✴️ Đau đại tràng co thắt hay gặp ở người lớn tuổi

Nội dung

Đau đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột non kích thích, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng… Đây là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.

Đau đại tràng co thắt được phân thành 3 loại cơ bản:

Loại 1: Có hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.

Loại 2: Có hiện tượng đau bụng và táo bón.

Loại 3: Có hiện tượng đau bụng, vừa tiêu chảy lại vừa táo bón.

Đau đại tràng co thắt là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi

 

Bệnh đau đại tràng co thắt thường gặp ở người lớn tuổi và chủ yếu là nữ giới. Những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, stress tâm lý… là những người dễ bị đau đại tràng co thắt. Bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

1. Nguyên nhân gây đau đại tràng co thắt

Nguyên nhân của bệnh đau đại tràng co thắt rất đa dạng, có thể kể đến một số nguyên nhân điển hình như:

-Viêm đường ruột bởi ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh – thức ăn có vi khuẩn thương hàn gây bệnh, vi khuẩn lỵ hoặc lỵ a-míp.

Nguyên nhân gây bệnh đau đại tràng co thắt rất đa dạng

 

-Do rối loạn nhu động ruột

-Do dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn

-Do rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần…

Chẩn đoán đau đại tràng co thắt tương đối phức tạp. Với từng trường hợp bệnh nhân khác nhau, bác sĩ có thể sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm khác nhau. Cụ thể:

Trường hợp bệnh nhân bị nghi loạn khuẩn có thể cho xét nghiệm phân tìm vi khuẩn, xét nghiệm tìm các loại trứng giun, sán…

Trường hợp nghi ngờ nhiễm viêm đại tràng với lý do khác có thể cho chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, nội soi đại tràng…

 

2. Triệu chứng đau đại tràng co thắt

Bệnh đau đại tràng co thắt có rất nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó triệu chứng điển hình là đau bụng. Hiện tượng đau bụng biểu hiện rất đa dạng, có thể đau sau khi ăn, khi ăn no đặc biệt là đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh…

Khi người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, cơn đau bụng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đau đại tràng co thắt thường đau ở vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, dễ gây nhầm với bệnh đau dạ dày. Cơn đau sẽ hết sau khi đại tiện.

 

3. Phòng tránh đau đại tràng co thắt

Để phòng tránh bệnh đau đại tràng co thắt, chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Khám sức khỏe định kỳ là cách giúp phát hiện bệnh tật sớm nhất, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Khuyến cáo của các bác sĩ, khi  đã có dấu hiệu của bệnh đau đại tràng co thắt, người bệnh cần đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm ngay từ đầu, không để bệnh trở thành mạn tính. Bên cạnh đó, cần ăn uống đảm bảo vệ sinh. Không nên lạm dụng gia vị, rượu, bia, chất chua, cay trong các bữa ăn hằng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top