✴️Dấu hiệu bị loét dạ dày điển hình giúp nhận biết sớm về bệnh

Nội dung

Các dấu hiệu bị loét dạ dày rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa thông thường. Chính vì vậy, các thông tin được cung cấp trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu đúng và đầy đủ các triệu chứng bệnh để nhận biết bệnh từ sớm.

 

1. Thông tin bệnh loét dạ dày

1.1. Bệnh loét dạ dày

Bệnh loét dạ dày có tỷ lệ mắc cao và gặp ở đa dạng các đối tượng. Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn, hình thành nên các tổn thương dưới dạng viêm loét. Các ổ viêm loét này có thể ăn sâu hoặc lan rộng và hậu quả là gây ra các triệu chứng tiêu hóa khó chịu cùng nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh loét dạ dày không phải bệnh lý khó điều trị, nhất là khi thực hiện điều trị ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Viêm loét dạ dày rất phổ biến, tỷ lệ mặc cao nên không thể chủ quan với bệnh.

 

1.2. Nguyên nhân gây bệnh

Về nguyên nhân gây viêm loét dạ dày bao gồm 2 nguyên nhân chính:

Vi khuẩn HP dương tính

Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn có khả năng xâm nhập và phát triển ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày người. Tại đây, chúng sẽ tiết ra các độc tố làm mất dần đi khả năng chống lại acid dẫn tới lớp bảo vệ bị bào mòn dần và lộ ra các lớp bên dưới. Hậu quả đó là dẫn tới các tổn thương viêm loét dạ dày.

Lạm dụng sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau

Sử dụng nhóm thuốc trên trong thời gian dài sẽ khiến cho thành dạ dày bị tổn thương. Nguyên nhân được đưa ra là các loại thuốc giảm đau, khám viêm này sẽ gây ức chế quá trình tổng hợp nên prostaglandin. Đây một hợp chất có chức năng bảo vệ thành niêm mạc dạ dày vì vậy khi thiếu prostaglandin, thành dạ dày sẽ yếu dần và dễ bị viêm loét.

Ngoài 2 nguyên nhân trực tiếp gây loét dạ dày kể trên, chúng ta còn cần lưu ý tới các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

– Stress kéo dài, thường xuyên bị căng thẳng, lo âu,…

– Ăn uống thiếu khoa học.

– Sinh hoạt không đảm bảo, thức quá khuya.

– Hút thuốc lá.

– Uống rượu, bia.

– Trường hợp đến từ nguyên nhân tự miễn hoặc do phải chịu tác hại của hóa chất.

 

1.3. Giai đoạn phát triển của bệnh

Loét dạ dày phát triển từ nhẹ tới nặng theo 2 giai đoạn:

– Viêm loét cấp tính: Là giai đoạn khởi phát của bệnh, các tổn thương còn khá nông, mức độ viêm loét nhẹ và chưa gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Viêm loét cấp tính được coi là thời điểm vàng điều trị vì lúc này các tổn thương có thể tự lành nhanh chóng nếu bệnh được kịp thời xử lý đúng cách.

– Viêm loét mạn tính: Xảy ra khi người bệnh bỏ qua hoặc điều trị viêm loét cấp tính sai cách. Các tổn thương âm thầm lan tỏa hoặc ăn sâu khu trú tại một vùng nhất định tại lớp niêm mạc dạ dày. Viêm loét dạ dày mạn tính sẽ không thể tự làm lành, việc điều trị cũng cần nhiều thời gian hơn. Các trường hợp viêm loét nặng có thể dẫn tới hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.

 

2. Dấu hiệu bị loét dạ dày điển hình qua từng giai đoạn bệnh

Các dấu hiệu bệnh loét dạ dày không quá nổi bật, đôi khi còn khá âm thầm. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng sẽ rầm rộ hơn cả, sau đó giảm dần và có thể biến mất. Điều này không có nghĩa là bệnh tình đã tự thuyên giảm mà là đang có sự chuyển biến từ viêm cấp tính qua thể mạn tính như đã nói ở trên.

Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh là cực kỳ cần thiết và quan trọng. Nhận biết sớm sẽ không bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị.

2.1. Dấu hiệu bị loét dạ dày cấp tính

Thông thường, các triệu chứng cấp tính sẽ khởi phát đột ngột, rầm rộ trong khoảng 3-4 ngày đầu với các biểu hiện khá rõ ràng như:

– Đau bụng thượng vị rất dữ dội và kéo dài.

– Cảm giác chán ăn.

– Đầy bụng, khó tiêu.

– Ợ hơi, ợ chua.

– Buồn nôn hoặc bị nôn.

– Đôi khi còn có thể có các dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.

2.2. Dấu hiệu bị loét dạ dày mạn tính

Các triệu chứng viêm dạ dày mạn tính không còn rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính. Thậm chí, ở thời gian đầu hầu như không có dấu hiệu khác thường nào. Theo thời gian, các tổn thương phát triển, lan rộng hoặc ăn sâu sẽ bắt đầu gây ra các triệu chứng  như đau bụng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, ợ chua, nôn hoặc buồn nôn, đi ngoài phân đen, bị sút cân không chủ đích,…

Người bệnh loét dạ dày mạn tính không thể chủ quan vì bệnh tình có thể tiến triển chở nặng khó lường. Hãy để ý những dấu hiệu nghi ngờ bệnh đầu tiên để kịp thời xử lý bệnh đúng cách.

 

3. Phải làm gì khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ loét dạ dày?

Tâm lý chung của nhiều người bệnh sẽ có xu hướng “nước đến chân mới nhảy” nên khi gặp phải các dấu hiệu đầu tiên người bệnh thường chủ quan mặc kệ chỉ đến khi triệu chứng thực sự nặng mới tìm cách xử lý.

Bên cạnh đó, việc tự bắt bệnh kê đơn hoặc áp dụng các mẹo vặt dân gian cũng là tình trạng nhiều người bệnh viêm loét dạ dày thực hiện. Việc làm này sẽ khiến bệnh tình thêm nặng, nhiều trường hợp còn có thể tái phát nhiều lần gây nhiều khó khăn trong điều trị sau đó.

Trên hết, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Chỉ có thăm khám mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và lên phác đồ điều trị chuyên biệt.

Trên đây là cách nhận biết các dấu hiệu bị loét dạ dày điển hình qua các giai đoạn bệnh cũng như hướng dẫn xử lý đúng cách ngay khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên. Viêm loét dạ dày sẽ được điều trị hiệu quả nhất khi được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top