người không thể chủ quan mà cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin liên quan, nhận diện đúng các dấu hiệu để kịp thời phát hiện bệnh. Nhận biết sớm, chủ động thăm khám khi cần là cách đối phó tốt nhất giúp điều trị bệnh hiệu quả, nhanh chóng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh