✴️ Đau bụng do đầy hơi: Nguyên nhân cách khắc phục và phòng tránh

Nội dung

Đau bụng do đầy hơi có cảm giác như thế nào?

Bạn sẽ cảm thấy đau âm ỉ hoặc một loạt các cơn đau quặn ở ngực, bụng. Đau cũng có thể kèm với:

  • Cảm giác đầy bụng, khó chịu;

  • Ợ hơi.

Nguyên nhân ngắn hạn

Nuốt nhiều không khí khi:

  • Ăn hoặc uống quá nhanh;

  • Uống đồ uống có ga;

  • Uống qua ống hút;

  • Nhai kẹo cao su;

  • Ngậm kẹo cứng;

  • Đeo răng giả không phù hợp;

  • Hút thuốc.

Ăn thực phẩm tạo nhiều hơi, chẳng hạn như:

  • Rau cải;

  • Đậu;

  • Các loại ngũ cốc;

  • Các sản phẩm từ sữa.

Táo bón

Đau mãn tính hoặc căng thẳng

Việc ghi nhật kí ăn uống giúp ích cho những người thường xuyên bị đầy hơi nhằm theo dõi loại thức ăn và thời điểm họ ăn và uống. Ghi chép lại giúp xác định và tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây triệu chứng.

Nguyên nhân lâu dài

Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thức ăn là tình trạng khó tiêu hóa một thành phần cụ thể của thức ăn. Ví dụ:

  • Bệnh Celiac: Rối loạn tự miễn dịch này gây viêm ruột non khi người bệnh tiêu thụ gluten. Nó có thể khiến ruột non hấp thụ ít chất dinh dưỡng hơn từ chế độ ăn uống;

  • Không dung nạp lactose: Điều này liên quan đến việc khó tiêu hóa lactose, một loại đường trong hầu hết các sản phẩm sữa;

  • Không dung nạp fructose trong chế độ ăn uống: Điều này liên quan đến việc khó tiêu hóa đường fructose, một loại đường trong hầu hết các loại trái cây và một số loại rau.

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO) là tình trạng dư thừa vi khuẩn trong ruột non.

Nó là kết quả của việc có axit dạ dày thấp hoặc giảm sự co bóp của cơ trong ruột non.

Các triệu chứng của SIBO có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng một số bao gồm:

  • Đầy hơi;

  • Đau bụng hoặc khó chịu;

  • Tiêu chảy;

  • Mệt mỏi.

GERD

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit dạ dày trào lên thực quản. Các triệu chứng phổ biến nhất của GERD là ợ chua và trào ngược axit, nhưng nó cũng có thể gây ra:

  • Đau ở ngực hoặc bụng;
  • Đầy hơi, ợ hơi;
  • Cảm giác thức ăn mắc kẹt trong thực quản;
  • Vị chua trong miệng;
  • Hơi thở hôi;
  • Đau họng mãn tính.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến ruột. Hiện chưa chắc chắn về nguyên nhân chính xác, nhưng nó có thể liên quan đến:

  • Thức ăn đi qua ruột già quá nhanh hoặc quá chậm;
  • Quá nhạy cảm của các dây thần kinh trong ruột;
  • Stress;
  • Di truyền.

Các triệu chứng của IBS có thể không đổi hoặc tự biến mất. Các đợt triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng bao gồm:

  • Đau bụng từng cơn và hết sau khi đi tiêu;
  • Chướng bụng;
  • Đầy hơi quá mức;
  • Táo bón;
  • Tiêu chảy.

đau bụng do đầy hơi

 

Điều trị

 

Một số thuốc giúp giảm đau do đầy hơi như:

Alpha-galactosidase

Alpha-galactosidase là một loại enzyme mà cơ thể cần để phân hủy đường tự nhiên có trong đậu, ngũ cốc và rau quả. Thường dùng thuốc trước khi ăn.

Alpha-galactosidase có sẵn dưới các tên thương hiệu sau:

  • Beano;

  • Digesta;

  • Gas-Zyme 3X.

Simethicone

Simethicone là thuốc giúp khí di chuyển nhanh hơn qua đường tiêu hóa. Điều này có thể giúp giảm đầy hơi và đau bụng và khó chịu.

Simethicone có sẵn dưới tên thương hiệu Mylanta Gas và Gas-X. Loại thứ hai có sẵn theo toa cho trẻ em và trẻ sơ sinh.

Lactase

Lactase là một loại enzyme giúp cơ thể phân hủy đường lactose.

Những người không dung nạp lactose có thể được lợi khi dùng thuốc hoặc thuốc nhỏ lactase trong bữa ăn hoặc đồ ăn nhẹ có chứa sữa.

Tuy nhiên, lactase có thể không phù hợp với trẻ em dưới 3 tuổi hoặc phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Chăm sóc tại nhà và thay đổi lối sống

Một số cách giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các đợt đau bụng do đầy hơi:

Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá khiến nuốt không khí nhiều hơn bình thường.

Thay đổi thói quen ăn uống: Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và đi chậm. Ngoài ra, cần tránh hoặc loại bỏ thức ăn và đồ uống gây ra khí, chẳng hạn như:

  • Đậu;

  • Sản phẩm bơ sữa;

  • Thực phẩm giàu chất xơ;

  • Bông cải xanh và súp lơ trắng;

  • Thực phẩm giàu carbs khó tiêu hóa;

  • Đồ uống có ga.

Đi bộ hoặc di chuyển xung quanh: Hoạt động nhẹ nhàng có thể giúp hơi trong đường tiêu hóa dễ thải ra ngoài. Tập yoga, đi bộ, vươn vai có thể giúp ích.

Chườm nóng: Đệm sưởi hoặc bồn tắm nước ấm có thể làm giãn cơ bụng, giúp hơi thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị đau do đầy hơi. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy mối liên hệ giữa việc khóc nhiều, đau bụng và lượng khí nhiều trong ruột ở trẻ sơ sinh. Một em bé bị đầy hơi biểu hiện:

  • Khóc;

  • Rút chân vào bụng;

  • Cong lưng;

  • Nắm chặt tay.

Nghiên cứu năm 2011 cũng cho thấy rằng việc chuyển sang sử dụng sữa công thức có hàm lượng lactose thấp giúp cải thiện các triệu chứng đau do đầy hơi.

Để ngăn ngừa bệnh ở trẻ sơ sinh, hãy thử:

  • Cho trẻ ăn trước khi quá đói để trẻ không nuốt không khí quá nhiều do quấy khóc;

  • Đảm bảo trẻ nằm trong tư thế tốt và ngậm chặt trong khi bú;

  • Cho trẻ ợ hơi trong và sau khi bú.

Các trường hợp đau tương tự nhưng do bệnh khác:

Hơi có thể tích tụ ở đại tràng. Vị trí tích tụ hơi có thể gây ra các triệu chứng khác nhau và dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ, hơi ở đại tràng bên phải có thể giống như đau túi mật, trong khi khí ở đại tràng trên bên trái có thể gây ra các triệu chứng giống như đau tim.

Các bệnh khác gây ra triệu chứng tương tự bao gồm:

  • Dây dính: Những mô sẹo phát triển sau khi phẫu thuật đau và đầy hơi có thể cần điều trị chuyên khoa tiêu hóa;

  • Thoát vị bụng: là qua điểm yếu của thành bụng mà qua đó tạng trong ổ bụng thoát ra ngoài. Tình trạng này có thể gây đầy hơi và đau, đôi khi cần phải phẫu thuật sửa chữa;

  • Ung thư đại tràng: Đau bụng dai dẳng và quặn cơn có thể là triệu chứng của ung thư đại tràng;

  • Ung thư buồng trứng: Đau bụng và chướng bụng có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

Khi nào cần đi khám

Đau do đầy hơi thỉnh thoảng gây khó chịu và thật sự không quá nghiêm trọng. Triệu chứng thường sẽ tự khỏi hoặc nhờ các kỹ thuật chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đau nặng hoặc kéo dài có thể là bệnh lý tiềm ẩn khác. Hãy đi khám bệnh nếu đau do đầy hơi kèm theo:

  • Khó ăn;

  • Thay đổi thói quen đi tiêu;

  • Máu trong nước tiểu hoặc phân;

  • Giảm cân không giải thích được;

  • Mệt mỏi.

Tóm lược

Hơi là một sản phẩm bình thường của quá trình tiêu hóa, đôi khi có thể gây đau, chướng bụng, ợ hơi và đầy hơi. Tình trạng này thường tự biến mất khi chăm sóc tại nhà hoặc dùng thuốc hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nặng hoặc dai dẳng, hãy đi khám. Điều này đặc biệt quan trọng vì các triệu chứng liên quan có thể giống với các triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng hơn.

 

Xem thêm: BS CK2 Trần Ngọc Lưu Phương khuyên về chứng đầy hơi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top